Xáo trộn lớn trên “bảng xếp hạng” lợi nhuận ngân hàng 2018
2018 đánh dấu năm đầu tiên trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam không còn sự áp đảo và vượt trội về lợi nhuận của khối ngân hàng thương mại nhà nước. Khối ngân hàng cổ phần tư nhân đã có những thành viên vượt lên.
- 06-01-2019Lợi nhuận ngân hàng chuẩn bị bùng nổ
- 17-12-2018Lợi nhuận ngân hàng 2018 cân đong đến phút cuối
- 28-11-2018Lợi nhuận của top 5 ngân hàng sẽ thế nào trong năm 2019?
Trong hệ thống, phân nhóm theo cách hiểu đại chúng cũng như trong thống kê hành chính, các ngân hàng thương mại có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối vẫn được xếp ở khối ngân hàng thương mại nhà nước.
Nhóm này gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank, chưa cổ phần hóa), Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng Công thương (VietinBank) và ba thành viên Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.
Còn nhóm không có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối được xếp ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần; thông thường vẫn được gắn thêm yếu tố "tư nhân" để phân biệt rõ hơn.
Với bề dày lịch sử cùng đặc thù quy mô lớn, các thị phần truyền thống chi phối, khối ngân hàng thương mại nhà nước luôn dẫn đầu và áp đảo về quy mô lợi nhuận.
Nhưng, từ 2018, kết quả kinh doanh hầu hết đã cập nhật và tổng hợp thông tin cho thấy, "bảng xếp hạng" lợi nhuận các ngân hàng Việt Nam đã có xáo trộn lớn.
Lâu nay, trong tiếp cận đại chúng, lợi nhuận các ngân hàng vẫn thường được so sánh theo con số tuyệt đối đơn thuần, dù về phân tích chuyên môn so sánh này không có nhiều ý nghĩa.
Thay vào đó, các chỉ số cơ bản như ROA, ROE phản ánh sát thực hơn thứ hạng về hiệu quả hoạt động; hoặc các chỉ số về mức độ an toàn vốn, chất lượng tài sản và nợ xấu, hiệu quả làm việc theo đầu người… để có so sánh tương đồng hơn.
Nhưng, nhiều năm qua, so sánh quy mô lợi nhuận đơn thuần theo con số tuyệt đối trở thành… thói quen. Và từ đây, các vị trí trong "bảng xếp hạng" được xác định theo con số lợi nhuận đạt được, dù con số lớn nhất không hẳn là hiệu quả nhất.
Dù vậy, nhìn theo con số tuyệt đối, quy mô lợi nhuận hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam năm qua đã có xáo trộn lớn, với sự lấn át chính thức của khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.
Dẫn đầu quy mô, Vietcombank với hơn 18.000 tỷ khẳng định vị trí số 1 về lợi nhuận, có cách biệt lớn so với tất cả các thành viên còn lại.
Xáo trộn lớn nhất năm 2018 nằm ở vị trí thứ hai. Lần đầu tiên trong lịch sử hệ thống ghi nhận BIDV và VietinBank đã không còn áp đảo ở vị trí này, mà phải nhường chỗ cho một thành viên đến từ khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.
Với số liệu ước tính cập nhật đến thời điểm này, vị trí thứ hai thuộc về Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank). Theo tìm hiểu của VnEconomy, năm qua Techcombank đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử có ngân hàng tư nhân vượt mốc 10.000 tỷ đồng.
Theo đó, do chưa chính thức công bố bằng báo cáo tài chính, nhưng nhiều khả năng BIDV và VietinBank đã lùi xuống xếp các vị trí thấp hơn trên "bảng xếp hạng".
Điểm đáng chú ý, khối ngân hàng thương mại nhà nước là những thành viên có quy mô tổng tài sản trên mốc 1 triệu tỷ đồng, các thị phần truyền thống áp đảo. Trong khi Techcombank có quy mô tổng tài sản ước tính chưa bằng 1/3 mỗi thành viên nhóm này.
Tương tự, có quy mô tổng tài sản thấp hơn nhiều so với khối quốc doanh, và dù dự kiến thấp hơn kế hoạch đầu năm do một phần "việt vị" về triển vọng tăng trưởng tín dụng trong năm mà Ngân hàng Nhà nước bất ngờ siết lại, ước tính lợi nhuận Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vẫn vượt trên mốc 9.000 tỷ đồng.
Do VietinBank vẫn chưa công bố cụ thể con số lợi nhuận 2018 sau khi điều chỉnh mạnh kế hoạch, nhưng nhiều khả năng VPBank là xáo trộn lớn tiếp theo từ khối tư nhân, vượt trên VietinBank và kế sau BIDV để đứng thứ tư.
Như vậy, chỉ đơn thuần về con số lợi nhuận tuyệt đối, top 5 "bảng xếp hạng" năm 2018 đã thay đổi hẳn so với lịch sử, với trường hợp Techcombank và VPBank.
Trong khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, các vị trí lợi nhuận 2018 cũng tiếp tục cho thấy cách biệt ngày càng lớn dần giữa các thành viên sát kề trước đây.
Những năm 2011 - 2015, giai đoạn khó khăn chung của hệ thống, Ngân hàng Quân đội (MB) liên tiếp duy trì quy mô lợi nhuận ổn định để giữ vị trí dẫn đầu khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Nhưng những năm gần đây và cho đến 2018, "thứ hạng" đã thay đổi lớn.
Dù vượt kế hoạch năm qua, nhưng với cách biệt lớn, MB đã không còn là thành viên cạnh tranh trực tiếp quy mô lợi nhuận so với Techcombank và VPBank. Và đây cũng là một xáo trộn trên "bảng xếp hạng" 2018.
Nhìn xa hơn nhiều năm trước, các vị trí lợi nhuận trong khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đến 2018 cũng đã thay đổi rất lớn, khi những thành viên hàng đầu trước đây như Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) vẫn chưa thể trở lại.
Sau những xáo trộn, năm 2019 mới chỉ khởi đầu nhưng có thể dự tính "bảng xếp hạng" lợi nhuận các ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục có thay đổi.
Ngay trong năm 2018, Agribank nổi lên với kỷ lục lợi nhuận trên 7.500 tỷ sẽ là trường hợp được chú ý nối tiếp. Trong khi đó, nếu BIDV sớm hoàn thành kế hoạch bán vốn cho nước ngoài, triển vọng bứt phá sau đó cũng có thể tạo hiện tượng năm 2019.
Còn điểm đã định hình, từ kết quả 2018, lần đầu tiên "bảng xếp hạng" lợi nhuận các ngân hàng Việt Nam đã không còn tách nhóm như trước, mà có sự so sánh trực tiếp, vượt qua và đan xen thứ hạng với sự vươn lên của khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.