MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xe buýt liên tỉnh “trên đường” phá sản

Việc các tuyến xe buýt liên tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng không được di chuyển vào nội thành Đà Nẵng đã gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như việc di chuyển của người dân.

Việc các tuyến xe buýt liên tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng không được di chuyển vào nội thành Đà Nẵng đã gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như việc di chuyển của người dân.

Sau chủ trường di dời các tuyến xe buýt ra ngoại thành, hàng loạt doanh nghiệp vận tải tại hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng lao đao vì không thể tiếp cận được nguồn khách.

Kể từ năm 2020, TP.Đà Nẵng đã điều chỉnh lộ trình của 5 tuyến xe buýt liên tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng theo hướng không được đi vào nội thành, lượng khách đi xe buýt giảm thê thảm.

Doanh nghiệp và người dân đều thiệt

Từ số lượng 10.000 người/ngày trước khi điều chỉnh, hiện tại, con số di chuyển bằng xe buýt liên tỉnh chỉ còn ở múc vài chục người/ngày. Trước tình trạng, doanh nghiệp dần mất hành khách và không đủ chi phí duy trì, nhiều tuyến đành phải “đắp chiếu” phương tiện.

Ông Ông Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải Phương Vy cho biết, doanh nghiệp đang rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vì việc điều chỉnh trên của TP.Đà Nẵng. Hiện tại còn rất ít hành khách lựa chọn xe buýt để di chuyển vì bất tiện của lộ trình nên doanh nghiệp sẽ lỗ vốn khi cố gắng duy trì hoạt động.

“Phần lớn, người chọn di chuyển bằng xe buýt liên tỉnh đều là người lao động nghèo, sinh viên và các trường hợp đi khám chữa bệnh. Trong khi, các tuyến xe buýt nội thành Đà Nẵng không thể đáp ứng được nhu cầu của người dân nên họ đã chọn các hình thức đi lại khác. Và hiển nhiên, người dân sẽ tốn kém hơn nhiều so với xe buýt”, ông Dũng cho hay.

Thực tế sau khi điều chỉnh, các tuyến buýt liên tỉnh đều phải đón và trả hành khách tại các bến xe nơi giáp ranh 2 địa phương. Việc điều chỉnh có mục tiêu tránh xung đột giữa các tuyến, giúp vận tải buýt liên hoàn, đảm bảo an toàn giao thông, phù hợp với quy hoạch hệ thống giao thông công cộng trong tương lai của Đà Nẵng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh lộ trình các tuyến đã ảnh hưởng đến cả người dân và doanh nghiệp vận tải.

Trong 5 năm qua, tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng đã phối hợp triển khai có hiệu quả trong nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội. Nổi bật là công tác liên kết, hợp tác nhiều dự án lớn như: Dự án khơi thông sông Cổ Cò, dự án Làng Đại học Đà Nẵng...

Chị Nguyễn Hoài Thu, người dân huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) cho hay di chuyển bằng xe buýt vốn là phương tiện vẩn tải công cộng rất thuận tiện đối với người dân, đặc biệt những người kinh doanh các mặt hàng nông sản nhỏ lẻ. Giá đi xe buýt rẻ, có khu vực gửi hàng...

“Tuy nhiên từ khi các tuyến xe bị điều chỉnh, người dân gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Khi đến các bến xe phía Nam Đà Nẵng, chúng tôi phải dỡ hàng xuống, đợi xe buýt trợ giá, rồi lại xếp hàng lên lại để tiếp tục di chuyển rất bất tiện, nhất là các mặt hàng nặng. Chưa kể đến các tuyến xe trợ giá hoạt động hiện còn rất ít và không đến các địa điểm mà người dân cần”, chị Thu nói.

Có nên “hồi sinh” tuyến cũ?

Để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, TP. Đà Nẵng đã xây dựng 11 tuyến xe buýt trợ giá với hơn 100 phương tiện. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động hiện nay chỉ còn 4 tuyến vận hành với 26 xe. Cùng với đó, số lượng khách lựa chọn các tuyến xe buýt trợ giá trong nội thành khá thưa thớt khiến việc vận hành thiếu hiệu quả.

Theo Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng, các tuyến còn lại số lượng hành khách vẫn thấp, hành khách bình quân dưới 10 hành khách/chuyến. Đồng thời, các điểm đầu cuối chưa được đầu tư đầy đủ hạ tầng, dịch vụ đi kèm, 44% điểm đầu cuối xe buýt đang tận dụng lòng đường làm điểm đậu đỗ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

“Cùng với đó, việc di chuyển đi bộ của hành khách đến các điểm dừng chờ xe buýt gặp rất nhiều khó khăn do vỉa hè bị chiếm dụng, đồng thời hầu như không có điểm dừng chờ nào trên tuyến đáp ứng được yêu cầu có chỗ trông giữ xe cá nhân đi xe buýt (P&R) để hỗ trợ hành khách di chuyển tiện lợi hơn”, Đại diện Sở GTVT Đà Nẵng thông tin.

Sau nhiều lần gặp mặt giữa 2 địa phương, hiện tại phương án hoạt động của các tuyến xe buýt liên tỉnh vẫn chưa được thay đổi. Do đó, doanh nghiệp đề xuất được “hồi sinh” tuyến cũ, trong đó các đơn vị kinh doanh sẽ tự thay đổi để phù hợp hơn trong phương án giao thông nội thành.

Ông Văn Dũng đề xuất TP Đà Nẵng nên “cởi trói” cho các doanh nghiệp vận hành các tuyến xe buýt liên tỉnh. Các doanh nghiệp sẽ chấp nhận đổi mới phương tiện, xây dựng tuyến di chuyển phù hợp không gây ảnh hưởng đến giao thông đô thị để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân 2 địa phương.

Theo ông Hồ Văn Tùng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ vận tải Hải Vân, việc được chấp thuận đón/trả khách trong nội thành sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân 2 địa phương. Qua đó, những doanh nghiệp vận tải đang trên đà phá sản cũng sẽ quay trở lại hoạt động, góp phần kết nối phát triển kinh tế, giao thương cho một bộ phận dân nghèo, tiểu thương.

Tổng hợp kiến nghị từ các doanh nghiệp ông Nguyễn Ngọc Châu – Q Chủ tịch Hiệp hội vận tải Quảng Nam chia sẻ, việc TP Đà Nẵng điều chỉnh lộ trình di chuyển của 5 tuyến xe buýt trên đã thấy rõ sự bất hợp lý, khiến các doanh nghiệp lâm vào cảnh không có khách. Nguyện vọng của các doanh nghiệp vận tải Quảng Nam muốn hai địa phương nới lỏng quy định để các tuyến xe buýt có thể đi và về tại các bến xe trung tâm. Đây là điều kiện cấp bách để doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, người dân có đủ dịch vụ cần thiết trong bối cảnh phục hồi kinh tế hiện nay.

Theo Hồng Nguyên

Diễn đàn Doanh nghiệp

Trở lên trên