Xe chờ cả tuần không được đăng kiểm, doanh nghiệp 'méo mặt' chịu thiệt hại
Việc ách tắc trong đăng kiểm xe cơ giới khiến nhiều doanh nghiệp vận tải, lữ hành thiệt hại số tiền lớn, thậm chí nguy cơ vi phạm hợp đồng vận chuyển.
- 11-03-2023Bộ trưởng Giao thông chỉ đạo ‘nóng’ giữa khủng hoảng đăng kiểm
- 11-03-2023Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Triển khai ngay giải pháp khắc phục ùn tắc đăng kiểm
- 10-03-2023Hai trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội hoạt động trở lại: Hơn bốn vạn ô tô có kịp đăng kiểm?
Cùng với đó là tình trạng phát sinh chi phí, mất doanh thu, trong khi lãi ngân hàng, lương nhân viên vẫn phải chi trả.
Video: Tài xế ăn ngủ 2 ngày trên xe, xếp hàng chờ đăng kiểm ở Hà Nội. (Đăng Khoa - Trà Ly)
Trả lời VTC News, đại diện Công ty cổ phần vận tải thủy bộ Yên Bái cho biết, doanh nghiệp có hơn 100 đầu xe khách 45 chỗ chạy các tuyến Mỹ Đình đi Yên Bái và một số tỉnh phía Bắc. Hiện doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn chồng chất: vừa thoát cảnh ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng lượng khách vẫn chưa đông, giá xăng dầu liên tục tăng cao và khan hiếm, lãi suất ngân hàng cũng cao cùng nguồn tín dụng khó tiếp cận, đến giờ việc kiểm định xe cũng vô cùng vất vả.
“Xe của doanh nghiệp chờ cả tuần không được kiểm định. Như sáng 10/3, lái xe phải chờ từ 4h đến 12h tại trung tâm kiểm định ở Sóc Sơn mà không thực hiện được vì đoàn xe chờ nối dài hàng km”, vị đại diện này nói.
Không chỉ mất thời gian, nhân lực, mà một số xe đến thời gian đăng kiểm nhưng chưa đăng kiểm được nên nguy cơ phải tạm dừng khai thác, gây thiệt hại không nhỏ. Cụ thể, mỗi xe hết hạn mà không được đăng kiểm, mỗi ngày ngoài không hoạt động nên không có doanh thu thì doanh nghiệp vẫn phải chi trả tiền bến bãi, lương lái phụ xe mỗi ngày khoảng 2,5 triệu đồng. Chưa kể tiền lãi ngân hàng vẫn "đều như vắt chanh".
"Nếu tình trạng này kéo dài thì năm nay doanh nghiệp vận tải chắc chắn tiếp tục khó tránh cảnh thua lỗ vì lượng khách đi lại hiện chỉ chiếm chưa đến 20% số ghế mỗi khi xe xuất bến, ra ngoài thì bị cạnh tranh bởi các xe dù, bến cóc, giờ lại thêm tình trạng đăng kiểm như thế này", vị này nói.
Dòng xe xếp hàng ken đặc tại một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội. (Ảnh: Đắc Huy)
Cũng khó khăn và bức xúc không kém, ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (thương hiệu Sao Việt) - cho biết, gần đây, do các trạm đăng kiểm ở Hà Nội quá tải nên doanh nghiệp phải đưa phương tiện về các tỉnh lân cận như: Hải Dương, Phú Thọ, Lào Cai, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình... để đăng kiểm. Tuy nhiên, một số trạm ở các địa phương cũng đang bị điều tra nên gặp khó khăn không kém.
“Đường xa, chi phí nhiên liệu cho các xe này, rồi người đi đăng kiểm, thời gian chờ đợi cũng không nhỏ. Thời điểm này, doanh nghiệp nào càng nhiều xe càng khốn khổ”, ông Bằng nói.
