MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xi măng “rục rịch” tăng giá bán

14-03-2022 - 10:20 AM | Thị trường

Giá nguyên liệu đầu vào tăng khiến giá thành sản phẩm tăng, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng phải điều chỉnh giá bán để ổn định sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Quý đầu tiên của năm 2022, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, giá các nguyên, nhiên liệu sản xuất thép tăng trở lại ở mức cao đã khiến giá thép bị đẩy lên và dự báo, thị trường thép trong nước sẽ tăng trưởng từ 15 - 20% trong năm 2022.

Hiệu ứng chậm hơn, nhưng kể từ giữa tháng 3, một số doanh nghiệp sản xuất xi măng đã thông báo về việc điều chỉnh giá bán và sẽ áp dụng ngay vào cuối tháng 3 này.

Tương tự như với mặt hàng thép, các chuyên gia cho rằng, hiện nay giá nguyên vật liệu đầu vào trong sản xuất xi măng đều tăng, đặc biệt giá xăng dầu và than đá tăng mạnh, nguồn cung khan hiếm dẫn đến giá thành sản xuất xi măng tăng cao.

Xi măng “rục rịch” tăng giá bán - Ảnh 1.

Sản xuất xi măng tại một công ty. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Mặc dù, các doanh nghiệp đã cố gắng tìm giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu nhưng vẫn không thể bù đắp chi phí đầu vào. Để ổn định sản xuất, đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm, một số doanh nghiệp sản xuất xi măng đã thông báo điều chỉnh giá bán sản phẩm xi măng bao và xi măng rời.

Cụ thể, Công ty cổ phần Xi măng Xuân Thành thông báo điều chỉnh tăng giá bán 100.000 đồng/tấn đối với sản phẩm xi măng bao và xi măng rời (đã bao gồm VAT 8%) kể từ ngày 20/3. Theo Công ty cổ phần Xi măng Xuân Thành, việc điều chỉnh giá bán sản phẩm căn cứ vào tình hình thực tế. Hiện nay, các nguyên liệu đầu vào tăng cao dẫn đến giá thành sản phẩm tăng nên doanh nghiệp phải điều chỉnh giá bán để ổn định sản xuất, đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm.

Cùng đó, lý do được Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 (Vicem Hà Tiên) gửi đến nhà phân phối, khách hàng cũng là do giá nguyên vật liệu đầu vào trong sản xuất xi măng hiện đều tăng; đặc biệt là giá xăng dầu và than đá tăng mạnh, nguồn cung khan hiếm dẫn đến giá thành sản xuất xi măng tăng cao.

Theo Vicem Hà Tiên, mặc dù doanh nghiệp đã cố gắng tìm giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu nhưng vẫn không thể bù đắp chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay. Do đó, Vicem Hà Tiên phải xem xét cân đối lại giá bán xi măng để đảm bảo bù đắp một phần chi phí ngày càng tăng cao.

Việc điều chỉnh tăng giá bán được áp dụng bắt đầu từ ngày 23/3 đối với các loại xi măng bao và xi măng bao jumbo với mức tăng thêm 100.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT).

Nhiều chuyên gia cho rằng, giá xăng, dầu "neo" ở mức cao và liên tục được điều chỉnh tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến cước vận chuyển sản phẩm, buộc các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối vật liệu xây dựng phải tăng giá bán để bù đắp chi phí. Mặt khác, để sản xuất ra một số loại vật liệu xây dựng cần rất nhiều nguyên nhiên liệu đầu vào. Do đó, khi giá các mặt hàng này tăng lên, tất yếu dẫn tới giá thành sản phẩm bị kéo theo.

Thời gian tới, cùng với giá nguyên liệu tăng, việc các dự án đầu tư công, bất động sản được đẩy tiến độ xây dựng, giá nhiều loại vật liệu xây dựng như thép, xi măng có thể tiếp tục "neo" ở mức giá cao.

Đầu năm 2021, giá thép cũng tăng chóng mặt so với năm 2020 khiến các bộ, ngành phải vào cuộc kiểm tra. Sau đó, giá thép và các vật liệu khác có xu hướng giảm nhưng đến quý III/2021 lại ghi nhận đợt tăng mới khiến nhiều công trình xây dựng có nguy cơ trễ tiến độ, nhà thầu xây dựng "lao đao" vì "vỡ" hợp đồng trước việc tăng giá hàng loạt vật liệu xây dựng.

Theo PV

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên