MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xây nhà chọc trời bằng... gỗ: Người kỳ vọng cứu vớt môi trường, kẻ dè bỉu ‘phá hoại thiên nhiên’

16-04-2022 - 21:26 PM | Tài chính quốc tế

Xây nhà chọc trời bằng... gỗ: Người kỳ vọng cứu vớt môi trường, kẻ dè bỉu ‘phá hoại thiên nhiên’

Các kiến trúc sư và nhà xây dựng đang chuyển sang dùng gỗ khối lớn để thay bê tông cốt thép trong việc xây các toà nhà chọc trời.

Xu hướng dùng gỗ khối xây những công trình lớn

Skellefteå trước đây từng là cộng đồng khai thác vàng ở đông bắc Thuỵ Điển. Khu vực này mới xây dựng một khách sạn 20 tầng đồng thời là một trung tâm văn hoá. Khách nghỉ lại đây không cần phải bước ra ngoài mới có thể hoà mình vào thiên nhiên. Sàn, trần và dầm đỡ của toà nhà hoàn toàn bằng gỗ vân sam và thông từ cánh rừng gần đó.

Robert Schmitz, chuyên gia của một công ty kiến ​​trúc ở Stockholm và là kiến ​​trúc sư chính của tòa nhà, cho biết: "Khi bạn vào bên trong, mùi của gỗ tạo cho bạn cảm giác như đang bước vào một khu rừng. Đây là một thành phố nhỏ và gỗ là thứ có mối liên kết với tất cả mọi người trong cộng đồng này. Họ hiểu vật liệu này".

Khu phức hợp rộng 30.000 mét vuông là một phần của xu hướng mới nổi. Các kiến trúc sư, nhà phát triển và nhà xây dựng chuyển sang sử dụng gỗ khối (mass timber), loại gỗ rắn được dán và ép để có độ bền tương tự như bê tông và thép. Do đó, chúng có khả năng thay thế cho các vật liệu xây dựng quen thuộc, ngay cả với các toà nhà chọc trời và các công trình lớn khác.

Xây nhà chọc trời bằng... gỗ: Người kỳ vọng cứu vớt môi trường, kẻ dè bỉu ‘phá hoại thiên nhiên’ - Ảnh 1.

Tòa nhà 25 tầng Milwaukee là một trong số những tòa nhà cao tầng bằng gỗ khối đã được lên kế hoạch. Ảnh: Thomas Jordan/WSJ

Những người ủng hộ việc sử dụng gỗ khối trong xây dựng cho rằng loại vật liệu này có thể thân thiện hơn với môi trường hơn so với bê tông cốt thép thông thường. Theo một bài viết về gỗ khối trên tạp chí Sustainability, lượng khí thải carbon từ một toà nhà được xây dựng bằng gỗ khối bền vững chỉ bằng một nửa so với các toà nhà xây bằng bê tông cốt thép. Gỗ khối khai thác bền vững là những cây gỗ chặt có chọn lọc chứ không chặt bỏ hoàn toàn.

Stephen Shaler, giáo sư về vật liệu và công nghệ bền vững tại Đại học Maine, cho biết: "Nếu bạn nhìn vào tác động carbon của việc thu hoạch cây và biến chúng thành các tòa nhà, điều đó mang lại một con số khả quan hơn nhiều so với việc bạn xây nhà từ bê tông hoặc thép. Miễn là bạn có rừng được quản lý bền vững thì rõ ràng vật liệu này là người chiến thắng về lượng khí thải carbon. Và chúng ta có năng lực đó".

Theo tập đoàn thương mại gỗ WoodWorks, số lượng các tòa nhà bằng gỗ khối nhiều tầng đang được xây dựng ở Mỹ đã tăng 50%, lên hơn 1.300 công trình, trong khoảng thời gian từ tháng 7/2020 đến tháng 12/2021.

Một số dự án bằng gỗ khối bao gồm toà nhà 8 tầng ở Charlottesville, Mỹ. Một toà nhà văn phòng 5 tầng mới của Google dự kiến khai trương vào tháng 8 ở Sunnyvale, California. Một khu chung cư 25 tầng khác đang mọc lên ở Milwaukee và các nhà phát triển dự án cho biết nó an toàn như một toà nhà thông thường.

Xây nhà chọc trời bằng... gỗ: Người kỳ vọng cứu vớt môi trường, kẻ dè bỉu ‘phá hoại thiên nhiên’ - Ảnh 2.

