MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xí nghiệp sản xuất xe đạp Xuân Hòa quen thuộc trong thời kỳ bao cấp hiện đang kinh doanh ra sao?

06-06-2023 - 17:50 PM | Doanh nghiệp

Từ một xí nghiệp sản xuất xe đạp nổi tiếng ở miền Bắc trong thời kỳ bao cấp, Công ty cổ phần Xuân Hòa Việt Nam hiện là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực sản xuất đồ nội thất, cung cấp sản phẩm vào những công trình trọng điểm quốc gia như Tòa nhà Quốc Hội, TT Hội nghị quốc gia,...

Xí nghiệp sản xuất xe đạp Xuân Hòa quen thuộc trong thời kỳ bao cấp hiện đang kinh doanh ra sao? - Ảnh 1.

Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam (Xuân Hòa), tiền thân là nhà máy xe đạp Xuân Hòa, thành lập năm 1980 do Cộng Hòa Pháp tài trợ (qua thương hiệu của hãng xe Peugeot). Đến năm 1989, Xuân Hòa bắt đầu sản xuất những sản phẩm bàn ghế, nội thất đầu tiên mở ra bước ngoặt mới cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Hiện nay, đây đang trở thành mặt hàng chủ lực của công ty. Các sản phẩm bàn ghế, nội thất Xuân Hòa được sử dụng cho các công trình trọng điểm quốc gia như Tòa nhà Quốc Hội, Trung tâm Hội nghị Quốc Gia, bệnh viện Bạch Mai… và các doanh nghiệp lớn trong nước như: Samsung Electronics Việt Nam, ngân hàng Phương Đông OCB, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam VNPost, trường quốc tế Olympia…và nhiều công trình dân sinh khác.

Xí nghiệp sản xuất xe đạp Xuân Hòa quen thuộc trong thời kỳ bao cấp hiện đang kinh doanh ra sao? - Ảnh 2.

Hình ảnh từ Webiste công ty

Ngoài ra, theo thông tin giới thiệu trên website, Xuân Hòa còn là đối tác sản xuất khung ghế cho Toyota, mạ chi tiết cho Honda, đáp ứng tốt các yêu cầu cao về chất lượng và thời gian hoàn thành sản phẩm.

BCTC của công ty cũng cho thấy, công ty có đầu tư 16,33 tỷ góp vốn vào CTTNHH Toyota Boshoku, doanh nghiệp chuyên sản xuất ghế cho xe ô tô Toyota với tỷ lệ biểu quyết 30%. Khoản đầu tư này đang được trình bày theo giá gốc và chưa đánh giá lại.

CTCP Xuân Hòa Việt Nam đang niêm yết trên sàn UPCOM với mã cổ phiếu là XHC. Về kết quả kinh doanh trong 5 năm trở lại đây, XHC đều thu về lợi nhuận vài chục tỷ đồng mỗi năm.

Xí nghiệp sản xuất xe đạp Xuân Hòa quen thuộc trong thời kỳ bao cấp hiện đang kinh doanh ra sao? - Ảnh 3.

Nguồn: Fireant

Lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 34,3 tỷ đồng, giảm 54% so với năm 2021. Theo công ty là do hai nguyên nhân:

- Chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí lãi vay ngân hàng tăng do giá NVL đầu vào tăng và công ty dự trữ NVL cho sản xuất;

- Doanh thu hoạt động tài chính giảm: Do lợi nhuận đầu tư vào các liên doanh, liên kết được chia trong năm 2022 giảm so với 2021;

3 tháng đầu năm 2023, XHC đạt doanh thu thuần 137 tỷ đồng, tăng tới 47% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 240 triệu đồng, so với cùng kỳ năm ngoái lỗ 2,6 tỷ đồng. Nguyên nhân được công ty cho biết là do hoạt động sản xuất của Công ty đã dần phục hồi, đã có nhiều đơn hàng xuất khẩu sau thời gian dài do dịch bệnh Covid 19.

Tổng tài sản XHC đến cuối quý I/2023 đạt 644 tỷ đồng, tài trợ từ vốn chủ sở hữu 277 tỷ đồng, chiếm 43%; 57% còn lại là nguồn từ nợ phải trả, trong đó chủ yếu là vay ngắn hạn các TCTD.

Xí nghiệp sản xuất xe đạp Xuân Hòa quen thuộc trong thời kỳ bao cấp hiện đang kinh doanh ra sao? - Ảnh 4.

XHC được tin tưởng và là nhà cung cấp sản phẩm cho nhiều công trình trọng điểm Quốc Gia như Tòa nhà Quốc hội, Trung tâm hội nghị Quốc gia, Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô,...

Ngày 10/04/2023, cổ phiếu XHC bị đưa vào diện cảnh báo do BCTC kiểm toán có ý kiến ngoại trừ liên tiếp 3 năm.

Gần nhất, trong BCTC kiểm toán năm 2022, kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ về khoản công nợ phải thu đã quá hạn thanh toán theo hợp đồng của CTCP Nội thất và Thiết bị kỹ thuật Hà Nội trên khoản mục Phải thu NH KH với giá trị lần lượt là 15,77 tỷ đồng (tại 01/01/2022) và 15,62 tỷ đồng (tại 31/12/2022) nhưng chưa được trích lập dự phòng phải thu khó đòi.

Kiểm toán cho biết đã thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết nhưng chưa thu thập được cơ sở đánh giá của BTGĐ về khả năng thu hồi của khoản công nợ này.

Về phía XHC, trong văn bản gửi UBCKNN, công ty cho biết, số công nợ nói trên là từ các sản phẩm cung cấp lắp đặt cho dự án Bệnh viện Bạch Mai, phía khách hàng chưa nghiệm thu được dẫn tới chưa thanh toán được khoản nợ này cho công ty. Phía khách hàng đã xác nhận số công nợ trên tại Biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/12/2022 và xin chậm thanh toán cho đơn hàng trên.

Phương án khắc phục của XHC là trong thời gian tới sẽ phối hợp cùng khách hàng để tìm hướng giải quyết khoản công nợ này.

Theo Trọng Nghĩa

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên