Xây dựng nền công nghiệp tự chủ: Nỗ lực cống hiến cho khát vọng Made in Vietnam
Công nhân trong dây chuyền sản xuất lắp ráp ô tô tại nhà máy THACO Chu Lai, Quảng Nam - Ảnh: TẤN LỰC
Phát triển công nghiệp không chỉ là bài toán kinh doanh mà còn là khát vọng và lòng tự hào dân tộc để mang những sản phẩm Made in Vietnam ra thị trường thế giới.
- 18-12-2022Những ngành thu hút dòng vốn FDI trên 1 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2022
- 18-12-2022Giáo sư gốc Việt của Hội đồng Sơ khảo VinFuture: Tỷ phú trên thế giới không thiếu, nhưng có bao nhiêu người làm những việc như anh Phạm Nhật Vượng?
Đó là mong mỏi lớn nhất mà rất nhiều doanh nghiệp công nghiệp giãi bày tại hội thảo "Thúc đẩy liên kết phát triển công nghiệp miền Trung".
Cần những doanh nghiệp đầu tàu
Một trong những doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng cùng các đối tác Nhật Bản là VNGroup cho hay khát vọng đưa sản phẩm công nghiệp sản xuất chế tạo Made in Vietnam ra toàn cầu chính là động lực thôi thúc doanh nghiệp vươn lên từ những ngày đầu.
Là đơn vị gia công cơ khí chính xác trong ngành ô tô, xe máy và y tế, sơn tĩnh điện cho khách hàng Nhật Bản, ông Nguyễn Ngọc Hiếu bảo tính cách người Nhật đã truyền cảm hứng cho ước mơ này.
Dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, song ông cho rằng nỗ lực nhỏ nhoi của một doanh nghiệp là không đủ cho khát vọng ấy thành hiện thực. Theo ông Hiếu, Nhà nước cần có chính sách nuôi dưỡng các doanh nghiệp đầu ngành đóng vai trò dẫn dắt nền công nghiệp. Ngoài ra, cần chú trọng công nghiệp sản xuất nguyên vật liệu gốc, hạn chế nhập nguyên vật liệu nước ngoài về làm gia công, mất khả năng tự chủ.
Các chuyên gia, doanh nghiệp góp ý về việc liên kết phát triển công nghiệp Việt Nam - Ảnh: TẤN LỰC
Đồng quan điểm, ông Lê Mai Hữu Lâm - tổng giám đốc Công ty sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi, cũng là đối tác của các doanh nghiệp Nhật Bản - cho biết doanh nghiệp này có khát vọng tạo ra các sản phẩm giá trị, thay thế hàng nhập khẩu.
Kinh nghiệm của doanh nghiệp này khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu cùng các ông lớn Nhật Bản là xác định hàng sản xuất ra phải đáp ứng các tiêu chuẩn thế giới.
Theo ông Lâm, Chính phủ nên đóng vai trò "bà đỡ", hỗ trợ những doanh nghiệp có tiềm lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Học tập kinh nghiệm từ các quốc gia đã phát triển công nghiệp thành công như Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, để đi nhanh hơn thay vì loay hoay với cách làm xưa nay.
Đồng thời, có cơ chế gửi lao động trình độ cao đi tu nghiệp, học hỏi từ các nước tiên tiến đưa về cống hiến cho đất nước.
Ngành công nghiệp miền Trung và Việt Nam có thể tiến xa nếu chính quyền, doanh nghiệp đồng lòng liên kết hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau - Ảnh: TẤN LỰC
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam Đào Phan Long nhận định bản chất ngành công nghiệp, đặc biệt là chế tạo cơ khí, từ xưa tới nay là phải liên kết bởi không ai có thể tự mình làm hết mọi công đoạn.
Để liên kết thành công, cần có những doanh nghiệp đầu tàu, giữ vai trò dẫn dắt chuỗi cung ứng và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo ông Long, nếu bây giờ Việt Nam không làm cơ khí thì không thể công nghiệp hóa nền kinh tế theo mục tiêu đã đề ra. Muốn đạt được điều này, cần thiết phải có giải pháp thúc đẩy ngành sản xuất, chế tạo nội địa.
Cùng dắt tay nhau bước tới
GS.TS Hoàng Văn Cường - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng dù là tập đoàn công nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ đều phải liên kết, hợp tác để tồn tại. Do đó, cần có người khởi sự, đứng ra làm chủ chuỗi liên kết, đóng vai trò quy tụ, tập hợp các doanh nghiệp nhỏ hơn.
Ở góc độ nhà nước, để tạo ra doanh nghiệp đầu đàn, cần bàn tay đỡ đầu của chính sách và cơ quan quản lý. Ông Cường hiến kế cần xây dựng quy hoạch vùng một cách bài bản, tạo ra sự phân chia nhiệm vụ cho những doanh nghiệp và địa phương trong vùng.
Lắp ráp động cơ ô tô tại một doanh nghiệp cơ khí ô tô miền Trung - Ảnh: TẤN LỰC
Tham quan các nhà máy của THACO tại Chu Lai, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, nói rất vui mừng khi ở Quảng Nam có chuỗi công nghiệp cơ khí ô tô quy mô và bài bản.
Nhìn từ TP.HCM, ông Vũ nói đây là thị trường chính và cũng là nơi cung cấp nguồn lao động chất lượng cao trong các lĩnh vực cho khắp cả nước. Ngay từ năm 2014, TP.HCM đã khởi động làm công nghiệp hỗ trợ và đến nay đã có Trung tâm Công nghiệp hỗ trợ, thường xuyên tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Ông Trần Phước Hiền, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - Ảnh: TẤN LỰC
Là một địa phương mạnh về công nghiệp tại miền Trung, ông Trần Phước Hiền - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nói các tỉnh miền Trung có lợi thế lớn phát triển công nghiệp và khả năng liên kết. Đáng tiếc trong thời gian dài vai trò cơ quan quản lý nhà nước trong việc này không rõ nét, các doanh nghiệp phải tự mày mò tìm đến với nhau.
Ông Hiền đề nghị Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ nâng cao năng lực kết nối công nghiệp trong nước, có chính sách tổng thể để làm cho chuỗi liên kết được hiệu quả hơn, đóng vai trò bà đỡ cho doanh nghiệp.
"Ở Quảng Ngãi có thép, luyện kim, đóng tàu, còn Quảng Nam có cơ khí ô tô là những ngành rất thuận lợi để liên kết hỗ trợ lẫn nhau" - ông Hiền phân tích.
Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, phó giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thúy Mai - phó giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, cho rằng dù không có lợi thế quỹ đất cho phát triển công nghiệp nhưng TP này là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và dịch vụ bổ trợ công nghiệp. Một số doanh nghiệp Đà Nẵng cũng đã thiết lập mối liên kết hợp tác chặt chẽ với trung tâm sản xuất tại Quảng Nam và các tỉnh.
"Quan điểm liên kết của chúng tôi là để các tỉnh phát triển lợi thế tốt nhất của mình và cùng nhau phát triển chung chứ không cạnh tranh nhau. Đà Nẵng sẽ đồng hành với các tỉnh tại miền Trung để đi sâu vào công nghiệp hỗ trợ và gia công cơ khí kỹ thuật cao. Chúng tôi cũng mong muốn đẩy mạnh liên kết công nghiệp không chỉ tại miền Trung mà mở rộng ra cả nước" - bà Mai khẳng định.
Tại sự kiện đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa THACO Industries với Sở Công Thương các tỉnh, thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi về việc mở rộng phát triển cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.
Điểm mấu chốt là công nghiệp hỗ trợ và gia công cơ khí
Ông Trần Bá Dương, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trường Hải (THACO), nhận định để xây dựng nền công nghiệp tự chủ, cần bắt đầu từ ngành công nghiệp hỗ trợ và gia công cơ khí bởi đây là nền tảng của các ngành công nghiệp khác.
Để phát triển công nghiệp thành ngành xương sống, đòi hỏi cả doanh nghiệp và chính quyền sự bền bỉ chịu khó, quyết tâm quyết liệt và tham gia vững chắc từng bước một. Ông Dương đề xướng khởi nghiệp trong sản xuất các thiết bị, vật dụng liên quan tới đời sống, sinh hoạt với gợi ý rằng các start-up dạng này dễ thực hiện hơn các lĩnh vực khác bởi sản phẩm cơ khí hiện diện khắp nơi trong đời sống kinh tế.
Về phần mình, THACO xin nhận trách nhiệm là đơn vị hạt nhân, đầu mối miền Trung trong liên kết phát triển công nghiệp, hỗ trợ các start-up khởi nghiệp. "Miền Trung là nơi không có thị trường nhưng có thể tạo ra thị trường bằng xuất khẩu. Chúng tôi sẽ đứng đầu mối nhận hợp đồng về để các doanh nghiệp tham gia gia công cùng mình" - ông Dương chia sẻ.
Mang giải pháp công nghệ Hàn Quốc tới doanh nghiệp Việt
Tại hội thảo, Trung tâm Tư vấn và giải pháp công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VITASK) cho hay cơ quan này có vai trò hỗ trợ liên kết doanh nghiệp hai nước và hướng dẫn kỹ thuật cho doanh nghiệp Việt Nam. Đến nay đã có nhiều doanh nghiệp Việt thành công và hoạt động hiệu quả nhờ sự trợ giúp này. Cơ quan này còn có hoạt động hướng dẫn chuyên sâu qua việc mời các chuyên gia Hàn Quốc hỗ trợ các khó khăn về kỹ thuật doanh nghiệp gặp phải trong quá trình sản xuất.
"Năm 2022 chúng tôi đã thực hiện 29 hoạt động hướng dẫn kỹ thuật chuyên sâu cho doanh nghiệp. Sau khi nhận hướng dẫn, nhiều doanh nghiệp cải thiện hiệu quả sản xuất, giảm mạnh tỉ lệ sản phẩm lỗi. Ngoài ra, chúng tôi còn hoạt động đào tạo kỹ sư, mời các giáo sư tại Hàn Quốc đến đào tạo và gửi sinh viên thực tập tại doanh nghiệp Hàn Quốc" - ông Lee Jun Ho - phó giám đốc Trung tâm VITASK, cho biết.
Tuổi trẻ