MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Thái độ trái ngược của các bị cáo

19-09-2024 - 11:34 AM | Doanh nghiệp

Phiên xét xử lần này tiếp tục làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật bà Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 33 đồng phạm.

Ngày 19-9, TAND TP HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) giai đoạn 2.

Phiên xét xử lần này tiếp tục làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật bà Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 33 đồng phạm.

Vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Thái độ trái ngược của các bị cáo- Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan

Theo cáo buộc của VKSND Tối cao, các bị cáo phạm tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Mở đầu phiên xử, HĐXX thẩm tra lý lịch của bà Trương Mỹ Lan. Bà Lan bị cáo buộc phạm cả 3 tội danh trên. Bị cáo này giữ thái độ điềm tĩnh, trả lời rõ ràng, mạch lạc các câu hỏi về nhân thân.

Vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Thái độ trái ngược của các bị cáo- Ảnh 2.

Bị cáo Chu Lập Cơ

HĐXX hỏi về nhân thân, bà Lan khai rằng trong phiên xét xử sơ thẩm trước đó (kéo dài từ ngày 5-3 đến 11-4 tại TAND TP HCM), bà "bị quy buộc" 3 tội danh Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và Đưa hối lộ.

Tương tự như phiên xét xử trước đó, bị cáo Chu Lập Cơ (bị cáo buộc tội "Rửa tiền"), chồng bà Trương Mỹ Lan, tiếp tục được hỗ trợ bởi phiên dịch viên tiếng Anh để đảm bảo ông có thể hiểu và tham gia vào quá trình xét hỏi. Trong phiên xét xử, cả ông Chu Lập Cơ và Trương Huệ Vân (bị cáo buộc tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản), cháu gái của bà Trương Mỹ Lan, đều giữ thái độ bình tĩnh, không bộc lộ nhiều cảm xúc trước những câu hỏi của HĐXX.

Vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Thái độ trái ngược của các bị cáo- Ảnh 3.

Bị cáo Trương Huệ Vân

Trái ngược với sự bình tĩnh của bà Lan, một số đồng phạm trong vụ án đã không giữ được bình tĩnh. Điển hình là bị cáo Thái Thị Thanh Thảo (cựu giám đốc dịch vụ khách hàng Wholesale thuộc Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn; bị cáo buộc tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"), bị cáo Tô Thị Anh Đào (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát; bị cáo buộc tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới") đã bật khóc nức nở khi được thẩm vấn.

Chủ toạ phiên toà nhiều lần nhắc nhở các bị cáo cần phải giữ bình tĩnh trong suốt quá trình xét xử.

Vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Thái độ trái ngược của các bị cáo- Ảnh 4.

An ninh phiên toà được siết chặt

Theo đó, cáo trạng xác định bị cáo Thái Thị Thanh Thảo đã chỉ đạo Trần Thị Thuý Ái (cựu kiểm soát viên ngân quỹ kiêm thủ kho Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn) và các giao dịch viễn Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn đi lệnh nộp/chuyển/rút tiền trong dòng tiền không để tạo lập trái phiếu do các Công ty An Đông và Sunny World giúp Trương Mỹ Lan và đồng phạm phát hành trái phiếu của Công ty An Đông và Sunny World chiếm đoạt số tiền hơn 26.500 tỉ đồng của 30.744 bị hại.

Bị cáo Tô Thị Anh Đào bị cáo buộc là người quản lý Công ty Helios để nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam và chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài thông qua hợp đồng vay nợ "khống" giữa Công ty Helios với Công ty ở nước ngoài. Theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, Tô Thị Anh Đào thực hiện các thủ tục khống để Công ty Helios nhận từ nước ngoài về 40 triệu USD, đồng thời chuyển đi nước ngoài 40 triệu USD. 

Ngoài ra, khi kế toán trưởng Công ty VIPD đã ký 2 ủy nhiệm chi chuyển số tiền 445.133 tỉ đồng từ Công ty VIPD đến Công ty Blue Pearl để Công ty Blue Pearl chuyển thành 19,6 triệu USD chuyển ra nước ngoài cho Công ty Leader Vission. VKSND Tối cao cáo buộc hành vi của Tô Thị Anh Đào đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan vận chuyển trái phép hơn 99 triệu USD qua biên giới. 

Dự kiến, phiên toà sẽ kéo dài trong 1 tháng để hoàn tất quá trình xét hỏi và đưa ra kết luận về trách nhiệm của từng cá nhân liên quan.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, từ năm 2018 đến 2020, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo phát hành hơn 308 triệu trái phiếu "khống" thông qua các Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra, với tổng giá trị hơn 30.000 tỉ đồng. Số tiền huy động từ 35.824 nhà đầu tư không được sử dụng đúng mục đích mà chuyển sang các mục tiêu khác, khiến các công ty này không thể thanh toán nợ trái phiếu.

Từ năm 2018 đến 2022, bà Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 445.000 tỉ đồng qua nhiều hành vi gian lận và phát hành trái phiếu bất hợp pháp. Bà Lan cũng chỉ đạo việc rút và chuyển tiền ra khỏi Ngân hàng SCB, sử dụng các hợp đồng "khống" để che giấu tài sản phi pháp và chuyển khoảng 4,5 tỉ USD (hơn 106.000 tỉ đồng) ra nước ngoài.


Theo Ý Linh - Ảnh: Hoàng Triều

Người lao động

Trở lên trên