MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xài thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng, phải trả hơn 8,8 tỷ đồng sau 11 năm: Chuyên gia phân tích gì?

15-03-2024 - 12:46 PM | Tài chính - ngân hàng

Trước việc khách ở Quảng Ninh vay thẻ tín dụng Eximbank 8,5 triệu, sau 11 năm phải trả 8,8 tỷ đồng, nhiều người tranh luận về tính chính xác của con số 8,8 tỷ đồng.

Trả lời VTC News, một luật sư cho rằng, vụ việc này có thể nói là gây sốc dư luận vì sự việc khá hy hữu và số tiền phải trả so với số tiền phải sử dụng ban đầu là quá lớn.

" Điều này khiến nhiều người nghĩ không thể có mức lãi suất này vì pháp luật không cho phép kiểu "lãi mẹ đẻ lãi con" như vậy. Có thể có nhầm lẫn, sai sót hoặc uẩn khúc gì đó trong giao dịch này ", luật sư nói.

Tuy nhiên, luật sư này thừa nhận, hiện nay các ngân hàng đều có các phần mềm tính lãi suất và áp trần lãi suất công khai theo quy định của Ngân hàng Nhà nước theo từng giai đoạn nên việc sai sót là hiếm khi xảy ra.

Chắc chắn khách hàng sẽ yêu cầu ngân hàng phải giải thích về cách tính lãi trong suốt thời gian qua. Và để kết luận về cơ sở pháp lý của con số 8,8 tỷ đồng thì cần làm rõ mọi điều khoản trong hợp đồng để xem mức lãi suất thỏa thuận giữa hai bên là gì.

Ở góc độ pháp lý, vị luật sư phân tích: " Mức lãi suất của các tổ chức tín dụng có thể cao hơn mức lãi suất giới hạn trong Bộ luật Dân sự nhưng vẫn phải nằm trong giới hạn theo luật các tổ chức tín dụng và do Ngân hàng Nhà nước quyết định.

Trường hợp các tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất vượt trần hoặc vi phạm về hoạt động cho vay thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, nếu sai phạm thuộc về khách hàng thì khách hàng cũng phải chịu phạt ".

Xài thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng, phải trả hơn 8,8 tỷ đồng sau 11 năm: Chuyên gia phân tích gì?- Ảnh 1.

Vụ việc xài thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng, phải trả hơn 8,8 tỷ đồng sau 11 năm đang gây xôn xao dư luận. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, theo chuyên gia tài chính - kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, để biết bên nào đúng, bên nào sai và số nợ vài triệu đồng hóa thành hơn 8,8 tỷ đồng sau 11 năm có chính xác hay không thì cần phải kiểm tra rõ thông tin từ hồ sơ, hợp đồng giữa hai bên.

“Khách hàng trong thời gian dài không trả nợ mà ngân hàng có thể đưa ra con số nợ rất lớn như hiện tại có thể là do cách tính của ngân hàng, bao gồm lãi kép, lãi phạt. Lãi phạt thường rất lớn, có thể lên đến 150%, khiến số nợ ban đầu của khách bị đội lên rất cao. Bây giờ không thể khẳng định con số 8,8 tỷ đồng là bất hợp lý, muốn kết luận chính xác thì phải chờ mở hồ sơ, hợp đồng giữa khách hàng với ngân hàng Eximbank chi nhánh Quảng Ninh" , TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Ông Phan Hoàng Quân, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân Công ty cổ phần FIDT, phân tích, lãi suất qua từng thời kỳ, phí phạt trả chậm qua từng thời kỳ và các loại phụ phí là khác nhau qua từng thời kỳ và cũng khác nhau ở mỗi loại thẻ, mỗi ngân hàng.

Về mặt nguyên tắc, ngân hàng sẽ tính lãi suất bằng việc chốt số dư nợ tín dụng một lần hàng tháng tại thời điểm lên bảng sao kê. Nếu khách chậm thanh toán so với ngày sao kê thì ngân hàng sẽ tính lãi suất dựa trên tổng dư nợ đã chi tiêu trên thẻ.

Qua ngày sao kê (chu kỳ tháng sau đó), khoản dư nợ vẫn được cộng gộp, bao gồm nợ gốc, lãi quá hạn, lãi trên khoản tiền chưa trả, phí phạt trả chậm.

Ngân hàng khi cấp thẻ tín dụng cho khách hàng cũng sẽ quy định rõ các mức lãi suất, các loại phí kèm theo. Trong đó, nợ quá hạn sẽ được tính 150% so với nợ thông thường.

Ví dụ, nợ thông thường, nợ chưa quá hạn tại 100 triệu đồng, lãi suất khoảng 5% là 5 triệu đồng. 95 triệu đồng còn lại ngân hàng chấp nhận cho vay tiếp với lãi suất từ 20-45%/năm tùy từng ngân hàng.

Tuy nhiên, nếu khách nợ quá hạn, mức lãi suất sẽ tăng lên 150%.

Vì thế, con số 8,8 tỷ đồng có thể được hình thành do cách tính lãi suất là theo chu kỳ từng tháng, chu kỳ xoay vòng, cộng dồn. Ngoài ra, lãi suất của thẻ tín dụng bản chất luôn ở mức cao so với các khoản vay khác (nợ tín chấp), kèm theo lãi suất nợ quá hạn là 150%, cùng các loại phụ phí như phí thường niên gồm phí phạt chậm trả, phí SMS Banking…

Liên quan đến vụ việc của khách hàng H.A. ở Quang Ninh, trước đó, ngân hàng Eximbank khẳng định về phương thức tính lãi, phí là hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận giữa Eximbank và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ ngày 15/3/2013 có đầy đủ chữ ký khách hàng (quy định về phí, lãi được quy định rõ trong Biểu phí phát hành, sử dụng thẻ đã được đăng tải công khai trên website của Eximbank).

Theo Công Hiếu/VTC News

VTC News

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên