Xây dựng kịch bản tiêu thụ nông sản theo diễn biến dịch bệnh
Tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19 do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 14/5, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, trong bối cảnh chi phí lưu kho, nhất là kho lạnh tăng cao, nhiều DN đang bị áp lực về tài chính dẫn đến gián đoạn trong hoạt động xuất khẩu.
- 10-05-2021Nguy cơ tắc nghẽn nông sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19
- 10-05-2021Hải Dương bán nông sản trên chợ online Alibaba, Lazada, Sendo
- 09-04-2021Nông dân phấn khởi khi giá nhiều loại hải sản tăng cao
Bên cạnh đó, hệ thống logictics và kho lạnh chưa đáp ứng nhu cầu của các địa phương, đặc biệt là khu vực ĐBSCL gây khó khăn trong việc dự trữ nông sản. Việc điều tiết phân luồng nông sản ở các cửa khẩu, nhất là ở các tỉnh biên giới như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai… còn thất thường, phức tạp, kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ chưa chặt chẽ, dễ bị đứt gãy khi xảy ra phong tỏa.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ thành lập tổ liên ngành giải quyết những vấn đề phát sinh khi tiêu thụ nông sản
Theo ông Toản, hiện nông sản đáng lưu ý nhất là lượng vải thiều tại 3 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên với ước đạt 250.000 tấn; thời gian thu hoạch vải sớm từ đầu tháng 5 đến ngày 10/6, chính vụ từ ngày 10/6 đến 20/7. Sản lượng vải thiều tiêu thụ qua xuất khẩu chiếm khoảng 50% và tập trung chủ yếu xuất quả tươi sang thị trường Trung Quốc. Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài như hiện nay, muốn đảm bảo được nông sản tiêu thụ bình thường, phải giải quyết được vấn đề vướng mắc trên.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương bám sát chỉ đạo sản xuất theo mùa vụ, theo dõi sát tình tình dịch bệnh, tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm. Các cơ quan chức năng thuộc Bộ NN&PTNT cần bố trí cán bộ trong hoạt động kiểm dịch động, thực vật, hỗ trợ giải quyết hồ sơ, yêu cầu của doanh nghiệp; đồng thời tham mưu tháo gỡ khó khăn; tham mưu mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp thành lập tổ công tác liên ngành giải quyết các vấn đề phát sinh khi có vướng mắc, đặc biệt tại các cửa khẩu. Các địa phương cần tiếp tục xây dựng phương án cụ thể, tránh để tình trạng ứ đọng nông sản cục bộ.
Về tình hình giao thương, thông quan hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu biên giới, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, đến thời điểm hiện tại vẫn diễn ra bình thường. Do vậy, các địa phương cần cơ chế vận hành kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ thông suốt, liên tục, tạo ra chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ ổn định và chủ động.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay cần xây dựng thêm các khu trung chuyển ở khu vực cửa khẩu, để không chỉ tăng khả năng lưu trữ mà còn là nơi phân loại nông sản, cho đối tác sang xem hàng hoặc thực hiện các thủ tục kiểm dịch. Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng các kịch bản tiêu thụ nông sản khác nhau phù hợp với diễn biến dịch bệnh; đồng thời kiến nghị với Thủ tướng phương án đưa thương nhân Trung Quốc (sau khi kiểm tra, cách ly chặt chẽ) tham gia mua bán trong mùa thu hoạch.
Tiền Phong