Xe Ấn Độ 84 triệu, đại gia ô tô Việt ôm hận ngàn tỷ
Nhưng chỉ vì giấc mơ ô tô “thương hiệu Việt” của ông chủ tịch Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên thất bại, nên nhà máy này cũng chịu chung số phận.
- 21-02-2017Phía sau chiếc ô tô Ấn Độ giá nhập 84 triệu nhưng bán cho người dùng hơn 400 triệu
- 21-02-2017Ô tô Ấn Độ giá 84 triệu chưa đè bẹp giấc mơ ô tô Việt
- 20-02-2017Xe Ấn Độ nhập 84 triệu, bán 500 triệu: Sự thật giá đắt ô tô Việt
Dọc Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), dự án Cụm các nhà máy máy sản xuất, lắp ráp ô tô Vinaxuki của Công ty TNHH MTV Ô tô Vinaxuki vẫn chỉ là những khung sắt dở dang, nằm phơi mưa nắng. Đáng ra, nếu xuôi chèo mát mái, dự án đã phải hoàn thành vào 2010.
Nhưng chỉ vì giấc mơ ô tô “thương hiệu Việt” của ông chủ tịch Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên thất bại, nên nhà máy này cũng chịu chung số phận.
Những dự án khác của Vinaxuki ở Đông Anh (Hà Nội), Thái Nguyên cũng trong tình trạng tương tự, cỏ dại mọc đầy. Vinaxuki đã chông chênh bên bờ vực vì một giấc mơ mà nhiều người cho là hoang đường. Những gì còn lại là vị đại gia một thời này đang phải gánh khoản nợ hàng ngàn tỷ không biết cách nào để gỡ.
Ô tô nhập tháng 1/2017 từ Indonesia, Ấn Độ tăng mạnh so với cùng kỳ.
Ô tô “thương hiệu Việt ” là hoang đường, nhưng việc sản xuất linh kiện, lắp ráp ô tô Việt Nam cũng chưa làm tròn vai. Ngay cả hướng đi này đến nay cũng đầy chông gai.
Trong quá khứ, Việt Nam từng đặt ra mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa xe cá nhân dưới 9 chỗ ngồi là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010. Nhưng đến nay, Bộ Công Thương đã thừa nhận thất bại khi đến cuối 2016 mới chỉ đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra.
Thách thức còn lớn hơn khi năm 2018, thuế ô tô nhập khẩu từ ASEAN sẽ về 0%, liệu các tập đoàn ô tô lớn có còn coi Việt Nam là nơi để đầu tư nữa không? Bởi, trước khi đầu tư dự án lắp ráp tại Việt Nam, các tập đoàn ô tô lớn đều đã có dự án sản xuất ô tô con quy mô lớn ở Thái Lan, Indonesia,... Công suất các nhà máy này thường được tính toán cho thị trường khu vực, chứ không tính riêng cho quốc gia nơi đặt nhà máy.
Cho nên, công bố kết quả khảo sát đầu tư của DN Nhật Bản ở Việt Nam, ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM, nhận định, xu hướng là DN Nhật sẽ tập trung sản xuất ô tô ở các nhà máy của họ tại Thái Lan, Indonesia rồi bán sang Việt Nam, nhất là từ sau năm 2018.
Ô tô nhập tháng 1/2017 từ Indonesia, Ấn Độ tăng mạnh so với cùng kỳ.
Chẳng đợi đến 2018, mà khi thuế xe trong ASEAN mới giảm thêm 10% từ 2017, ô tô nhập đã ùn ùn về. Tổng số xe dưới 9 chỗ nhập về Việt Nam trong 1,5 tháng lên tới gần 8.000 chiếc, cao hơn 5.000 chiếc so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu từ khu vực ASEAN.
Cơ hội mong manh
Ông Nguyễn Đình Quyết, Giám đốc công ty TNHH Hưng Hà, từng kinh doanh ô tô, nhận định: DN cứ thấy có lợi là làm, đặc biệt là DN FDI. Cho nên, khi tính toán không cạnh tranh được là họ rút thôi. "Khi thuế nhập ô tô về 0℅, tôi dám chắc là cạnh tranh sẽ khủng khiếp. Họ chỉ duy trì được nếu có cam kết hỗ trợ của hãng và Chính phủ", ông Quyết noi.
“Nhập khẩu hết phụ tùng thì khó cạnh tranh vì dung lượng thị trường Việt Nam rất bé. Muốn nhập khẩu phụ tùng rẻ như Thái Lan thì phải cam kết một doanh số nhất định, mà lại mất công vận chuyển nữa thì khó cạnh tranh”, ông Quyết đánh giá
Ông Nguyễn Tuấn, Công ty TNHH thương mại Thiên An Phúc thẳng thắn: Các hãng chỉ quan tâm đến lợi nhuận thôi, họ có cần quan tâm đến công nghiệp ô tô ở nước nào đâu. Khi hết bảo hộ họ chuyển sang nước nào có lợi thế hơn trong khối.
“Công nghiệp ô tô có thể làm ra cái xe giá bằng với chiếc xe Ấn Độ nhập về Việt Nam có 84 triệu không, hay lại giống Vinaxuki?”, ông Tuấn băn khoăn và thốt lên “Thời gian không kịp nữa rồi, chỉ còn 10 tháng nữa thôi là thuế về 0%”.
2018 thuế ô tô nhập trong Asean về 0%.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Công ty CP Thương mại KYLIN-GX668 (Hải Phòng), cho rằng, khi thuế nhập khẩu giảm xuống 0% vào năm 2018, giá ô tô sản xuất trong nước sẽ không cạnh tranh nổi và xu hướng nhập xe là tất yếu.
Tuy nhiên, vẫn còn “cửa” cho DN lắp ráp, tất nhiên là cửa hẹp, bởi không phải ô tô nào của bất kỳ hãng nào cũng được nhập về. Thông thường, các hãng sẽ có quy định, thỏa thuận về thị phần, phân khúc cụ thể, không phải muốn nhập gì cũng được.
Ông Nguyễn Đình Quyết cũng để ngỏ khả năng DN xin được một vài mẫu của hãng chưa có ở trong khối ASEAN để sản xuất ở Việt Nam và xuất lại vào trong khối. Ví dụ như Hyundai hoặc Mazda chẳng hạn, họ chưa có nhà máy ở Thái Lan. “Nhưng vẫn phải xin ưu đãi thì mới làm được”, ông Quyết nói.
Ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu thị trường Market Intello, bình luận: Các DN ô tô của Nhật Bản có thể sẽ rút đi thay vì sản xuất ở Việt Nam. Họ sẽ nhập khẩu, phân phối từ các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia. Đó là chuyện đương nhiên diễn ra.
Bên lề Triển lãm gia công phụ tùng Nhật Bản diễn ra tại Hà Nội ngày 23/2, ông Atsusuke Kawada - Trưởng đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội, nói rằng chưa nghe nói các DN lắp láp, kinh doanh ô tô Nhật Bản muốn rời bỏ thị trường Việt Nam. Song, sự gia tăng về số lượng ô tô nhập khẩu về Việt Nam khiến những DN lắp ráp xe hơi trong nước có chút lao đao.
Theo ông Atsusuke Kawada, việc Việt Nam cần làm lúc này là nâng cao hơn tỷ lệ nội địa hóa , hướng đến tự sản xuất được linh kiện, phụ tùng để tạo hấp dẫn đối với các nhà sản xuất và lắp ráp ôtô. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ thêm với DN ô tô trong nước.
Vietnamnet