Xây đập dâng 'cứu' sông Hồng: Có khả thi?
Theo các chuyên gia, việc xây dựng đập dâng để giữ nước ngọt, ngăn xâm nhập mặn đã được triển khai ở Việt Nam từ 20 năm nay. Với sông Hồng, trong hàng loạt phương án đã được tính toán, việc xây đập dâng là hiệu quả nhất.
Đề xuất xây 10 đập dâng
Khảo sát của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (đơn vị chủ trì nghiên cứu dự án xây đập dâng nước trên sông Hồng) cho thấy, trong những năm qua, lòng sông Hồng và sông Đuống đều bị xói sâu. Trên sông Đuống cao độ đáy sông hiện hạ thấp từ (4-6)m, còn trên sông Hồng tại vị trí Sơn Tây đáy sông hạ thấp đến 5m. Trên toàn tuyến sông việc mở rộng mặt cắt diễn biến rất phức tạp, thay đổi theo từng năm sau mùa lũ, thay đổi vị trí từng đoạn sông.
Theo đánh giá của Viện này, việc hạ thấp lòng dẫn vùng hạ du sông Hồng đang tác động rất lớn đến khả năng lấy nước của tất cả các hệ thống thủy lợi. Nhiều công trình bị trơ đáy dẫn đến mực nước ngoài sông nhiều thời kỳ còn thấp hơn cả cao trình đáy cống. Đặc biệt, trên hệ thống Thủy nông sông Nhuệ (đầu mối cống Liên Mạc) đã gây ô nhiễm môi trường nặng nề; hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải có khi chỉ đạt thấp hơn 50% theo thiết kế ban đầu. Đáng chú ý, mực nước ngầm trên toàn vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) cũng bị hạ thấp ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân, giao thông thủy có lúc bị tê liệt.
Sau khi phân chia vùng hạ du sông Hồng thành 3 tiểu vùng, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đề xuất 10 vị trí xây dựng công trình đập dâng điều tiết (công trình Ba Lạt trên sông Hồng; công trình trên sông Ninh Cơ, công trình trên sông Đáy, công trình trên sông Trà Lý, Công trình trên sông Hóa, công trình trên sông Mới, công trình Đò Hàn trên sông Thái Bình….).
Tuy nhiên, sau khi phân tích về hiệu quả kinh tế xã hội, các chuyên gia thủy lợi của Viện cho rằng, trong trường hợp chưa đủ nguồn lực để đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống, giai đoạn đầu chỉ cần đầu tư xây dựng 2 cụm công trình điều tiết phía hạ lưu cống Long Tửu (Đông Anh, Hà Nội) và cụm công trình điều tiết phía hạ lưu cống Xuân Quan (Hưng Yên) đã giải quyết được nhiều vấn đề về an ninh nguồn nước cho vùng hạ du sông Hồng. Theo đó, kết cấu đập dâng nước sẽ gồm các cửa van điều tiết và nằm hoàn toàn trong phạm vi lòng sông mùa kiệt. Về mùa lũ các cửa điều tiết được kéo lên hoặc nằm chìm đáy, do đó không ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy về mùa lũ.
“Dù sẽ có những tác động nhất định, nhưng giá trị đặc biệt rất khó tính được, như sau khi xây dựng công trình điều tiết nước trên sông, sẽ góp phần rất lớn để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong các sông nhánh của sông Hồng; trên các hệ thống thủy lợi cũng như hệ thống tiêu thoát nước của ĐBSH. Công nghệ và năng lực xây dựng về công trình thủy lợi của Việt Nam hiện đáp ứng được”.
GS.TS Trần Đình Hòa -
Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam
Nhiều tác dụng tích cực
Trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Duy Hường - Phó Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, việc xây dựng đập dâng lớn trên sông Hồng là vấn đề rất lớn, hệ trọng. Bởi việc này sẽ tác động đến môi trường, hệ sinh thái khu vực Đồng bằng sông Hồng. Trên thực tế, Việt Nam đã làm đập dâng tại nhiều con sông trên cả nước như đập Thảo Long (Thừa Thiên - Huế), đập Cái Lớn- Cái Bé (Cà Mau), Tân Mỹ (Ninh Thuận), Sông Cái (Nha Trang), Di Thành (Quảng Nam)…
Theo ông Hường, về bản chất, việc xây đập dâng nhằm mục đích ngăn xâm ngập mặn từ biển vào, và giữ nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp, giữ nước không đổ hết ra biển; đồng thời giúp điều tiết lũ.
Với đập dâng trên sông Hồng, ý tưởng này đã phôi thai từ lâu, song do các bộ, ngành còn nhiều ý kiến trái chiều nên đến nay vẫn chưa thể triển khai. “Ngành giao thông cấn cá về việc xây đập rồi, hoạt động đi lại trên sông sẽ thế nào; môi trường thì lo ảnh hưởng đến sinh thái. Tuy nhiên, xây dựng đập dâng đã triển khai ở Việt Nam hơn 20 năm nay và đã chứng minh tính hiệu quả. Do đó nếu chúng ta quyết tâm hoàn toàn có thể triển khai được”, ông Hường nói.
Sau khi tính toán, các chuyên gia thủy lợi cho rằng việc xây đập dâng trên sông Hồng là hiệu quả nhất. Điều này sẽ giúp sẽ tận dụng được lượng nước xả từ các hồ chứa nước thượng nguồn điều tiết để cấp ngăn được xâm nhập mặn ở hạ du, giảm được chi phí nâng cấp, xây mới các công trình lấy nước, đảm bảo giao thông thủy phát triển, và ngăn tình trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước…
Tiền phong