Cũng theo ông Bằng, trước đây mỗi xe đi đăng kiểm khoảng 2 tiếng, nay có xe phải xếp "lốt" cả tuần, rồi cử người đi kiểm định mất cả tuần, thậm chí cả chục ngày nhưng vẫn chưa đăng kiểm được. Việc di chuyển đến nhiều địa phương nhưng vẫn rất khó đăng kiểm và kéo dài thời như thế gây rất nhiều lãng phí cho doanh nghiệp.
“Mỗi ngày dừng xe vận tải chở khách bây giờ ít nhất thiệt hại cũng đến 2,5 triệu đồng/xe. Doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước phải làm thế nào để tháo gỡ khó khăn trong công tác đăng kiểm, đồng thời cần xem xét đến thực trạng của doanh nghiệp, vì phương tiện vận tải khách, nhất là vận tải khách chất lượng cao lúc nào cũng phải đảm bảo chất lượng…” , ông Bằng nói.
Dòng xe xếp hàng dài, chờ qua đêm để được đăng kiểm. (Ảnh: Đắc Huy)
Không chỉ doanh nghiệp vận tải mà các doanh nghiệp kinh doanh vận tải du lịch cũng đang gặp nhiều vướng mắc.
Trả lời VTC News, ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc công ty du lịch Vietfoot Travel cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế cũng khó khăn, các doanh nghiệp du lịch đang phải nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách. Thế mà thời điểm này, vấn đề đăng kiểm lại gặp khó khăn lớn, khác nào cản trở sự hồi phục của doanh nghiệp.
Ông Nghĩa cho rằng, hiện không chỉ doanh nghiệp vận tải, mà các doanh nghiệp du lịch cũng rất quan tâm và theo dõi thường xuyên diễn biến đăng kiểm xe cơ giới ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Doanh nghiệp nào cũng mong mỏi trong vài ngày tới tình hình có sự thay đổi tích cực để công việc kinh doanh du lịch được thuận lợi, rồi các hợp đồng đã ký với đối tác được triển khai một cách thuận lợi, giảm chi phí.
“Vừa rồi chúng tôi đón đoàn khách nước ngoài đi du lịch 3 ngày 2 đêm nhưng đã phải tăng chi mất gần 20 triệu tiền thuê xe, trong khi xe có phải nằm bãi vì chưa đăng kiểm được. Nếu tình trạng này diễn ra dài ngày chúng tôi cũng không dám ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài để đón đoàn khách quốc tế vào vì chi phí quá lớn", ông Nghĩa than.
Trong khi đó, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cũng cho VTC News biết, ngày 15/3 tới, khi khách đoàn của Trung Quốc sang du lịch ở Việt Nam, nếu không có xe để lưu hành thì các doanh nghiệp rất dễ vi phạm hợp đồng, bị bồi thường và nguy hiểm hơn là mất uy tín với du khách.
“Xe thì có nhưng không thể phục vụ được khách vì chúng tôi không thể vì lợi ích trước mắt mà bất chấp pháp luật, bất chấp tính mạng của khách hàng đưa những xe chưa được đăng kiểm ra chở khách. Trước mắt, khi có khách mà thiếu phương tiện, chúng tôi sẽ thuê hoặc hợp đồng với đối tác để ứng phó với những tình huống phát sinh”, ông Thái nói.
Bộ GTVT vừa kiến nghị Thủ tướng những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kiểm định xe cơ giới, đáp ứng khả năng cung cấp dịch vụ công phục vụ nhân dân.
Trong đó, đề xuất đáng chú ý nhất là cho phép sử dụng lực lượng đăng kiểm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia công tác kiểm định xe cơ giới tại các trung tâm đăng kiểm.
Đồng thời, cho phép các phương tiện quá hạn đăng kiểm trong vòng 15 ngày được phép di chuyển đến các đơn vị đăng kiểm để thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định. Tuy nhiên, các phương tiện này không được chở người, hàng hóa, kinh doanh vận tải.
VTC News