MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xe điện Trung Quốc trỗi dậy: Bắt thương hiệu ngoại hoạt động dưới mác liên doanh, tự thiết kế, sản xuất từ A-Z khiến Porsche, BMW vỡ mộng bá chủ

18-04-2023 - 12:00 PM | Thị trường

Trung Quốc đang duy trì thế thắng so với các đối thủ cạnh tranh đa quốc gia.

Xe điện Trung Quốc trỗi dậy: Bắt thương hiệu ngoại hoạt động dưới mác liên doanh, tự thiết kế, sản xuất từ A-Z khiến Porsche, BMW vỡ mộng bá chủ - Ảnh 1.

Trong nhiều năm, các thương hiệu nước ngoài đã thu hút được rất nhiều người tiêu dùng Trung Quốc sính ngoại, trong đó có gia đình anh Cao ở Thượng Hải. Tuy nhiên, thực tế này giờ đây đã khác.

Anh Cao và vợ, Rachel, đã quyết định bán một trong hai chiếc Porsche và mua chiếc xe điện đầu tiên trong đời - dòng xe thể thao đa dụng trị giá 70.000 USD do một công ty tự thiết kế và sản xuất ngay tại Trung Quốc có tên Li Auto.

“Ngồi trong một chiếc Li Auto, cảm giác đầu tiên là sự sang trọng”, Cao nói.

Sự gia tăng nhanh chóng của các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc, chẳng hạn như Li Auto, BYD, Nio và Xpeng Motors, chính là mối bận tâm của các giám đốc điều hành, kỹ sư và nhà thiết kế khi đến Thượng Hải dự triển lãm ô tô. Đây hiện là thị trường xe hơi lớn nhất thế giới - nơi “đội chủ nhà” đang duy trì thế thắng so với các đối thủ cạnh tranh đa quốc gia vốn từng khai thác được nguồn khách hàng khổng lồ của Trung Quốc. Cách những người mua như Cao và các công ty xe hơi của Trung Quốc đón đầu xu hướng xe điện nhanh hơn nhiều so với hầu hết mọi dự đoán.

Sự trỗi dậy của các công ty ô tô Trung Quốc, vốn được nhận trợ cấp từ chính quyền địa phương, là ví dụ điển hình cho sự thống trị đối với ô tô điện. Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất, bán và xuất khẩu hầu hết xe điện trên thế giới. Sức mạnh lớn đến nỗi đã có thể sản xuất hầu hết tất cả các động cơ, tinh chế hóa chất sử dụng cho pin lithium và đi đầu trong việc phát triển thế hệ công nghệ tiếp theo: pin natri.

Theo New York Times, hơn 80% ô tô điện được bán ở Trung Quốc năm ngoái được sản xuất trong nước. Mùa thu năm ngoái, họ đã vượt các công ty đa quốc gia khi xét tới tổng số lượng các xe chạy xăng hoặc điện bán ra mỗi tháng.

Xe điện Trung Quốc trỗi dậy: Bắt thương hiệu ngoại hoạt động dưới mác liên doanh, tự thiết kế, sản xuất từ A-Z khiến Porsche, BMW vỡ mộng bá chủ - Ảnh 2.

Trung Quốc đang duy trì thế thắng so với các đối thủ cạnh tranh đa quốc gia.

“Thị phần của các công ty đa quốc gia tại Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục giảm trước sự phát triển không ngừng của các nhà sản xuất ô tô trong nước, đặc biệt là trong phân khúc ô tô điện”, Stephen W. Dyer, Giám đốc điều hành tại văn phòng Thượng Hải của công ty tư vấn Alix Partners, cho biết.

Gặp vấn đề tại thị trường Trung Quốc, các thương hiệu xe ngoại đành quay trở về quê hương, đồng thời tập trung vào phân khúc châu Âu và Mỹ. Liên minh Châu Âu và California muốn các nhà sản xuất ô tô chỉ bán các loại xe không phát thải vào năm 2035. Chính quyền ông Joe Biden cũng đã đề xuất các quy tắc về khí thải, yêu cầu khoảng 2/3 ô tô chở khách mới bán tại Mỹ phải chạy điện vào năm 2032 - tiêu chuẩn mà một số nhà sản xuất cho là quá nghiêm ngặt.

Ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ như Tesla, vốn được Trung Quốc hoan nghênh vào năm 2018 nhờ công nghệ mới, Bắc Kinh buộc các công ty nước ngoài phải hoạt động thông qua hình thức liên doanh với nhà sản xuất ô tô trong nước. Kết quả của quá trình kéo dài suốt 4 thập kỷ qua là một bộ phận khổng lồ các kỹ sư ô tô Trung Quốc lành nghề, chuyên môn cao.

Theo The New York Times, Ford Motor đã bán được 1 triệu ô tô và xe tải hạng nhẹ tại Trung Quốc vào năm 2016 song chỉ đạt 400.000 chiếc vào năm ngoái. Hyundai Motor, gã khổng lồ Hàn Quốc, đã bán được 1,8 triệu ô tô tại Trung Quốc vào năm 2016 nhưng cũng chỉ trao tay được 385.000 chiếc vào năm ngoái.

Xe điện Trung Quốc trỗi dậy: Bắt thương hiệu ngoại hoạt động dưới mác liên doanh, tự thiết kế, sản xuất từ A-Z khiến Porsche, BMW vỡ mộng bá chủ - Ảnh 3.

Bắc Kinh buộc các công ty nước ngoài phải hoạt động thông qua hình thức liên doanh với nhà sản xuất ô tô trong nước.

General Motors, từng cạnh tranh với Volkswagen của Đức để giành vị trí dẫn đầu thị trường, đã chứng kiến doanh số bán hàng tại Trung Quốc giảm tới 50%. Hãng này sẽ còn tồi tệ hơn nếu không có Wuling, một liên doanh nơi GM nắm giữ 44% cổ phần. Được biết Wuling bán xe bán tải và xe tải nhỏ giá rẻ từ 4.800 đến 21.800 USD.

Thị phần các công ty ô tô nội địa Trung Quốc đã tăng lên 52% trong quý IV/2022, phần lớn là do doanh số bán xe điện tăng mạnh. Thương hiệu nổi trội nhất là BYD, nơi tỷ phú Warren E. Buffett rót vốn sớm. Hãng này hiện nắm giữ 10,3% thị trường ô tô, đồng thời thế chân Volkswagen trở thành thương hiệu dẫn đầu Trung Quốc.

Cao, một người từng là fan hâm mộ của Porsche, giờ đây cũng coi hầu hết các thiết kế ngoại là buồn tẻ. “Họ còn thua xa, bất kể đó là Mỹ hay thậm chí là Đức”.

Trước đây, câu lạc bộ gồm 350 thành viên người Trung Quốc của Cao rất thích phiên bản Sport Turismo của Porsche Panamera. Tuy nhiên, 50 người trong số đó đã chuyển sang dòng thể thao đa dụng Li Auto L9.

Theo các chuyên gia, ngay cả việc điều động vị trí tổ chức triển lãm ô tô như ở Thượng Hải cũng đã thay đổi. Vài năm gần đây, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc luôn cố gắng đứng gần với các thương hiệu đa quốc gia như Mercedes-Benz, với kỳ vọng rằng người tiêu dùng đến xem mẫu mã ngoại sẽ có thể vô tình nhìn thấy các thương hiệu địa phương.

Xe điện Trung Quốc trỗi dậy: Bắt thương hiệu ngoại hoạt động dưới mác liên doanh, tự thiết kế, sản xuất từ A-Z khiến Porsche, BMW vỡ mộng bá chủ - Ảnh 4.

Không có thương hiệu nước ngoài nào lọt danh sách 10 nhà sản xuất ô tô hàng đầu trong phân khúc xe năng lượng mới (NEV) trong năm 2022 tại Trung Quốc.

“Các công ty Trung Quốc có những chiếc xe điện chạy bằng pin hot nhất. Các nhà sản xuất ô tô nước ngoài đã bị lu mờ hào quang”, Bill Russo, cựu giám đốc điều hành của Chrysler China cho biết.

Theo số liệu của Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc, không có thương hiệu nước ngoài nào lọt danh sách 10 nhà sản xuất ô tô hàng đầu trong phân khúc xe năng lượng mới (NEV) trong năm 2022, ngoại trừ hãng xe điện Tesla tiên phong của Mỹ. Tất cả đều “made in China’’, từ BYD, Wuling cho đến Chery và Xpeng.

Dự báo về những thách thức mà các nhà sản xuất ô tô truyền thống đang phải đối mặt, Giám đốc điều hành Nissan, ông Makoto Uchida cho biết, một số thương hiệu "có thể sẽ biến mất trong 3-5 năm tới" tại Trung Quốc đại lục.

Trong khi đó, các thương hiệu địa phương lại đang dần lớn mạnh. Theo ông Uchida, cựu Giám đốc Nissan chi nhánh Trung Quốc, chất lượng các loại xe điện “made in China’’ đang cải thiện nhanh chóng. Rất nhiều tiến bộ được ghi nhận chỉ trong khoảng thời gian ngắn chỉ vỏn vẹn vài tháng trời.

“Sẽ có rất nhiều sự thay đổi ở Trung Quốc và chúng tôi cần theo dõi tình hình một cách cẩn thận. Các nhà sản xuất ô tô phải nhanh nhạy trong việc thiết kế, phát triển và sớm tung ra các mẫu xe mới. Nếu giảm tốc, chúng tôi sẽ bị tụt lại phía sau’’, ông Uchida nói.

Theo: The New York Times, Reuters

Theo Vũ Anh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên