MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xây dựng "siêu cảng" Cần Giờ sẽ đụng đến 82,89 ha rừng tự nhiên của Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn

13-06-2024 - 10:25 AM | Bất động sản

Được biết, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa có báo cáo số 7228/SGTVT-KH gửi UBND TP.HCM về Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Đáng chú ý, vị trí xây cảng Cần Giờ có tới 82,89 ha đất rừng tự nhiên.

Xây dựng

VIMC và MSC đề xuất xây dựng siêu cảng Cần Giờ với tổng mức đầu tư 5,5 tỷ USD

Một trong những vấn đề quan trọng được nêu trong Đề án là đánh giá tác động môi trường khi xây cảng. Bởi vị trí đề xuất xây dựng cảng là khu vực cù lao Con Chó, ở cửa sông Cái Mép, thuộc huyện Cần Giờ có diện tích 89,95 ha đất rừng phòng hộ, trong đó có 82,89 ha đất rừng tự nhiên và 6,97 ha là đất trống không có cây rừng. Đây là khu vực thuộc vùng đệm của Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.

Theo Quy chế quản lý Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ được ban hành theo Quyết định số 05/2008/QĐ-UBND ngày 21/01/2008 của UBND TP.HCM, vùng đệm là khu vực bao quanh vùng lõi, góp phần hạn chế tác động của con người giúp cho việc bảo tồn đa dạng sinh học của vùng lõi. Các hoạt động phát triển kinh tế, khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên... được phép triển khai.

Khi lập Đề án, nhà đầu tư đã đưa ra các giải pháp giảm thiểu tác động đến môi trường như: thiết bị tại cảng sử dụng bằng điện, nhằm hạn chế chất thải ra môi trường, và trồng rừng với diện tích gấp 3 lần diện tích rừng bị mất khi làm dự án.

Ngày 16/10/2023 Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ đã có văn bản số 672/BQL giới thiệu vị trí dự kiến trồng rừng thay thế tại 11 tiểu khu với tổng diện tích 258 ha, đảm bảo diện tích trồng rừng thay thế khi xây cảng.

Bên cạnh đó, khi lập Đề án đơn vị tư vấn đã thu thập số liệu, tính toán, sử dụng mô hình toán mô phỏng chế độ thủy động lực học để nghiên cứu, đánh giá tác động xói lở đường bờ, bồi lắng lòng sông và khu vực lân cận, trong đó có khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ.

Kết quả mô phỏng theo các kịch bản cho thấy khu vực xã đảo Thạnh An và khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và khu vực lân cận đều không bị tác động bởi hiện tượng xói lở đường bờ do tác động của việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong tương lai.

Ngược lại, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đóng vai trò như “đê chắn sóng” bảo vệ đảo Thạnh An và khu vực phía trong dưới tác động của xâm thực biển.

Đề án cũng nêu: "Quan điểm của UBND TP.HCM là việc đầu tư xây dựng cảng phải đảm bảo các yếu tố hiệu quả kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, đặc biệt bảo vệ giữ gìn hệ sinh thái Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ".

Hiện tại đây mới là đánh giá tác động sơ bộ về môi trường. Việc thực hiện đánh giá tác động môi trường cụ thể của dự án sẽ được nhà đầu tư thực hiện ở bước báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo khả thi để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét theo đúng quy định.

VIMC và MSC đề xuất xây dựng siêu cảng Cần Giờ với tổng mức đầu tư 5,5 tỷ USD

Theo thiết kế, Cảng Cần Giờ sẽ bổ sung, hỗ trợ cho các cảng trong khu vực (bao gồm cả Cái Mép - Thị Vải) trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế tầm cỡ thế giới.

Vị trí xây cảng dự kiến tại khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, với tổng diện tích 571 ha, tổng chiều dài cầu cảng chính khoảng 7 km, bến sà lan khoảng 2 km.

Về thời gian xây dựng, nhà đầu tư đề xuất thực hiện làm 7 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đầu dự kiến thực hiện từ năm 2024 - 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027. Đến năm 2047 sẽ hoàn thành toàn bộ 7 giai đoạn và đưa vào khai thác hết công suất.

Sau khi hoàn thành cảng quốc tế Cần Giờ có thể tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới hiện nay là 250.000 DWT (tương đương 24.000 TEU), tàu trung chuyển có tải trọng từ 10.000 - 65.000 tấn và sà lan tải trọng 8.000 tấn.

Theo tính toán, tổng mức đầu tư Cảng quốc tế Cần Giờ là 129.000 tỷ đồng (tương đương gần 5,5 tỷ USD) do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) - Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn và hãng tàu container lớn nhất thế giới - Mediterranean Shipping Company (MSC) đề xuất đầu tư.

"Khi có hãng tàu lớn như MSC tham gia, sẽ bảo đảm hàng hóa cho cảng với nguồn hàng hiện có của hãng tàu, là thời cơ thuận lợi để hình thành và phát triển hiệu quả cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ. Việc có nhà đầu tư là hãng tàu lớn nhất thế giới quan tâm hợp tác đầu tư chứng tỏ tính hấp dẫn của vị trí cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ", tờ trình của UBND TP.HCM nêu.

Về hiệu quả kinh tế, cảng sẽ tạo việc làm cho khoảng 6.000-8.000 nhân viên, lao động làm việc tại cảng, và hàng chục ngàn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan...

Dự kiến, đóng góp trực tiếp cho ngân sách Nhà nước khoảng từ 34.000 đến 40.000 tỷ đồng/năm (giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh).

Liên quan đến vấn đề tác động môi trường khi xây dựng cảng quốc tế Cần Giờ mà dư luận quan tâm, trong tờ trình UBND TP.HCM cho biết, vị trí đề xuất xây cảng Cần Giờ ở khu vực vùng đệm, không ảnh hưởng trực tiếp đến vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ. Vị trí này cũng không nằm trong các khu vực bảo tồn biển và vùng nước của Thành phố.

Để giảm thiểu, ngăn ngừa tác động đến môi trường, nhà đầu tư sẽ sử dụng công nghệ, các thiết bị sử dụng khai thác cảng 100% chạy bằng điện và hướng tới xây dựng cảng trở thành cảng "xanh" đầu tiên tại Việt Nam.

Theo Đinh Tịnh - Quang Minh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên