MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

XÉT XỬ VỤ ÁN TẠI TRUNG TÂM CÔNG NGHỆ SINH HỌC TP HCM: AIC Group gây thiệt hại 94,6 tỉ đồng

11-07-2024 - 08:09 AM | Doanh nghiệp

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn với vai trò chủ mưu đã chỉ đạo thành lập các công ty "quân xanh", "quân đỏ" để gian lận đấu thầu mua sắm thiết bị, gây thiệt hại hơn 94,6 tỉ đồng

Ngày 10-7, TAND TP HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ sai phạm đấu thầu mua sắm thiết bị cho 12 phòng thí nghiệm thuộc dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị của Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM (CNSH) thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM. Phiên xử dự kiến tuyên án vào ngày 12-7.

Thông đồng để trục lợi

Trong 14 bị cáo bị đưa ra xét xử có 4 bị cáo đang bị truy nã. Trong đó, Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tiến bộ quốc tế - Công ty AIC) bị xét xử vắng mặt.

Công ty AIC được thành lập từ năm 2005, là doanh nghiệp kinh doanh nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành, nghề về khoa học và công nghệ. Với quy mô hoạt động rộng lớn và tầm ảnh hưởng đáng kể, AIC đã tham gia nhiều dự án lớn sử dụng ngân sách tại nhiều địa phương trên cả nước.

Tuy nhiên, sau khi nhiều vụ sai phạm liên quan bị phanh phui đã chứng minh rằng doanh nghiệp này thường xuyên thông đồng với các cán bộ nhà nước để thực hiện các hành vi không minh bạch, gây thất thoát lớn cho ngân sách. Với vai trò lãnh đạo AIC, bà Nhàn đã sử dụng các biện pháp phi pháp để bảo đảm AIC luôn giành được các hợp đồng béo bở trong các dự án này. Hệ quả pháp lý đã dẫn đến nhiều phiên tòa lớn, nhiều cán bộ nhà nước và lãnh đạo các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trong vụ án liên quan dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị 12 phòng thí nghiệm chuyên ngành công nghệ sinh học, bị cáo Nhàn với vai trò chủ mưu đã chỉ đạo thành lập các công ty "quân xanh", "quân đỏ" để gian lận đấu thầu, gây thiệt hại hơn 94,6 tỉ đồng cho nhà nước.

Dự án này được UBND TP HCM chấp nhận chủ trương đầu tư xây dựng từ năm 2006. Đến năm 2014, dự án được Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt với tổng vốn đầu tư hơn 488 tỉ đồng, trong đó chi phí mua thiết bị trị giá hơn 425 tỉ đồng. Năm 2017, dự án được phê duyệt điều chỉnh thành 23.703 thiết bị, trị giá hơn 468 tỉ đồng (nguồn tăng thêm lấy từ chi phí dự phòng và chi phí khác nhưng không thay đổi tổng mức đầu tư). Dự án được phân làm 3 giai đoạn với 10 gói thầu mua sắm thiết bị. Giai đoạn 1 (năm 2015) thực hiện 4 gói thầu, giai đoạn 2 (năm 2018) thực hiện 3 gói thầu, giai đoạn 3 (năm 2018-2019) thực hiện 3 gói thầu.

Bị cáo Dương Hoa Xô, cựu giám đốc Trung tâm CNSH, trình bày vụ án bắt đầu từ "cuộc gặp gỡ định mệnh" giữa ông và Nguyễn Thị Thanh Nhàn vào khoảng tháng 4-2014 tại lễ khánh thành Trung tâm nuôi cấy mô thực vật do trung tâm này tổ chức. Tại đây, Nhàn đề nghị Xô tạo điều kiện cho Công ty AIC tham gia dự án và trúng thầu. Đổi lại, Công ty AIC sẽ gửi quà cảm ơn cho Xô và các nhân viên liên quan. Xô nói bị cáo hiểu rằng Nhàn muốn tạo điều kiện để Công ty AIC trúng thầu và sẽ chi "tiền cảm ơn".

Các bị cáo tại phiên xét xử

Các bị cáo tại phiên xét xử

Chi 14,4 tỉ đồng để "cảm ơn"

Sau cuộc gặp này, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chỉ đạo các lãnh đạo và nhân viên của Công ty AIC như Trần Mạnh Hà, phó tổng giám đốc và Trần Đăng Tấn, trưởng văn phòng đại diện tại TP HCM, sử dụng các công ty thuộc hệ sinh thái của AIC để liên danh và bảo đảm trúng thầu. Các bị cáo đã làm việc trực tiếp với các cá nhân trong Trung tâm CNSH theo chỉ đạo của Xô, trao đổi thông tin và thực hiện các bước cần thiết để bảo đảm Công ty AIC và các công ty do AIC chỉ định trúng thầu như đã thỏa thuận.

Cụ thể, năm 2015, Nhàn chỉ đạo nhân viên đến gặp và bàn với Xô cho Công ty AIC được xây dựng lại danh mục thiết bị để bảo đảm Công ty AIC được lợi nhuận tương đương 40% giá trị mỗi gói thầu. Sau đó, Nhàn chỉ đạo nhân viên AIC phối hợp Nguyễn Đăng Quân - phó giám đốc Trung tâm CNSH thay đổi cấu hình, danh mục, giá thiết bị bảo đảm lợi nhuận cho Công ty AIC. Sau đó, Nguyễn Xuân Vũ (cựu chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ cao Gene Việt) đã bàn bạc với Nhàn xin làm nhà thầu phụ trách một số gói thầu của dự án.

Kết quả đấu thầu thể hiện Công ty AIC và các công ty được AIC chỉ định đứng tên thay cho Công ty AIC trúng 6 gói thầu, tổng trị giá hơn 305 tỉ đồng; Công ty Công nghệ cao Gene Việt trúng 2 gói thầu trị giá hơn 102 tỉ đồng.

Sau khi trúng thầu, Nhàn chỉ đạo 2 bị cáo Trần Mạnh Hà và Trần Đăng Tấn 6 lần (từ năm 2016 đến 2019) đưa cho Dương Hoa Xô tổng số tiền 14,4 tỉ đồng để "cảm ơn" vì "tạo điều kiện cho AIC tiếp tục thực hiện các gói thầu". Mỗi lần Xô đều nhận tiền tại phòng làm việc của mình.

Bị cáo Xô khai sau khi nhận tiền đã đưa cho một số bị cáo khác, sử dụng riêng 11,35 tỉ đồng. Trong đó, Xô đưa cho Trần Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư 1 tỉ đồng. Theo cáo buộc, Trần Thị Bình Minh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị 12 phòng thí nghiệm chuyên ngành công nghệ sinh học khi chưa tổ chức thẩm định; thẩm định dự toán khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh dự toán; không thực hiện các thủ tục cần thiết để xử lý các sai phạm của chủ đầu tư, tạo điều kiện cho Trung tâm CNSH, Công ty AIC nâng khống dự toán các gói thầu. Hành vi của bị cáo này gây thiệt hại cho nhà nước hơn 33 tỉ đồng. 

Kêu gọi Nguyễn Thị Thanh Nhàn ra đầu thú

VKSND TP HCM đánh giá đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng và được dư luận xã hội quan tâm. Các bị cáo bị truy tố về các tội danh: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Liên quan vụ án, TAND TP HCM phát thông báo kêu gọi các bị cáo: Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà, Đỗ Vân Trường và Trần Đăng Tấn ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và nhà nước, hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng để bảo đảm quyền bào chữa, quyền tự bào chữa.


Theo Trần Thái

Người lao động

Từ Khóa:
Trở lên trên