MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xây dựng nền nông nghiệp “số hóa” nhìn từ bài học của Hoa Kỳ

26-09-2022 - 11:20 AM | Kinh tế số

Giáo sư Hà Tôn Vinh chia sẻ tại Diễn đàn “Chuyển đổi số - Động lực phát triển Kinh tế Hợp tác, HTX trong kỷ nguyên mới gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì

Giáo sư Hà Tôn Vinh chia sẻ tại Diễn đàn “Chuyển đổi số - Động lực phát triển Kinh tế Hợp tác, HTX trong kỷ nguyên mới gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì

Ngành nông nghiệp Hoa Kỳ và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên nông nghiệp Việt chưa tích cực tận dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, nghiên cứu thị trường, hay tiếp thị sản phẩm.

Cũng theo Giáo sư Hà Tôn Vinh - Giám đốc Chương trình Đào tạo Lãnh đạo, Đại học California Miramar University, Hoa Kỳ, trong vòng 5 năm tới, thế giới bước sang cuộc cách mạng thông tin lần thứ 4, đó là cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo. Khi đó máy tính, mạng internet và nhiều ứng dụng sẽ thay dần những việc con người thường làm ở nhà, trong doanh nghiệp, hay tại nhà máy sản xuất hoặc các cơ sở cung cấp dịch vụ. Vì vậy, chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp là cơ hội và là tiền đề để doanh nghiệp Việt Nam nâng tầm vị thế trên bản đồ nông nghiệp thế giới.

Chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp Hoa Kỳ

Giáo sư Hà Tôn Vinh lấy ví dụ bài học của Hoa Kỳ, chuyển đổi số đã trở thành một phần rất quan trọng của ngành nông nghiệp. Thông tin về các phát kiến khoa học, các ứng dụng công nghệ trong việc nuôi trồng, nhu cầu tiếp cận thị trường nội địa và quốc tế, giới thiệu nông sản phẩm, thông tin về thời tiết địa phương, các gói hỗ trợ tài chính cho nông dân và gia đình,... là những yếu tố tạo nên sự thành công của ngành nông nghiệp Hoa Kỳ, giúp người nông dân và nhiều thế trẻ ở lại nông thôn, trở nên gắn bó và giàu có ở địa phương mình, tránh việc tạo thêm các áp lực di dân về thành phố.

Trong vài thập kỷ qua, Hoa Kỳ đã đi tiên phong rất sớm trong việc áp dụng “Chiến lược công nghệ thông tin và Chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp”. Chiến lược chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp 5 năm 2021-2025 của Hoa Kỳ nhấn mạnh đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, các thiết bị không người lái trong việc phun thước trừ sâu dịch, tưới tiêu, chụp hình từ trên cao,... Gần đây nhất công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối blockchain, công nghệ tiên đoán thời tiết, các thiết bị đo độ ẩm, tưới tiêu, các công nghệ robot, các ứng dụng thương mại điện tử đã được đưa về nông thôn giúp nông dân làm chủ 100% quy trình sản xuất và sản phẩm của mình.

Nông nghiệp 4.0 của Hoa Kỳ – là chiến lược lấy công nghệ và Chuyển đổi số làm thành phần cốt lõi của ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế địa phương và quốc gia. Nông nghiệp 4.0 không còn phụ thuộc hoàn toàn vào nước tưới tiêu, thuốc trừ sâu, phân bón như trước đây. Mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp đã giúp cho Hoa Kỳ bảo đảm an ninh lương thực, giảm thiểu nhập khẩu thực phẩm và trở thành nước xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới

Câu trả lời cho sự thành công của ngành nông nghiệp Hoa Kỳ nằm ở một số yếu tố quan trọng như: chính sách hỗ trợ tam nông (nông nghiệp, nông thôn, và nông dân) của Chính phủ. Cả 3 thành phần doanh nghiệp đều tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản (doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đa quốc gia). Tất cả đã triệt để sử dụng công nghệ, chuyển đổi số, cơ giới hóa nông nghiệp” - Giáo sư Hà Tôn Vinh phân tích thêm.

“Số hoá” nông nghiệp Việt Nam - cần cú hích từ chính sách

Theo Giáo sư Hà Tôn Vinh, ngành nông nghiêp Hoa Kỳ và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên, ở Hoa Kỳ, 98% các nông trại, cơ sở sản xuất ở Hoa Kỳ là doanh nghiệp nhỏ, gia đình nhưng lại đóng góp tới hơn 80% sản lượng nông phẩm quốc gia. Trong khi đó ở Việt Nam, nông dân hay các doanh nghiệp ở nông thôn chưa tích cực tận dụng công nghệ thông tin trong việc gia tăng sản xuất, nghiên cứu thị trường, hay tiếp thị sản phẩm. Công cuộc chuyển đổi số ở nông thôn và trong ngành nông nghiệp cần rất nhiều nỗ lực từ phía Chính phủ cũng như từ các doanh nghiệp và nông dân.

Xây dựng nền nông nghiệp “số hóa” nhìn từ bài học của Hoa Kỳ - Ảnh 1.

Theo Giáo sư Hà Tôn Vinh, công cuộc chuyển đổi số ở nông thôn và trong ngành nông nghiệp cần rất nhiều nỗ lực từ phía Chính phủ cũng như từ các doanh nghiệp và nông dân.

Ông cũng đưa ra dẫn chứng về sự phát triển của Internet tại Việt Nam. Hiện có khoảng 98 triệu dân, trong đó khoảng 70% sử dụng internet, 65 triệu người dùng mạng xã hội. Với tiềm năng đó, Việt Nam có thể thay đổi nhanh chóng, thậm chí là bắt kịp tốc độ chuyển đổi số của thế giới. Tỷ lệ sử dụng Internet ở nông thôn Việt Nam hiện nay khá cao. Internet là một yếu tố thúc đẩy người tiêu dùng nông thôn mua sắm trực tuyến, giải trí, y tế và giáo dục.

Để xây dựng “Chiến lược Quốc gia về Kinh tế số Nông nghiệp, nông thôn và nông dân” trở thành một trong những cột trụ của ngành kinh tế, theo Giáo sư Hà Tôn Vinh, Chính phủ cần có một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các địa phương thực hiện một cách hiệu quả. Trong đó, viêc đầu tiên cần xây dựng chương trình chuyển đổi số quốc gia lấy công nghệ làm nền tảng và công cụ phát triển cho ngành nông nghiệp, cùng với đó xây dựng trung tâm chuyển đổi số nông nghiệp quốc gia - nơi tất cả nông dân có thể tìm hiểu thông tin, tham khảo tất cả những vấn đề liên quan đến nông nghiệp từ A-Z. Đồng thời, khuyến khích hình thành các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao và có quy mô rộng. Mỗi HTX phải trở thành một doanh nghiệp với nông dân là các cổ đông. Khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào các HTX địa phương, đưa công nghệ về làng, thu mua sản phẩm để phục vụ cho thị trường địa phương và xuất khẩu. “Đặc biệt, khi giải tỏa hết các rào cản, khoảng cách giữa doanh nghiệp thành thị và nông thôn: tiếp cận tài chính, các khoản vay…sẽ góp phần quan trọng giúp quá trình “số hóa” ngành nông nghiệp Việt Nam sớm “về đích”, Giáo sư Hà Tôn Vinh nhấn mạnh.

Theo Thu Duyên

Diễn đàn Doanh nghiệp

Trở lên trên