MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xe Việt chất lượng kém xe ngoại, nhập siêu ôtô sẽ đạt kỷ lục 3,4 tỷ USD

22-08-2019 - 08:50 AM | Thị trường

Bộ Công Thương cho rằng chất lượng xe lắp ráp và sản xuất trong nước vẫn kém xe nhập ngoại và dự báo nhập siêu ngành ôtô có thể lên mức kỷ lục 3,4 tỷ USD trong năm nay...

Báo cáo của Bộ Công Thương 6 tháng đầu năm 2019 khẳng định ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 2 năm trở lại đây. Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ…

Chất lượng xe trong nước vẫn kém nhập khẩu

Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, sản lượng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước từ năm 2017 đến nay có xu hướng tăng trưởng. Cụ thể 6 tháng năm 2017 số xe lắp ráp, sản xuất trong nước đạt 258.733 chiếc, năm 2018 đạt 258.116 chiếc và 6 tháng năm 2019 số lượng đạt 131.089 chiếc.

"Công nghiệp ôtô là ngành đóng vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Ngành công nghiệp ôtô phát triển sẽ đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng cao của nhân dân khi thu nhập trên đầu người vượt ngưỡng 3.000 USD/năm, đồng thời có tác động lan tỏa, lôi kéo phát triển nhiều ngành kinh tế, kỹ thuật khác, giảm nhập siêu, ổn định kinh tế vĩ mô", Bộ Công Thương nhận định.

Hiện nay, trong nước có khoảng hơn 170 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 500.000 xe/năm. Có nhiều hãng lớn có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước. Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ôtô toàn cầu.

Các chủng loại xe tải nhẹ dưới 7 tấn, xe khách từ 25 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đạt mục tiêu đề ra, đáp ứng cơ bản nhu cầu thị trường nội địa. Đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD/năm.

Tuy vậy, Bộ Công Thương cho rằng ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ôtô; phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ôtô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động.

"Ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ôtô thực sự. Chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ôtô và sản xuất phụ tùng linh kiện. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa bằng chất lượng xe nhập khẩu", Bộ Công Thương thẳng thắn.

Đặc biệt, theo Bộ Công Thương, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi thấp hơn mục tiêu đề ra, đồng thời thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như săm, lốp ôtô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa…

Về nguyên nhân, Bộ Công Thương cho rằng một quy mô thị trường ôtô Việt Nam còn quá nhỏ, trong khi ngành công nghiệp ôtô phát triển dựa vào lợi thế quy mô; Số lượng doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô quá nhiều so với quy mô thị trường. GDP bình quân đầu người giai đoạn vừa qua chưa đủ để đa số người dân có thể sở hữu ôtô.

Năng lực công nghiệp trong nước (đặc biệt là ngành công nghiệp hỗ trợ) chưa phát triển khiến các doanh nghiệp khó có thể tăng cường tỷ lệ nội địa hoá để cắt giảm chi phí sản xuất.

Bên cạnh đó, các loại thuế, phí đối với sản phẩm ôtô chưa thực sự hợp lý, chưa tạo thuận lợi cho đa số người dân sở hữu ôtô. Các chính sách liên quan đến ngành chậm ban hành so với các nước trong khu vực làm mất cơ hội thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, chính sách trong nước chưa ổn định và đồng bộ, do đó chưa tạo được bước đột phá cho việc phát triển ngành.

Cạnh tranh gay gắt 

Bộ Công Thương nhận định thị trường ô tô trong nước vài năm gần đây tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng. Với tốc độ tăng trưởng ổn định của thị trường xe con dưới 9 chỗ như hiện nay (trung bình 20 - 30%/năm), đến năm 2020, Việt Nam sẽ sớm vượt Philippines cả về sản xuất và bán hàng.

Tiềm năng phát triển công nghiệp ôtô phụ thuộc vào 3 yếu tố là quy mô và cơ cấu dân số, mức thu nhập bình quân đầu người, và số xe trung bình/1000 dân. Tại Việt Nam, xu thế ôtô hóa dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới, khi GDP bình quân đầu người vượt 3.000 USD và số xe trung bình trên 1.000 dân đạt 50 xe.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, là khách hàng tiêu dùng lớn tiềm năng của xe cá nhân. Dự kiến nhu cầu tiêu thụ ôtô sẽ bùng nổ trong giai đoạn đến năm 2025.

Tuy vậy, sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm nhập khẩu đặc biệt là ôtô từ các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia và trong vòng 7 – 10 năm tới là các sản phẩm ôtô từ các quốc gia thành viên của Hiệp định CPTPP và EVFTA.

Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến 30/6, nhập khẩu ôtô đạt 75.438 chiếc trị giá 1,68 tỷ USD, tăng 513% về số lượng và tăng hơn 413% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống đạt 54.927 chiếc, tăng 652%.

"Dự kiến nhập siêu ngành ôtô năm nay sẽ đạt mức kỷ lục hơn 3,4 tỷ USD. Trong những năm tiếp theo, kim ngạch nhập khẩu ôtô sẽ tiếp tục tăng theo nhu cầu sử dụng ngày càng cao trong nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất ôtô nội địa và cán cân thương mại", Bộ Công Thương nhận định.

Bên cạnh đó, một số quốc gia trong khu vực như Indonesia và Thái Lan đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà sản xuất ôtô lớn trên thế giới, từ đó cơ hội thu hút các hãng ôtô đầu tư sản xuất lớn ở Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh sức ép từ các quốc gia đi trước, Việt Nam sẽ còn phải chịu sự cạnh tranh từ sự phát triển của các nước đi sau trong khu vực (Myanma, Lào, Campuchia).

Bộ Công Thương cho rằng để phát triển sản xuất, lắm ráp ôtô trong nước cần ban hành các chính sách mới tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh các dự án lớn về sản xuất, lắp ráp ôtô của các doanh nghiệp lớn, thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có qui mô lớn có kèm theo chuyển giao và làm chủ công nghệ tại Việt Nam.

Nghiên cứu sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước, với thời hạn của chính sách là từ 5-10 năm.

Đồng thời, ban hành chính sách ký quỹ xử lý sản phẩm ôtô thải bỏ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao giá trị gia tăng ngành công nghiệp ôtô. Sửa đổi các chính sách về thuế, chú trọng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi, hỗ trợ khác của Chính phủ để thu hút các dự án đầu tư sản xuất ôtô điện bao gồm cả chính sách cho người mua.

Theo Bạch Huệ

Vneconomy

Trở lên trên