‘Xăng sinh học E5, ít quốc gia nào làm được như Việt Nam’
Trước đây khách hàng còn e dè nhưng sau khi triển khai đại trà từ đầu năm 2018 đến nay họ đã quen xăng E5, bây giờ họ không còn phân vân gì nữa. Tuy nhiên, vẫn còn một số khách hàng chưa yên tâm khi họ sử dụng các loại xe đời mới.
- 26-07-2018Bộ Công Thương: Tiêu thụ xăng sinh học E5 có tín hiệu khả quan
- 09-05-2018Vì sao chỉ có một doanh nghiệp cung cấp cồn E100 để pha chế xăng E5?
- 08-05-2018Vì sao có 7 nhà máy sản xuất nhưng chỉ một công ty quyết định số lượng xăng E5 ở Việt Nam?
Ngày 13-9, Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Hạt Cốc Hoa Kỳ tổ chức hội nghị liên quan đến phát triển và sử dụng nhiên liệu sinh học.
Theo ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Chính phủ đã quyết định kể từ ngày 1-1-2018, chỉ cho phép sản xuất, kinh doanh xăng E5 và xăng khoáng A95, loại bỏ toàn bộ xăng A92. Trong tám tháng qua người tiêu dùng bắt đầu tin tưởng xăng E5 dù thời kỳ đầu cũng khó khăn.
“Trong tám tháng qua lượng tiêu thụ xăng E5 đạt 1,78 triệu m3, chiếm tỉ trọng 40% tổng lượng xăng tiêu thụ, tăng hơn so với năm 2017 chỉ có 9%. Xăng E5 mới đưa vào sử dụng được tám tháng mà chiếm hơn 40% trong tổng lượng xăng bán ra. Tôi nghĩ đây là đáng mừng, đây là tín hiệu tốt ít quốc gia nào làm được” - ông An nói.
Cũng theo ông An, đến nay có hơn 60 quốc gia sử dụng phổ biến. Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng sử dụng nhiên liệu xăng sinh học an toàn với động cơ, tăng hiệu suất của động cơ, giảm đáng kể các khí thải gây ô nhiễm môi trường…
Tuy nhiên, theo ông An, cái khó hiện nay là chưa có kinh phí nhiều để tuyên truyền đến người tiêu dùng. Để tiêu dùng xăng E5 tăng hơn nữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đang phối hợp với nhau giảm các loại thuế phí để tạo khoảng cách giá giữa hai loại xăng E5 và A95 chênh lệch hơn nữa nhằm hấp dẫn người tiêu dùng. Khi giá xăng E5 chênh lệch nhiều với xăng A95 sẽ hấp dẫn người tiêu dùng tiêu thụ.
Mặt khác, đại diện Bộ Công Thương cho hay hiện tại thị trường trong nước chỉ có Công ty TNHH Tùng Lâm là nhà cung cấp ethanol E100 cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để phối trộn xăng E5. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng đã nhập khẩu ethanol E100 để chủ động nguồn cung phục vụ phối trộn xăng E5.
Tại hội nghị, các DN cũng đặt câu hỏi Bộ Công Thương có chính sách gì để thúc đẩy tiêu thụ xăng sinh học? Ông An cho biết đang phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục gỡ khó cho DN, đặc biệt hiện nay thuế tiêu thụ đặc biệt của E5 là 8% nhưng thuế tiêu thụ đặc biệt của xăng 92 pha E5 là 10%. Khi DN đưa về pha chế thì chưa khấu trừ khoản này.
Trong dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 177 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính trình Quốc hội đợt này cho các DN được hoàn lại thuế… cho DN.
Mặt khác, thời gian tới Bộ phối hợp với tổ chức phi chính phủ tuyên truyền rộng rãi hơn về tác động của E5 đối với môi trường, định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo sự tiêu dùng bền vững hơn.
