Xe quá tải cày suốt đêm, đường trăm tỷ sụt như sống trâu sau 2 tháng
Dù mới được nghiệm thu vào cuối tháng 4 nhưng Dự án xử lý cấp bách đê sông Chu (Thanh Hóa) đã hư hỏng, xuống cấp. Mặt đường nhựa bong tróc, nhựa dồn về bên đường tạo nên những ổ voi, luống cày khiế...
Dự án xử lý cấp bách đê điều bị sự cố do ảnh hưởng của bão lũ năm 2017 trên địa bàn huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa (Ban QLDA) làm chủ đầu tư.
Trong đó có 6 công trình xử lý cấp bách đê tả, hữu sông Chu với tổng kinh phí 150 tỷ đồng vừa được hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ cuối tháng 4/2020.
Tuy nhiên, công trình này đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Đặc biệt là đoạn từ K16+700 đến K24+142 thị trấn Thọ Xuân (trước đây là xã Hạnh Phúc), và tại K24+500 đến K25+300 đoạn qua xã Xuân Hồng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Đê tả, hữu sông Chu vừa nghiệm thu, hoàn thành cuối tháng 4 đã hư hỏng xuống cấp.
Ghi nhận tại hiện trường, mặt đê có tổng chiều dài khoảng 2km bị hư hỏng, xuống cấp. Mặt đường nhựa bị bong tróc, sụt lún, biến dạng, tạo thành những ổ voi, luống cày. Nhựa dồn về 2 bên lề đường tạo thành những con lươn khổng lồ... gây khó khăn và nguy hiểm cho người dân khi qua lại.
Nhiều đoạn mặt đê được láng nhựa sụt lún, biến dạng hình sống trâu.
Ông Lê Khắc Thanh (62 tuổi, ở thôn Liên Phô, xã Xuân Hồng, huyện Thọ Xuân) cho biết: “Con đường đê này vừa làm xong vào cuối tháng 4 vừa qua nhưng đến thời điểm hiện tại đã hư hỏng như vậy. Ở đây xe tải trọng lớn chở cát chạy suốt ngày đêm (chủ yếu chạy đêm)”.
Theo Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT, các đơn vị thi công thiết kế công trình kết cấu láng nhựa cho phép xe có tải trọng không quá 12 tấn.
Đường trăm tỷ, hơn 10 năm vẫn chưa thể bàn giao
Nhưng hiện nay, tại 6 công trình đê tả, hữu sông Chu, tình trạng xe quá tải trọng từ 20 - 30 tấn thường xuyên lưu thông trên mặt đê đã làm nhiều đoạn mặt đê láng nhựa bị hư hỏng nghiêm trọng.
Ban QLDA đã nhiều lần có văn bản gửi UBND huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa và các cơ quan chức năng liên quan có biện pháp ngăn ngừa và xử lý các xe quá tải trọng đi trên đê.
Ngày 29/5, Ban QLDA cũng đã báo cáo và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét chỉ đạo các cơ quan này tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, dứt điểm tình trạng xe quá tải trọng lưu thông trên mặt đê.
Sau khi nhận được Công văn của Ban QLDA, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Công an tỉnh, Sở GTVT, Sở TN&MT, UBND các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa theo chức năng nhiệm vụ được giao tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng các phương tiện quá tải trọng hoạt động trên các tuyến đê thuộc địa phận 2 huyện trên và các tuyến đường giao thông, bảo đảm kết cấu hạ tầng đê điều, các tuyến giao thông trên khu vực.
Văn bản của UBND tỉnh về việc tăng cường xử lý xe quá tải trọng trên các tuyến đê, đường giao thông qua huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa và các đơn vị liên quan kiểm tra việc thực hiện cam kết không vận chuyển quá tải của doanh nghiệp khai thác cát dọc sông Chu trên địa bàn 2 huyện.
Một số hình ảnh PV ghi lại trên tuyến đê tả, hữu sông Chu hư hỏng nặng ngay khi mới đưa vào sử dụng:
Mặt đê bong tróc hết phần nhựa.
Nhựa dồn về phía 2 bên mép đê.
Tại mặt đê có hàng chục điểm hư hỏng, xuống cấp.
Ổ voi nối tiếp nhau, kéo dài suốt đoạn đường gần 2km.
Mặt đê chia thành 3 cấp sụt lún, gồ ghề khác nhau.
Mặt đê sụt lún sâu
Nhựa dồn về mép đê cao gần cả mét.
Mặc dù đã có barie và biển báo hạn chế tải trọng nhưng xe tải lớn vẫn chạy suốt đêm.
Hiện nay cơ quan chức năng đang vào cuộc để xử lý tình trạng trên.
Infonet