Xây dựng Hòa Bình lãi lớn trong quý II nhờ thanh lý hơn 60% máy móc thiết bị, nhưng chưa thu về đồng nào
Sau khi báo lỗ gần 2.600 tỷ đồng trong năm 2022 và hơn 440 tỷ trong quý 1/2023, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC) đã báo lãi trở lại trong quý 2/2023.
- 01-08-2023Taxi Xanh GSM và VMI - 2 công ty riêng của ông Phạm Nhật Vượng đã đem về cho Vingroup bao nhiêu tiền trong nửa đầu năm?
- 01-08-2023Top doanh nghiệp lãi lớn nhất nửa đầu năm 2023: Vinhomes vượt Vietcombank lên vị trí số 1, VPBank giảm 12 bậc
- 01-08-2023VNG bất ngờ lãi 50 tỷ trở lại sau 6 quý liên tiếp thua lỗ, rót thêm hơn 100 tỷ vào mảng thương mại điện tử
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất HBC đạt 546 tỷ đồng, gấp 12 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận HBC đạt 101 tỷ đồng.
Kết quả này đến từ 2 yếu tố chính: Biên lợi nhuận gộp tăng đột biến và lợi nhuận khác đến từ thanh lý tài sản.
Doanh thu thuần quý 2/2023 của Hòa Bình đạt gần 2.300 tỷ đồng – giảm 44% so với cùng kỳ năm trước nhưng biên lợi nhuận gộp bất ngờ lên tới 18% trong khi quý 2/2022 chỉ chưa đầy 5%. Biên lợi nhuận gộp của Hòa Bình trong quá khứ chỉ dao động quanh mức 6-9%.
Mặc dù sự đột biến này tạo ra mức lợi nhuận gộp tăng gấp đôi lên 423 tỷ đồng, nhưng công ty vẫn lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 70 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ việc doanh thu tài chính giảm và chi phí quản lý bán hàng tăng mạnh do trích lập dự phòng phải thu khó đòi 317 tỷ đồng.
Cuối cùng, phải nhờ đến 673 tỷ đồng lợi nhuận khác, kết quả kinh doanh quý II của HBC mới có lãi.
Phần lợi nhuận khác ở đây chính là thu nhập từ thanh lý tài sản cố định.
Theo diễn giải chi tiết, trong kỳ đã có tới 1.293 tỷ đồng nguyên giá máy móc thiết bị tương ứng giá trị hao mòn lũy kế là 857,5 tỷ đồng được thanh lý. Giá trị này chiếm tới 64,2% tổng giá trị máy móc thiết bị của doanh nghiệp (tính theo nguyên giá).
Bên cạnh đó còn một số phương tiện vận tải và thiết bị quản lý được thanh lý trong kỳ.
Sau thanh lý, giá trị còn lại của TSCĐ hữu hình tại ngày 30/06 chỉ còn lại 347,6 tỷ đồng, bằng 38% so với số dư hồi đầu năm.
Việc thanh lý tài sản cố định đã giúp Hòa Bình có lãi ròng trong quý II nhưng ở một diễn biến khác, báo cáo lưu chuyển tiền tệ phản ánh: Tiền thu từ thanh lý, bán TSCĐ và TSDH khác trong kỳ bằng 0.
Như vậy có thể thấy dòng tiền thu về từ thanh lý tài sản chưa phát sinh trong 6 tháng đầu năm, không loại trừ việc thanh toán có thể được trả chậm hoặc bù trừ công nợ.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư trong kỳ của HBC âm 113 tỷ đồng, chủ yếu do tiền chi góp vốn vào đơn vị khác (193 tỷ đồng). Điểm sáng trong dòng tiền 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp là lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh dương 844 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do chênh lệch trả nợ gốc vay và tiền giải ngân đi vay chênh lệch tỷ đồng nên lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 222 tỷ đồng.
Tiền và tương đương tiền cuối kỳ của HBC tiếp tục giảm còn 274 tỷ đồng.
Nhịp sống thị trường