Xây dựng Hoà Bình ráo riết thu hồi nợ: FLC đã trả 304 tỷ, sắp nhận thêm 262 tỷ đồng thắng kiện 2 đối tác khác
Hoà Bình lỗ hơn 700 tỷ soát xét do chưa được ghi nhận thương vụ bán Matec. Dự kiến tiến độ thanh toán được thực hiện trong quý 3 và quý 4/2023.
- 13-10-2023Tòa án mở thủ tục phá sản với 1 DN niêm yết quy mô vốn nghìn tỷ, cổ phiếu lập tức dư bán sàn hơn 5 triệu đơn vị
- 13-10-2023VNG đối diện nhiều vụ kiện liên quan đến vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
- 13-10-2023Cập nhật BCTC quý 3/2023: Những CTCK, thép, ngân hàng... đầu tiên công bố
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vừa có thông báo đơn vị được ủy thác đã hoàn tất thu về toàn bộ số công nợ từ CTCP Tập đoàn FLC (FLC) với số tiền hơn 304 tỷ đồng.
Cụ thể, Công ty Luật TNHH ALB & Partnners cho biết HBC và FLC đã thống nhất về việc thanh toán toàn bộ công nợ liên quan đến hợp đồng xây dựng tại dự án khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn của FLC tại xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Tính đến thời điểm 12/10/2023, HBC đã thu hồi tổng cộng số tiền hơn 304 tỷ đồng, bao gồm tiền mặt với tổng số tiền hơn 270 tỷ đồng, bất động sản tại dự án khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn được chuyển nhượng cho HBC để cấn trừ cho 34 tỷ đồng nợ còn lại.
Bên cạnh việc thu hồi toàn bộ công nợ từ FLC, HBC cũng cho biết sắp tới có thể thu về tổng cộng 262 tỷ đồng tiền nếu thắng kiện. Bao gồm:
Một, trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã chấp thuận yêu cầu khởi kiện của HBC, buộc CTCP Xây dựng và Phát triển Đô thị phải thanh toán cho HBC số tiền gần 162 tỷ đồng.
Hai, tòa án nhân dân TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cũng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của HBC và buộc Công ty TNHH Vì khoa học thanh toán cho HBC số tiền hơn 100 tỷ đồng.
Việc thắng kiện và thu hồi công nợ là thông tin tích cực trong bối cảnh kinh doanh các nhà thầu và Hoà Bình đang rất khó. Theo BCTC soát xét bán niên 2023, Công ty khoản lỗ ròng 711 tỷ đồng. Trong khi đó, ở báo cáo tự lập doanh nghiệp báo lãi 103,2 tỷ đồng.
Khoản mục thay đổi lớn nhất của Hòa Bình trong báo cáo soát xét so với báo cáo tự lập là lợi nhuận khác giảm 99% còn 6 tỷ đồng. Theo giải trình, khoản mục này thay đổi do điều chỉnh giảm lợi nhuận từ việc bán tài sản của công ty mẹ.
“Nguyên nhân cụ thể là do chưa được ghi nhận thương vụ bán Matec, vì việc thu xếp tài chính của đối tác không theo tiến độ. Dự kiến tiến độ thanh toán được thực hiện trong quý 3 và quý 4/2023”, phía HBC phản hồi thêm.
Ngoài ra, doanh thu tài chính của Hòa Bình cũng giảm 76% sau soát xét còn 23,4 tỷ đồng do điều chỉnh khoản doanh thu từ việc chuyển nhượng công ty con….
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần 3.462 tỷ đồng, giảm gần 52% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ chi phí, công ty báo lỗ 711 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 64,7 tỷ đồng.
Trở lại với việc thu hồin nợ, Nghị quyết Hội đồng quản trị (HĐQT) ngày 22/5, liên quan đến việc thu hồi nợ của Hòa Bình, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT cho biết trong tổng số 21 vụ kiện về việc chậm thanh toán đã có 10 vụ kiện có phán quyết của tòa. Tất cả các vụ đã được xử và Xây dựng Hòa Bình đều thắng kiện. Trong đó số tiền nợ gốc ghi trong sổ sách kế toán là 829 tỷ đồng, còn tổng số tiền theo phán quyết bên bị đơn phải trả cho Hòa Bình là 1.223 tỷ đồng bao gồm lãi chậm thanh toán và các chi phí phát sinh, tức cao hơn 47,5%.
Tại ngày 30/6/2023, các khoản phải thu ngắn hạn của Hòa Bình hơn 9.091 tỷ đồng, chiếm gần 66% tổng tài sản. Trong đó hơn 5.435 tỷ đồng là phải thu từ khách hàng, 3.782 tỷ đồng thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng. Tập đoàn còn trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi gần 2.480 tỷ đồng, với 1.359 tỷ đồng từ khách hàng, và gần 474 tỷ đồng dự phòng nợ phải thu khác.
Thông tin đáng chú ý khác, ngày 17/10 tới, Hoà Bình sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường 2023 lần 2 nhằm thông qua kế hoạch phát hành tổng công 274 triệu cổ phiếu với giá phát hành từ 12.000 đồng/cp trở lên, bao gồm chào bán riêng lẻ và phát hành riêng lẻ để hoán đổi nợ. Nếu phát hành thành công toàn bộ, vốn điều lệ Công ty sẽ tăng từ hơn 2.741 tỷ đồng lên hơn 5.481 tỷ đồng.
Nhịp sống thị trường