Công ty lỗ gần 1.300 tỷ được 'phù phép' thành lãi trong vụ Vạn Thịnh Phát: Thủ thuật trắng trợn
Hiện doanh nghiệp trong vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 này đã thua lỗ nhiều năm, có hơn 5.000 tỷ đồng tài sản.
- 23-09-2024Những lời khai hướng về cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát
- 20-09-2024Cựu Phó TGĐ Vạn Thịnh Phát: Không biết ai quản lý tiền phát hành trái phiếu
- 20-09-2024Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Một người bị đình chỉ điều tra liên tục bị nhắc tới
- 19-09-2024Vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Thái độ trái ngược của các bị cáo
- 09-09-2024Giai đoạn 2 vụ Vạn Thịnh Phát: Các DN phát hành hàng chục nghìn tỷ trái phiếu sai phạm đang trong tình trạng thế nào?
Trong ngày 23/9, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ ‘đại án’ Vạn Thịnh Phát, giai đoạn 2 tiếp tục diễn ra phần xét hỏi các bị cáo. HĐXX tập trung xét hỏi các bị cáo bị truy tố về tội “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong đó có các bị cáo liên quan đến gói trái phiếu 2.000 tỷ đồng do CTCP Dịch vụ - Thương mại TP.HCM (Setra Corp) phát hành.
Trả lời HĐXX, bị cáo Trịnh Quang Công (Tổng Giám đốc Công ty Acumen) thừa nhận hành vi phạm tội và cho biết nhận chủ trương phát hành gói trái phiếu 2.000 tỷ đồng và chọn đơn vị phát hành từ Trương Khánh Hoàng (cựu Tổng Giám đốc SCB).
Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính của Setra năm 2019 thể hiện đang bị lỗ (không đủ điều kiện phát hành trái phiếu). Trịnh Quang Công đã chỉ đạo để xử lý báo cáo tài chính năm 2019 nhằm được kiểm toán có ý kiến chấp nhận toàn phần để đủ điều kiện phát hành.
Cụ thể, bị cáo Công đã trao đổi với Trần Văn Tuấn (Tổng Giám đốc công ty Setra) và Trần Thị Lan Chi (kế toán trưởng Công ty Setra) làm thủ tục thoái toàn bộ vốn khỏi công ty Khang Thành Phú. Việc này được thực hiện thông qua các hợp đồng chuyển nhượng vốn “khống” và ghi lùi ngày để BCTC năm 2019 của Setra chuyển từ lỗ sang lãi.
Sau đó, các bị cáo cung cấp hợp đồng và BCTC năm 2019 đã điều chỉnh cho các kiểm toán viên công ty kiểm toán A&C để phát hành báo cáo kiểm toán độc lập với ý kiến chấp nhận toàn phần từ đó giúp cho Công ty Setra đủ điều kiện về năng lực tài chính phát hành trái phiếu năm 2020.
Khai trước tòa về việc "phù phép" BCTC của Công ty Setra, cả hai bị cáo Trần Văn Tuấn và Trần Thị Lan Chi đều không đồng ý với một phần nội dung trong cáo trạng. Hai bị cáo này phủ nhận việc lập hồ sơ thoái vốn của Setra tại Khang Thành Phú và cho biết hồ sơ thoái vốn này được Văn phòng Tập đoàn Vạn Thịnh Phát lập rồi chuyển qua để ký chứ không trực tiếp làm hồ sơ thoái vốn.
“Bị cáo được Trịnh Quang Công báo Setra là đơn vị phát hành trái phiếu và được yêu cầu cung cấp hồ sơ pháp lý, còn lại không biết kế hoạch cụ thể phát hành trái phiếu như thế nào, nhà đầu tư nào sẽ mua trái phiếu...” ,
bị cáo Tuấn khai.
Theo cáo trạng, sau khi hoàn tất thủ tục để Setra đủ điều kiện phát hành trái phiếu, Trần Văn Tuấn và ông Nguyễn Văn Phong Vân (được thuê đứng tên) đại diện Điền Gia Cát ký kết 20 Hợp đồng đặt mua trái phiếu. Điều này giúp Điền Gia Cát mua sơ cấp toàn bộ 20 triệu trái phiếu của Setra với tổng số tiền 2.000 tỷ đồng.
Setra Corp đã lỗ gần 1.300 tỷ đồng trong 4 năm trở lại đây
Setra Corp được thành lập từ tháng 10/1999, trụ sở đặt tại số 5, Công Trường Mê Linh, phường bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất. Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này là ông Trần Văn Tuấn, sau khi cổ phần hóa đổi tên như hiện nay và vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng.
Theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, Setra Corp là một trong 4 pháp nhân đã có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật tạo lập 25 gói trái phiếu mã với tổng giá trị 30.081 tỷ đồng để bán cho người mua (các trái chủ), huy động tiền và chiếm đoạt.
Trong giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát, Cơ quan điều tra (CQĐT) tiếp tục kê biên loạt bất động sản liên quan đến bà Trương Mỹ Lan. Trong đó, hiện Setra được bà Trương Mỹ Lan giao cho nắm giữ 18% vốn góp vốn góp tại Công ty liên doanh TNHH Vietcombank – Bonday – Bến Thành (hơn 142 tỷ đồng). Liên doanh này là chủ đầu tư của tòa tháp Vietcombank Tower Saigon, một trong những tòa nhà cao nhất và có vị trị đắc địa nhất khu trung tâm quận 1.
Trong nửa đầu năm 2024, Setra Corp lỗ sau thuế 114,5 tỷ đồng, giảm so với số lỗ năm trước là 273 tỷ đồng. Như vậy, trong gần 4 năm trở lại đây công ty này đã lỗ gần 1.300 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6, vốn chủ sở hữu của Setra đạt 295 tỷ đồng. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 11,84 lần, như vậy tổng nợ phải ở mức gần 4.700 tỷ đồng, giảm hơn 3.000 tỷ so với số đầu năm. Trong đó, dư nợ trái phiếu là 2.700 tỷ đồng. Như vậy, tổng tài sản của Setra Corp đạt mức gần 5.000 tỷ đồng.
Trong một thông báo mới đây của HNX, tính đến ngày 4/9, doanh nghiệp này nợ tổng cộng gần 445 tỷ đồng tiền lãi của 20 mã trái phiếu.
Trong đó, số tiền lãi trái phiếu công ty này chậm trả là hơn 394 tỷ đồng, còn lại là tiền phạt chậm trả lãi. Theo giải trình của lãnh đạo Setra Corp, công ty chưa thu xếp được nguồn thanh toán và xử lý tài sản đề thanh toán gốc và lãi.
20 lô trái phiếu này của Setra Corp số hiệu từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20 có tổng giá trị 2.000 tỷ đồng. Số trái phiếu này được phát hành ngày 31/8/2020, kỳ hạn 5 năm, ngày đáo hạn là 31/8/2025. Lãi suất được công bố là 11%/năm và do Chứng khoán Tân Việt (TVSI) bảo lãnh phát hành. Đây cũng là CTCK có liên quan đến bà Trương Mỹ Lan.
Nhịp sống thị trường