Theo ông Lê Xuân Trình, Phó Tổng Giám đốc PV Oil, từ khi triển khai chính sách bán đại trà xăng E5 trên toàn quốc (ngày 1-1-2018) lượng xăng E5 chiếm 46%-50% tổng lượng xăng bán ra. Trong khi năm 2017 tiêu thụ xăng E5 đạt 16%-18% trong tổng số lượng xăng bán ra.
Theo ông Trình, trước đây khách hàng còn e dè nhưng sau khi triển khai đại trà từ năm 2008 đến nay họ đã quen xăng E5, bây giờ họ không còn phân vân gì nữa. Tuy nhiên, vẫn còn một số người tiêu dùng chưa yên tâm khi họ sử dụng các loại xe đời mới.
Liên quan đến câu hỏi nguồn cung ethanol (E10) để phối trộn xăng sinh học hiện nay DN có gặp khó khăn? Ông Trình thông tin hiện nay chỉ có Nhà máy Tùng Lâm sản xuất E10, các nhà máy khác chuẩn bị khởi động.
Tuy nhiên, cái khó là nguồn nguyên liệu sắn hiện nay giá cao. Vì vậy làm cho việc cung cấp nguyên liệu sản xuất E10 đang hạn chế. Một số đơn vị phải nhập E10 về để đảm bảo nguồn pha chế E5.
Theo ông Trình, hiện nay nguồn nguyên liệu để pha chế E5 giá không được cạnh tranh lắm so với nguồn nhập ngoại. Cuối năm 2017 chênh lệch giá E100 trong nước và nước ngoài không nhiều. Đến thời điểm này giá E100 trong nước và nhập khẩu tương đối nhiều 700-800 đồng/lít nhưng cũng có lúc giá nhập khẩu và trong nước chỉ chênh nhau vài trăm đồng. Nhu cầu của nguyên liệu nhập khẩu hiện nay chiếm 50%-60% của các DN. Đương nhiên tỉ lệ này còn hết sức khiêm tốn.
Bên cạnh đó, việc nhập khẩu cũng có cái khó là phải nhập theo lô lớn, cần vốn mạnh. Nếu nhập về một nơi rồi phải điều chuyển đi các tỉnh khác thì chi phí tăng. Còn mua E10 trong nước thì cần lúc nào DN có thể mua lúc đó.
Không ít người vẫn còn e dè xăng sinh học, nhất là những người sử dụng xe đời mới.
Ông Steve Walk, đại diện Hội đồng Hạt Cốc Hoa Kỳ, cho biết tại Hoa Kỳ có trên 97% các loại xăng đều chứa 10% ethanol (E10) và sắp tới các cửa hàng bán lẻ xăng dầu sẽ bán các loại nhiêu liệu có tỉ lệ trộn ethanol cao hơn như E15, E85… Xăng E10 giảm cặn/kết tủa ở động cơ và hệ thống nhiên liệu. Ethanol trộn trong xăng làm giảm các chất gây ô nhiễm gồm: Carbon monoxide, khí thải hydrocarbon và các hạt bụi, giảm hàm lượng benzen, hàm lượng lưu huỳnh của xăng, giảm đáng kể lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính (GHG). Trên thực tế, ethanol hiện là thành phần duy nhất trong xăng giải quyết tất cả vấn đề chất lượng không khí và biến đổi khí hậu thông qua giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Đặc biệt, tất cả nhà sản xuất xe hơi đảm bảo các phương tiện đều có thể sử dụng xăng E10, đồng thời cũng được sử dụng an toàn và tiết kiệm cho mô tô. Theo nghiên cứu về tác động của tỉ lệ pha trộn ethanol trong xăng đối với khí thải của phương tiện giao thông tại năm TP lớn trên toàn cầu (Bắc Kinh, Mexico City, New Delhi, Seoul và Tokyo là các TP phải đối mặt với những thách thức lớn về chất lượng không khí) do Hội đồng Hạt Cốc Hoa Kỳ thực hiện đầu năm 2018, cho thấy việc pha trộn ethanol cao hơn sẽ làm giảm độc tố phát thải của phương tiện giao thông, GHG… |
Pháp luật TPHCM