MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xăng E5, bao giờ “hồi tỉnh”?

12-04-2016 - 15:10 PM | Thị trường

Nhiều nhà máy đóng cửa vì xăng E5 không tiêu thụ được. Nhiều hộ nông dân phá sản vì sắn nguyên liệu không bán được cho các nhà máy Ethanol.

Đó là hệ lụy tất yếu khi mà xăng sinh học E5 cung cấp ra thị trường không tiêu thụ được. Mặc dù đã triển khai đưa vào sử dụng trong thực tiễn được 4 năm, song cảnh lay lắt, ảm đạm trên thị trường xăng sinh học E5 khiến dư luận không khỏi băn khoăn, phải chăng giấc mơ sử dụng xăng E5 thay thế xăng truyền thống đã “tan thành mây khói”?

Sau gần 5 năm, chúng tôi lại quay về với vùng nguyên liệu một thời, được coi là đi tắt đón đầu của nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol lớn nhất miền Bắc để làm xăng sinh học E5 đặt tại Tam Nông (Phú Thọ). Nhà máy vẫn đứng lặng lẽ bên ngã ba cầu Trung Hà còn người dân nơi đây ngao ngán khi nhắc lại chuyện củ sắn và giấc mơ lên đời.

“Vẽ niềm tin” cho dân

Gần chục năm trước đây, cả miền đất vùng trũng thấp bên ngã ba cầu Trung Hà để nối đi huyện Thanh Thủy và huyện Tam Nông của tỉnh Phú Thọ bỗng dưng bừng thức. Người dân ngơ ngác và lấy làm vui sướng khi có một nhà máy với cái tên hết sức lạ - Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol miền Bắc được đặt tại đây.

Với Chương trình triển khai các dự án nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn 2025, nhà máy Ethanol Tam Nông dự tính sẽ đi vào hoạt động năm 2015. Ngày ấy, dân ở đây sướng lắm, vì với quy mô được miêu tả, dự án này mỗi năm ít nhất cũng sản sinh ra xấp xỉ 100.000 tấn ethanol/năm.

Để có 100.000 tấn ethanol ấy, nhà máy cần rất nhiều sắn. Ở vùng vốn được mệnh danh là “sắn, tre, chè, cọ” – những thứ cây có thế mạnh ấy, khi nhà máy đi vào hoạt động thì dân chỉ cần trồng sắn bán là có thể làm giàu trong chốc lát.

Rồi để có nhà máy, niềm tin đã được “vẽ ra”. Công văn tới tấp gửi về, cùng các khuyến cáo, định hướng để người dân “xuôi tai”, thấy lợi nhuận mà dành diện tích trồng sắn nguyên liệu có cái tên lạ hoắc KM94. Giá cả hứa hẹn về thu mua hồi ấy ở vùng nguyên liệu thì thôi rồi.

Giống sắn truyền thống dùng cho chăn nuôi và các nguyên liệu khác ngoài Ethanol chỉ bán được khoảng 1.000 đến 1.200 đồng/kg, nhưng với sắn KM94 người ta hứa sẽ mua với giá 2.000 thậm chí còn đến cả 3.000 đồng/kg.

Ngày ấy, không riêng gì các huyện cận kề nhà máy như: Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn thì còn là 13 huyện, thị, thành phố của tỉnh Phú Thọ cũng bị đưa vào vùng nguyên liệu.

Thời kì hoàng kim về phát triển vùng nguyên liệu (năm 2010) này, toàn tỉnh Phú Thọ dự tính phấn đấu đến năm 2012, nghĩa là khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động ổn định một năm sẽ có 8.000 ha đất được dành cho trồng sắn KM94.

Sắn trở thành nỗi ám ảnh

Trong 13 huyện, thị, thành phố nằm trong quy hoạch vùng nguyên liệu để trồng sắn nguyên liệu cho Nhà máy Ethanol Tam Nông thì Tân Sơn được coi là vùng lý tưởng nhất. Chỉ trong một thời gian ngắn triển khai đã có 1.000 ha đất đồi bãi được nhường phần cho sắn. Trong dự tính, nếu nhà máy hoạt động hiệu quả thì số diện tích để Tân Sơn trồng sắn sẽ tăng lên hơn đó rất nhiều lần.

Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ (huyện Tam Nông, Phú Thọ) có vốn đầu tư ban đầu khoảng 1.700 tỷ đồng (sau “đội vốn” lên hơn 2.400 tỷ đồng là 1 trong 7 nhà máy ethanol trên khắp cả nước. Được triển khai từ tháng 6 -2009, nhà máy có diện tích hơn 50 ha này dự kiến đi vào sản xuất từ năm 2012. Thế nhưng từ cuối năm 2011 đến nay dự án dừng thi công, toàn bộ hệ thống nhà xưởng “đắp chiếu”. Theo báo cáo của Bộ Công thương, tính đến khi dừng triển khai, các hạng mục chính của dự án đã được thi công với phần lớn khối lượng đã hoàn thành. Dự án tạm dừng thi công do khó khăn về vốn. Tuy nhiên, đến bao giờ dự án hoạt động trở lại vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.

Đang vui vì khách cũ gặp lại, ông Hà Văn Thọ, cán bộ xã Kim Thượng bỗng ngây mặt khi được nhắc đến sắn KM94 và Nhà máy Ethanol Tam Nông. Ông bảo, nhắc lại chuyện cũ làm gì, sợ lắm rồi. Vì trên triển khai xuống, tin, vốn là cán bộ nên tôi đã phải thúc giục dân. Dân tin tôi, tôi tin lãnh đạo nên ngày ấy toàn xã đã có trên 150 ha sắn được trồng. Rồi có ai mua đâu, sắn ế, dân cứ trách tôi mãi.

Cũng là một nạn nhân của sắn KM94 một thời, ông Phùng Thế Lanh lại não lòng khi được hỏi về sắn. Ông bảo, thấy họ về hứa hẹn, rồi lại thấy cán bộ bảo đây là chủ trương của tỉnh nên mới nghe và trồng theo. Bao thứ cây khác “có ăn và có thu” đều phải nhường chỗ cho sắn. Ban đầu họ bảo mua với giá 2.000 thậm chí là 3.000 đồng/kg cũng thấy vui lắm. Nhưng khi có thu, họ về, đầu vụ chỉ trả có 1.200 – 1300 đồng. Sau đó lại tụt xuống còn 700 – 900 đồng/kg.

Cùng cảnh ngộ với ông Lanh, khi nghe tin có nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ở huyện Tam Nông sẽ bao tiêu sản phẩm sắn tại tỉnh với giá cao, anh Đinh Ngọc Tin cũng hy vọng. Từ diện tích nhỏ bé ban đầu, sau một thời gian, diện tích trồng sắn nhà anh đã tăng lên đến 10ha. Thế nhưng sau vụ thu hoạch vừa qua, sắn như trở thành nỗi ám ảnh đối với anh.

Cũng theo anh Tin, vì nghe tin nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol miền Bắc sẽ đi vào hoạt động vào giữa tháng 11-2011 nên dân mới thế. Ban lãnh đạo Nhà máy còn xuống tận xã hướng dẫn người dân mô hình trồng và thâm canh sắn cao sản KM94, một giống sắn cho sản lượng cao, nên nhiều gia đình tại địa phương đã hoàn toàn tin tưởng.

Có nhà thậm chí đã phá bỏ hết diện tích trồng chè để chuyển sang trồng sắn bán cho nhà máy sản xuất Ethanol. Thế nhưng cực thay, khi đến mùa Nhà máy cũng không cử người đến mua.

Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol miền Bắc, được đầu tư xây dựng tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ nhưng giờ nằm im lìm đắp chiếu, không bóng người qua lại. Đây là một trong 3 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học nằm trong “Ðề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn 2025”. Dự án nhà máy có giá trị hợp đồng là 58 triệu USD, với quy mô 100.000 tấn ethanol/năm phá sản, đồng nghĩa với giấc mơ làm giàu từ sắn của người dân Tam Nông cũng tan hoang.

Theo Nhóm PV

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên