Xe tay ga vẫn bị làm giá
Nhiều bậc phụ huynh đi tìm mua xe máy cho con chuẩn bị vào đại học, cao đẳng vẫn bị các đại lý báo giá trên trời dù không phải mùa cao điểm mua sắm.
- 08-07-2019Thu giữ gần 1.000 sản phẩm linh kiện xe máy nghi giả mạo nhãn hiệu Honda và Yamaha
- 03-07-2019Xe máy hot giảm sâu, giá chạm đáy mới kỷ lục
- 16-06-2019Sôi động thị trường xe máy phân khối nhỏ
Bà Lê Cẩm Lệ (quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết vừa ra đại lý của Honda để tìm mua chiếc xe tay ga cho con gái sắp vào đại học nhưng thấy chiếc nào giá cũng cao hơn công bố của hãng. Như chiếc SH Mode bà coi trên mạng thấy giá đề xuất 57 triệu nhưng giá bán lẻ tới gần 69 triệu đồng; chiếc SH 125 có ABS giá đề xuất 76 triệu đồng nhưng giá lẻ lên đến 84-89 triệu đồng, chiếc SH 150 ABS đen mờ cao cấp hơn có giá bán lẻ tới 105,5 triệu đồng trong khi giá đề xuất của hãng chỉ có 91,5 triệu đồng. Những mẫu tay ga bình dân của Honda như Vision, Lead, Air Blade cũng được đại lý đẩy lên cao hơn 1-2 triệu đồng so với giá đề xuất, nếu tính thêm phí, thuế các loại có thể cao hơn tới 4-5 triệu đồng.
Các hãng xe máy khác như Yamaha, Suzuki… cũng có chênh lệch giá một vài triệu đồng với những mẫu xe mới ra. Như dòng xe ga FreeGo của Yamaha vừa ra mắt gần đây có giá bán lẻ từ 33,5-39,5 triệu đồng, cao hơn giá đề xuất khoảng 1 triệu đồng. Hay mẫu xe được tiêu thụ mạnh của Yamaha là Exciter đang được bán lẻ từ 47-50 triệu đồng, cao hơn giá đề xuất khoảng 2 triệu đồng.
Các dòng xe tay ga của Honda luôn được bán với giá cao hơn rất nhiều so với đề xuất của hãng
Theo giới kinh doanh xe máy, việc giá bán ở đại lý chênh với hãng, nhất là với các dòng xe ăn khách của Honda không phải mới, nhiều người còn xem đây là chuyện bình thường, thuận mua vừa bán. Một số đại lý của Honda cho biết do hãng chỉ cung cấp một lượng xe tay ga nhất định, muốn lấy thêm phải kèm các dòng xe số vì xe ga đang được ưa chuộng hơn so với xe số. Chẳng hạn đại lý phải tiêu thụ 10 xe số mới được cung cấp 1 xe ga, cứ thế nhân lên. Do đó, cửa hàng phải nỗ lực tiêu thụ xe số bằng cách giảm giá bán dưới giá đề xuất của hãng và đẩy giá xe tay ga lên để bù vào.
Trò chuyện với phóng viên, ông Thành, kinh doanh xe máy ở quận 5, TP HCM, cho biết đại lý cũng muốn giảm giá xe tay ga để tiếp cận được nhiều khách hàng hơn nhưng chính sách của hãng như vậy, nếu bán theo giá đề xuất chắc chắn sẽ lỗ vì xe số bán rất chậm.
Vì không thích cách "làm giá" của Honda từ trước đến nay mà bà Trần Vân An (ngụ quận 1, TP HCM) cho biết hiện cả nhà bà chỉ mua xe của hãng Piaggio dù cao nhưng không có chuyện bị đẩy giá. Tương tự, ông Nguyễn Công Trí (quận 8, TP HCM) bức xúc chuyện xe Honda chênh giá nhưng ông phải "bấm bụng" mua xe Honda vì ưu điểm độ bền cao và tiết kiệm. Trong khi đó, ông Trịnh Đạt Quang (quận Tân Phú, TP HCM) cho rằng các đại lý xe máy "ăn" chênh lệch giá như thời gian qua là không chấp nhận được, vi phạm Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đề nghị nhà nước phải có biện pháp chấn chỉnh.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, các hãng xe máy cho biết họ không quản được giá bán lẻ của các đại lý mà chỉ đưa ra giá đề xuất vì các đại lý không trực thuộc hãng, họ là doanh nghiệp có pháp nhân riêng. Còn lãnh đạo Honda Việt Nam hứa sẽ kéo giá chênh lệch giữa đại lý và giá đề xuất xuống ngay trong năm nay bằng cách tăng sản lượng các dòng xe tay ga, tạo ra nguồn cung lớn, không để tình trạng khan hàng đội giá như hiện nay.
Người lao động