Một cầu thang ở Trung tâm Văn hóa Sara của Thụy Điển. Ảnh: AKE ESON LINDMAN

Thậm chí, nhiều dự án tham vọng hơn đã xuất hiện. Một công ty gỗ Nhật bản đã đề xuất xây một toà nhà bằng gỗ 70 tầng cho Tokyo. Trong khi đó, một công ty kiến trúc có trụ sở tại Anh có kế hoạch xây một toà nhà chọc trời bằng gỗ 80 tầng tại London.

Theo Cục Kiểm lâm Mỹ, để đáp ứng nhu cầu về gỗ khối, 18 nhà máy sản xuất đã được xây dựng ở Mỹ và Canada từ năm 2014. Theo một báo cáo tháng 12 năm 2021 của Grand View Research, thị trường gỗ khối ước tính đạt 956 triệu USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 13,6% từ năm 2021 đến năm 2028.

Ngoài những lợi ích tiềm năng về môi trường, các chuyên gia xây dựng cho biết các tòa nhà bằng gỗ khối lớn có thể có chi phí thấp hơn so với kết cấu bê tông cốt thép. Ví dụ, với vật liệu gỗ khối, các nhà xây dựng không cần phải đổ bê tông và đợi nó đông kết, giúp tiết kiệm chi phí xây dựng và nhân công.

Một số điểm hạn chế của gỗ khối lượng lớn đó là các tòa nhà được làm bằng cả kết cấu gỗ thông thường và gỗ khối lượng lớn có thể có lợi thế hơn những tòa nhà chỉ làm bằng gỗ hoặc chỉ bằng thép và bê tông.

Xây nhà chọc trời bằng... gỗ: Người kỳ vọng cứu vớt môi trường, kẻ dè bỉu ‘phá hoại thiên nhiên’ - Ảnh 3.

Trung tâm văn hoá và khách sạn gỗ của Thuỵ Điển trong quá trình xây dựng. Ảnh: JONAS WESTLING

Quan điểm trái chiều về vật liệu thay thế bê tông cốt thép

Một số người lo ngại xu hướng gỗ khối có thể thúc đẩy các công ty gỗ chặt phá những khu rừng già, nơi thu giữ một lượng lớn carbon, hơn là khai thác chọn lọc những khu rừng non.

Họ cho rằng phát thải carbon của các công trình kiến ​​trúc bằng gỗ khối lớn phải tính cả đến rễ, cành và các bộ phận khác của cây bị đốt cháy, cũng như nhiên liệu hóa thạch được sử dụng để chặt cây, chế tạo sản phẩm gỗ và vận chuyển chúng đến các địa điểm xây dựng.

Quản lý Jason Grant của Tổ chức Động vật Hoang dã Thế giới ở San Francisco, cho biết: "Chúng ta sẽ không thoát khỏi cuộc khủng hoảng khí hậu. Có những giới hạn khách quan về lượng gỗ chúng ta có thể sản xuất và tiêu thụ. Chúng ta cần ghi nhớ những ràng buộc mà chúng ta cần phải hoạt động nếu muốn tránh thảm họa khí hậu và ngăn chặn mất mát tài nguyên thiên nhiên".

Thử nghiệm địa chấn đối với tòa nhà gỗ cao 10 tầng dự kiến ​​diễn ra ở California vào mùa thu này có thể thúc đẩy xu hướng gỗ khối. Shiling Pei, phó giáo sư về kỹ thuật dân dụng và môi trường tại Trường Mỏ Colorado kiêm trưởng dự án cho biết: "Chúng tôi cần tìm cách làm cho những tòa nhà này có khả năng chống động đất, vì đây là một kiểu nhà mới và chưa từng có ai làm điều này".

David Barber, một kỹ sư an toàn cháy nổ cho biết, để giảm thiểu nguy cơ hỏa hoạn, các nhà xây dựng và kiến ​​trúc sư đang áp dụng các biện pháp phòng cháy chữa cháy vào các tòa nhà chọc trời bằng gỗ khối.

Ông Barber, người đã làm việc cho cả tòa nhà Ascent ở Milwaukee và tòa nhà 8 tầng Apex ở Charlottesville cho biết: "Chúng tôi muốn đảm bảo rằng các tòa nhà được xây theo những cách cực kỳ thận trọng, vì vậy chúng được thiết kế với mức độ an toàn rất cao".

Tham khảo WSJ

https://cafef.vn/xay-nha-choc-troi-bang-go-nguoi-ky-vong-cuu-vot-moi-truong-ke-de-biu-pha-hoai-thien-nhien-2022041411122377.chn

Khánh Ly

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên