MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xe điện là cơ hội vàng để Việt Nam viết lại kịch bản ngành công nghiệp ô tô

Xe điện là cơ hội vàng để Việt Nam viết lại kịch bản ngành công nghiệp ô tô

Tiến sĩ Đàm Hoàng Phúc - Phó trưởng bộ môn Ô tô và xe chuyên dụng, Đại học Bách Khoa Hà Nội khẳng định Việt Nam cần chính sách tổng thể để tận dụng cơ hội đi tắt đón đầu.

Chia sẻ tại toạ đàm "Xu hướng ô tô điện hoá ở Việt Nam" diễn ra ngày 22/4 ở Hà Nội, TS.Đàm Hoàng Phúc nói: "Chúng ta cần đánh giá cơ hội và chi phí khi Việt Nam phát triển xe điện . Thái Lan đưa ra chính sách phát triển xe điện từ 2015 để trở thành trung tâm sản xuất xe điện của Đông Nam Á nhưng quốc gia này chưa thực hiện được. Lý do là Thái Lan phát triển mạnh và sâu về công nghiệp phụ trợ cho xe chạy động cơ đốt trong. Họ đổ vốn vào đó rất nhiều. Nhưng đây lại là lợi thế của Việt Nam.

Xe điện là cơ hội vàng để Việt Nam viết lại kịch bản ngành công nghiệp ô tô - Ảnh 1.

Tiến sĩ Đàm Hoàng Phúc cho rằng Việt Nam cần tận dụng cơ hội phát triển xe điện

 Chúng ta chưa có gì cả, không có gì để mất. Nếu Việt Nam không làm xe điện, chúng ta sẽ thành vùng trũng bởi nhu cầu đi lại luôn luôn có, không phải vì không có xe điện mà không đi xe. Chúng ta sẽ phải quay lại đi xe xăng, khi đó, xe xăng từ khắp thế giới đổ về. Do vậy, Việt Nam cần có chính sách phát triển xe điện. Cơ hội của Việt Nam là đây. Chính sách cần tạo thị trường, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, mời "đại bàng" đến Việt Nam "đẻ trứng". Thực tế trên thế giới, những nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển đều thúc đẩy các ngành công nghiệp khác đi kèm. Đây là cơ hội vàng để chúng ta viết lại kịch bản ngành công nghiệp ô tô".

Ông Phúc phân tích, khi so sánh các loại xe khác nhau về quá trình sản xuất, giá thành, khí thải, xe điện đều sở hữu những ưu điểm vượt trội hơn. Xe điện có mô tơ nhỏ gọn hơn, nên có thể tận dụng không gian phía trước để chứa đồ, không gian ghế ngồi sẽ được thiết kế rộng rãi hơn so với các dòng xe động cơ đốt trong truyền thống cùng kích thước. Có thể thiết kế chiều dài cơ sở dài hơn, trọng tâm thấp hơn so với các xe truyền thống cùng phân khúc xe điện sẽ mang lại tính ổn định khi ôm cua, cảm giác đánh lái an toàn hơn.

Bên cạnh đó, xe điện tăng tốc tốt hơn. Không còn động cơ đốt trong và hộp số, chi phí chăm sóc bảo dưỡng định kỳ sẽ giảm vì không còn phải thay dầu, lọc dầu, lọc xăng, lọc gió. Hệ thống phanh xe điện thường có thêm bộ trợ lực điện, phanh tái tạo, hai hệ thống này sẽ được điều khiển tối ưu kết hợp với ABS để tạo ra hiệu quả phanh tốt hơn so với xe truyền thống ở một số tình huống nguy hiểm. Sản xuất xe điện dễ hơn và nhanh hơn rất nhiều.

Ngoài ra, pin cho xe điện đang giảm giá nhanh. Năm 2010, giá 1 kWh là  900 USD, đến 2017 chỉ còn 200 USD và dự báo giá 1 kWh năm 2030 xuống 73 USD. Đây là động lực lớn cho xe điện bùng nổ trong tương lai gần. "Người Việt Nam rất thích công nghệ nên thị trường trong nước nhanh chóng đón nhận và quan tâm đến những mẫu xe chạy điện. Đây là lợi thế của thị trường Việt Nam", ông Đàm Hoàng Phúc nhận định.

Xe điện là cơ hội vàng để Việt Nam viết lại kịch bản ngành công nghiệp ô tô - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban hoạch định chiến lược Toyota Việt Nam

 Cùng quan điểm với ông Phúc, Trưởng ban hoạch định chiến lược Toyota Việt Nam Nguyễn Trung Hiếu cũng khẳng định xe điện là xu hướng không thể đảo ngược.

Ông Hiếu nói: "Dự báo đến 2030, thị trường Việt Nam có doanh số tiêu thụ 1 triệu xe 1 năm, gấp 3 lần hiện tại. Số người chấp nhận xe điện sẽ cao hơn. Việc vận hành cũng thuận lợi hơn cho người dùng. Đây là xu thế không thể đảo ngược, vấn đề chỉ là thời gian. Toyota hiện nay có trong tay đầy đủ công nghệ, nhưng cần nghiên cứu để triển khai phù hợp với thực trạng, tiềm năng phát triển của mỗi quốc gia. 

Việc phát triển xe điện phụ thuộc rất lớn vào chính sách. Hồi tháng 3, Thái Lan ban hành chính sách quốc gia về phát triển xe điện. Các hãng xe cũng đang xếp hàng để đầu tư vào Indonesia, chờ Chính phủ nước này ban hành định hướng phát triển vào tháng 10 tới. Đây là vấn đề cạnh tranh quốc gia. Tập đoàn chúng tôi nhận định xe điện là sự thay đổi 100 năm mới có 1 lần".

Đại diện Toyota nhìn nhận lại lịch sử phát triển và khẳng định xe điện là tương lai của ngành công nghiệp xe hơi.

"Thời gian trước, công nghệ xe điện chưa phát triển trong khi động cơ xăng có giá rẻ, đáp ứng được nhu cầu người dùng, trở nên phổ biến. Tuy vậy, vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước, khủng hoảng xăng dầu nổ ra, nhà sản xuất phải tìm công nghệ mới. Nhiêu liệu hoá thạch cạn kiệt, giá xăng dầu tăng. Khí hậu toàn cầu nóng lên do chất thải tăng, một phần vì động cơ đốt trong. Tập trung số lượng lớn các xe phát thải lớn ở các thành phố dẫn tới ô nhiễm. Các hãng tìm cách nghiên cứu để điện hoá các dòng xe đốt trong và trình làng nhiều giải pháp", ông Hiếu cho biết thêm.

Tại Việt Nam, Toyota và Vinfast là hai hãng tiên phong giới thiệu xe hybrid và xe điện ra thị trường. Tháng 8/2020, xe hybrid Corolla Cross 1.8HV trình làng. Đầu năm nay, ba mẫu VF e34, VF e35, VF e36 cũng được Vinfast giới thiệu và nhận đặt hàng ở thị trường trong nước.

Theo Bảo Nhi

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên