Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Phạm tội vì suy nghĩ giản đơn!
Một số luật sư tham gia bào chữa nêu quan điểm vụ án là "tai nạn đáng tiếc", xảy ra vì sự chủ quan và "suy nghĩ đơn giản" từ phía các bị cáo
- 04-10-2024Xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Trương Mỹ Lan bị đề nghị án chung thân
- 04-10-2024Công ty Liberty mới xuất hiện trong “tranh cãi” Trương Mỹ Lan – Novaland: Thêm 1 đại gia sở hữu loạt khách sạn đình đám tại Tp.HCM trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát
- 27-09-2024Tin vui cho người đầu tư trái phiếu trong vụ án Vạn Thịnh Phát
Ngày 7-10, tại phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng 33 đồng phạm, bao gồm chồng, cháu ruột và em dâu của bị cáo Lan, các luật sư đã trình bày quan điểm tranh luận đối với cáo buộc mà đại diện cơ quan thực hành quyền công tố đưa ra trước đó.
"Không biết mình phạm tội"
Mở đầu phần bào chữa, một số luật sư, như luật sư của bị cáo Chu Lập Cơ và Trương Huệ Vân cho biết thân chủ của họ đã thừa nhận hành vi như trong cáo trạng, do đó không tranh luận về tội danh. Nhưng các luật sư nhấn mạnh bối cảnh thực hiện hành vi và những tình tiết giảm nhẹ để HĐXX xem xét, cân nhắc khi đưa ra quyết định cuối cùng về mức án.
Đại diện VKSND TP HCM cho rằng bị cáo Cơ đã giúp vợ mình - bị cáo Trương Mỹ Lan, che giấu và sử dụng số tiền hơn 33 tỉ đồng có được từ hành vi tham ô và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, bị cáo Cơ đã sử dụng 3 thẻ thanh toán tại Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn (SCB) để chi tiêu hơn 225 tỉ đồng, trong đó hơn 113 tỉ đồng có nguồn gốc từ các khoản vay khống tại SCB.
Trong quá trình này, bị cáo Lan đã chỉ đạo nhân viên nộp hơn 33 tỉ đồng vào các thẻ này. VKSND TP HCM kết luận bị cáo Cơ phạm tội "Rửa tiền" nhưng do bị cáo đã hợp tác tích cực với cơ quan điều tra và hoàn trả toàn bộ thiệt hại, đề nghị HĐXX tuyên phạt từ 24 đến 30 tháng tù.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Cơ nhấn mạnh ông là một doanh nhân thành đạt và chỉ sử dụng thẻ, không biết nguồn tiền từ đâu để tất toán. Luật sư lập luận rằng bị cáo Cơ không cố ý che giấu tiền bất hợp pháp, việc quản lý chi tiêu do người khác thực hiện và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đủ điều kiện hưởng sự khoan hồng đặc biệt.
Bổ sung phần bào chữa của luật sư, bị cáo Chu Lập Cơ nói: "Bản thân rất hoang mang vì sao phạm tội nhưng đã chấp hành, khắc phục hậu quả vụ án".
Luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Huệ Vân - cháu ruột của bị cáo Trương Mỹ Lan, cũng đã lập luận rằng thời điểm xảy ra vụ án, bị cáo không nhận thức được mình phạm tội. Luật sư nhấn mạnh Vân không ý thức được bản chất của vụ việc cho đến khi làm việc với cơ quan điều tra.
Luật sư cũng cho rằng bị cáo Vân chỉ liên quan đến việc phát hành 2 gói trái phiếu trị giá 13.000 tỉ đồng. Hơn nữa, do bị cáo Vân và bị cáo Chu Lập Cơ là người thân trong gia đình, nên họ đã phải gánh chịu mức độ trách nhiệm nặng nề trong vụ án.
Luật sư chỉ ra vào thời điểm xảy ra vụ án trái phiếu (2018-2019), Vân là người đại diện pháp luật của Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, nhưng thực tế, vai trò của Vân không lớn như cơ quan điều tra đã đánh giá.
Đối với các hợp đồng khống mà bị cáo Vân đã ký (là cơ sở phát hành trái phiếu tại Công ty An Đông), luật sư lập luận bị cáo Vân ký do thư ký thúc giục ký nhanh, đồng thời, trên các hợp đồng này đã có chữ ký của các phó giám đốc phụ trách hành chính - là người mà Vân tin rằng họ bảo đảm mọi việc được sắp xếp đúng quy trình.
Cũng theo luật sư, về việc "chạy dòng tiền", bị cáo Vân cũng không có ý thức, ý niệm gì, không hiểu tại sao mình là người lừa đảo với số tiền lớn như vậy. (?!)
Đề nghị xem xét lại tội danh
Luật sư bào chữa cho bị cáo Ngô Thanh Nhã - em dâu của bị cáo Trương Mỹ Lan, cũng đã lập luận "bị cáo không biết mình phạm tội". Luật sư đề nghị HĐXX xem xét hoàn cảnh phạm tội đặc biệt của bị cáo Nhã, người hoàn toàn tin tưởng vào việc làm của chị chồng. Ngoài ra, luật sư cũng nhấn mạnh tấm lòng nhân hậu của bà Nhã, đặc biệt qua việc nhờ người nhà đóng góp giúp đỡ đồng bào miền Bắc gặp thiên tai vừa qua. Luật sư khẳng định với những lý do trên, bị cáo Nhã xứng đáng nhận được sự khoan hồng của pháp luật.
Trước đó, bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan, các luật sư nêu quan điểm đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền" và "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".
Cũng theo các luật sư, bị cáo Lan đã nỗ lực khắc phục hậu quả, trả tiền cho các trái chủ. Theo luật sư, tổng số tiền, tài sản, dự án bị cáo Lan dùng khắc phục hậu quả vụ án đến nay đã lên đến hơn 55.000 tỉ đồng. Trong đó, có 15.712 tỉ đồng được xác định là tiền có nguồn gốc từ phát hành trái phiếu, do SCB gửi cho các ngân hàng khác và hiện các đơn vị này đang sử dụng. Luật sư cho rằng số tiền này cần được thu hồi để bảo đảm nghĩa vụ bồi thường của bị cáo Lan.
Ngoài ra, luật sư còn đề nghị thu hồi 1.000 tỉ đồng từ dự án ở Quảng Ninh liên quan SCB; số tiền của gói trái phiếu của Sunny World do một ngân hàng khác sử dụng, nên cần buộc đơn vị này hoàn trả cho trái chủ; số tiền từ dự án Việt Phát; nguồn tiền 130 triệu USD do bạn của bị cáo Lan ở nước ngoài tự nguyện khắc phục hậu quả cho bị cáo Lan; nguồn tiền 7.000 tỉ đồng từ Bitexco…
Xin giảm án cho vợ chồng cô ruột
Bị cáo Trương Huệ Vân đồng ý với quan điểm bào chữa của luật sư nhưng muốn bổ sung ý kiến xin giảm án cho vợ chồng bị cáo Trương Mỹ Lan. Bị cáo Vân bày tỏ sự hối hận về những chữ ký vội vàng của mình trong việc phát hành trái phiếu, dẫn đến việc bị bắt và ảnh hưởng đến nhiều gia đình, trong đó có những người đã mất như Nguyễn Phương Hồng, Nguyễn Tiến Thành.
Người Lao động