MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xén một đồng môi trường, trả giá cả ngàn tỉ

11-05-2016 - 07:32 AM | Xã hội

Nhiều công cụ quan trắc, giám sát về môi trường đã và đang sử dụng nhưng thực tế hiệu quả còn thấp.

“Không nên tham nhũng với môi trường vì bây giờ ăn một đồng thì tương lai phải trả giá hàng ngàn tỉ đồng”. GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, chia sẻ như thế tại buổi tọa đàm liên quan đến chất thải công nghiệp do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức hôm 10-5 ở Hà Nội.

Quản lý xả thải lỏng lẻo

GS Đặng Hùng Võ cho rằng quản lý chất thải công nghiệp đang có vấn đề. Ông dẫn ra câu chuyện môi trường ở các dự án Khu kinh tế Vũng Áng Hà Tĩnh, trong đó có Formosa khi bộ trưởng và thứ trưởng Bộ TN&MT có những phát ngôn khác nhau. Theo đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng pháp luật hiện hành của Việt Nam không cho phép đặt đường ống xả thải ngầm ra biển. Ngược lại, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân lại khẳng định việc xả thải ngầm của Formosa là đúng quy định.

“Vậy thông tin mà Thứ trưởng Nhân đưa ra dựa vào đâu? Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), nước thải dự án Formosa sẽ xả ra sông Quyền nhưng khi đi xây dựng, vận hành lại đổ ra biển. Vậy Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh ở đâu trong quá trình xây dựng dự án?” - GS Võ đặt vấn đề.

Theo vị này, nếu nước thải xả ra sông Quyền thì có thể kiểm soát ô nhiễm môi trường tốt hơn xả ra biển. Ông nói: “Câu chuyện kiểm soát ở đây đang có cái gì thiếu sót. Giám sát hay không thì tôi tin Sở TN&MT phải biết. Dư luận có quyền đặt câu hỏi có tham nhũng ở đây hay không? Đường ống xả thải ra sông khác ra biển vì ra sông còn có biện pháp ngăn lại được nhưng ra biển thì không nếu có sai lầm”.

Theo ông Võ, một dự án có quy mô lớn như Formosa mà cơ quan quản lý môi trường ở Hà Tĩnh lại không giám sát thường xuyên, không kết nối giữa trung ương và địa phương để nắm tình hình. Nói cách khác, Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh chưa làm hết trách nhiệm trong quản lý. Ông Võ cũng cho rằng dù chưa có chứng cứ nhưng công luận có thể đặt ra nghi vấn chuyện lót tay để làm lơ cho chủ đầu tư xây dựng hệ thống xả thải ra biển.

Hiệu quả giám sát còn thấp

GS Võ nhận định các khu kinh tế mới thiên về yếu tố phát triển kinh tế chứ chưa đề cập tới vấn đề bảo vệ môi trường. Ngoài ra, trong quy hoạch thì chúng ta nóng lòng tăng trưởng kinh tế mà quên đi yếu tố môi trường. “Ngành công nghiệp thép, nhiệt điện đặt ven biển sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường biển” - GS Võ nhận định.

Là người vừa tham gia đoàn công tác liên ngành kiểm tra môi trường ở Vũng Áng, ông Nguyễn Xuân Sinh, Cục phó Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), cho biết tính đến nay Formosa đã nhập 384 tấn hóa chất, trong số hóa chất này chủ yếu để súc rửa đường ống có tạp chất dầu mỡ.

Ông Sinh cho hay chúng ta có nhiều văn bản quy định liên quan đến môi trường nhưng vô cùng phức tạp. Bên cạnh đó, dù sử dụng nhiều công cụ quan trắc, giám sát nhưng thực tế hiệu quả còn thấp. “Các doanh nghiệp lắp hệ thống quan trắc online tự động nhưng cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể theo dõi, kiểm soát. Bởi trong nước thải có rất nhiều thành phần, mỗi mẫu thành phần cần phân tích vài ngày mới có kết quả chuẩn xác” - ông Sinh phân tích.

Do vậy, ông Sinh đề xuất cơ quan môi trường nên tính đến phương án xây dựng bộ phận giám sát môi trường trung gian với tiêu chí thông số dễ nhận biết như màu sắc, mùi vị nước thải. Điều này sẽ giúp người dân sống xung quanh cũng có thể nhìn thấy bằng mắt, cảm nhận bằng mũi thông số quan trắc.

Những doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, châu Âu có ý thức tuân thủ về quy trình xả thải tốt. Nhưng các doanh nghiệp đến từ châu Á, trong đó có Trung Quốc, Đài Loan... ý thức kém hơn nhiều.

Bên cạnh đó, việc đầu tư cho hệ thống xử lý chất thải chiếm chi phí rất cao, xây dựng đắt đỏ, vận hành khó khăn nên có những nhà máy ban ngày cho vận hành hệ thống xử lý thải nhưng tối cho xả trộm.

Ông NGUYỄN XUÂN SINH, Cục phó Cục Hóa chất,

Bộ Công Thương

Theo Trà Phương

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên