Xiaomi: Hành trình lên số 2 thị phần toàn cầu khi Huawei ngày càng sa sút
Apple là một tượng đài lớn của làng sản xuất điện thoại trên thế giới, với số lượng máy bán ra luôn ở mức cao với thị phần chỉ đứng sau Samsung. Tuy nhiên, chỉ vài ngày trước, hãng điện thoại với biểu tượng quả táo cắn dở này đã phải “ngậm ngùi” nhường vị trí á quân về thị phần cho một công ty tới từ Trung Quốc.
Với những chiến lược hợp lý, doanh nghiệp này đã từng bước chinh phục được những khách hàng khó tính nhất, chiếm lĩnh được cả thị trường trong nước và quốc tế. Đó là Xiaomi, hãng điện thoại vô cùng quen thuộc với rất nhiều người trẻ tại Việt Nam.
Khác với Samsung và Apple với lịch sử hàng chục năm làm điện thoại, Xiaomi mới được thành lập cách đây chỉ 11 năm tại Bắc Kinh, Trung Quốc dưới sự đầu tư của rất nhiều công ty máu mặt, trong đó có thể kể đến quỹ Temasek, quỹ Qiming và Qualcomm.
Xiaomi nhanh chóng cho ra mắt hệ điều hành của chính mình dựa trên nền tảng Android với tên gọi MIUI. Đồng thời, chiếc điện thoại đầu tiên của hãng cũng được đưa ra công chúng với tên gọi Xiaomi Mi 1 nhanh chóng gây được tiếng vang tại các thị trường châu Á. Chỉ 3 năm sau, chiếc Mi 3 ra đời đưa Xiaomi trở thành thương hiệu điện thoại được sử dụng nhiều thứ 5 tại Trung Quốc, với số lượng máy bán ra đạt gần 19 triệu chiếc.
Không dừng lại tại đây, Xiaomi bắt đầu đưa thương hiệu của mình ra ngoài Trung Quốc, trong đó có Ấn Độ, một thị trường với rất nhiều tiềm năng. Công ty nhanh chóng trở thành một trong những hãng điện thoại hàng đầu tại đây, cạnh tranh trực tiếp với Samsung. Quý 3 năm 2017, công ty trở thành thương hiệu điện thoại số 1 tại Ấn Độ với 23.5% thị phần, tương đương với người khổng lồ tới từ Hàn Quốc, giúp công ty trở thành thế lực tại hai thị trường lớn nhất thế giới. Tháng 7 một năm sau đó, công ty chính thức IPO tại sàn chứng khoán Hong Kong với giá 16,6 HKD (2,12 USD) một cổ phiếu, thấp hơn mức chào bán ban đầu là 17 HKD (2,17 USD), đem lại cho công ty khoản vốn 23.97 tỷ HKD (3.05 tỷ USD).
Xiaomi trở thành thương hiệu điện thoại bán chạy nhất tại Ấn Độ vào quý 3/ 2017 (Ảnh: Warpcore)
Bên cạnh điện thoại di động, Xiaomi cũng bắt đầu chuyển sang kinh doanh nhiều mặt hàng khác, trong đó có thể kể đến thiết bị đeo tay thông minh Miband, xe đạp điện, robot hút bụi thông minh và một số đồ gia dụng phổ biến. Tính đến hết năm 2020, Xiaomi có tổng tài sản lên tới 253.68 tỷ Nhân dân tệ (38.83 tỷ USD), đạt doanh thu 245,87 tỷ Nhân dân tệ (37.63 tỷ USD) và lợi nhuận sau thuế là 20.31 tỷ Nhân dân tệ (3.11 tỷ USD). Số lượng điện thoại được bán ra của hãng đạt 146.4 triệu chiếc trên toàn cầu, tăng 17.5% so với cùng kỳ năm 2019. Với những kết quả kinh doanh thuận lợi, Xiaomi chiếm giữ vị trí số 422 trên bảng xếp hạng Fortune Global 500 năm 2020, và là doanh nghiệp trẻ nhất có mặt trong danh sách này.
Thị phần của các công ty sản xuất điện thoại từ năm 2018 đến hết năm 2020 (Ảnh: Canalys)
Trước sự lớn mạnh của những công ty công nghệ Trung Quốc, Hoa Kỳ đã thực hiện nhiều cuộc điều tra và áp dụng nhiều lệnh cấm vận với các doanh nghiệp này, với nhiều lý do khác nhau, trong đó Xiaomi là cái tên cuối cùng được đưa vào danh sách. Nguyên nhân là do Mỹ xác định Xiaomi có những giao dịch với quân đội Trung Quốc, phục vụ cho nhiều chính sách chiến lược của nước này; tuy nhiên lệnh cấm này đã bị tòa án quận Columbia tuyên vô hiệu vào tháng 5 năm nay. Đây được xem là bước ngoặt đối với Xiaomi, khi đối thủ lớn nhất trong nước của họ là Huawei vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề từ lệnh cấm vận này.
Tận dụng được nhiều lợi thế sẵn có cũng như việc Huawei bị cấm vận dẫn đến thị phần giảm sút không phanh, Xiaomi đã chính thức vượt qua Apple trong quý 2/ 2021 để trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn thứ hai thế giới, với 17% thị phần, chỉ kém 2% so với người dẫn dầu là Samsung. Số lượng máy bán ra trong thời gian này của Xiaomi trên toàn cầu tăng tới 80%, trong đó đáng kể nhất là Mỹ La tinh tăng tới 300%, châu Phi tăng 150% và khu vực Tây Âu cũng có mức tăng là 50%, theo nghiên cứu của Canalys.
Xiaomi vượt qua Apple trong quý 2/ 2021 để trở thành công ty có thị phần lớn thứ 2 toàn cầu về mảng điện thoại thông minh (Ảnh: Canalys)
Điểm mấu chốt trong việc tăng trưởng thị phần của Xiaomi đó là mức giá tương đối dễ chịu so với cấu hình điện thoại của họ. Mức giá bán trung bình của điện thoại Xiaomi rẻ hơn lần lượt là 40% và 75% so với Samsung và Apple, trong khi cấu hình và một số công nghệ quan trọng của máy lại không quá thua kém. Ngoài ra, Xiaomi cũng không ngừng cải tiến công nghệ trên điện thoại của họ, đặc biệt là trên những dòng điện thoại cao cấp, điển hình là chiếc Mi 11 Ultra. Họ kỳ vọng sẽ bán được nhiều hơn dòng điện thoại cao cấp này để có thể cạnh tranh trực tiếp tại phân khúc tầm cao với hai doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Mỹ và Hàn Quốc.
Mặc dù việc bán điện thoại thông minh vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của Xiaomi, song hãng cũng có những bước đi trước thời đại để tránh phụ thuộc vào một mảng kinh doanh duy nhất.
Bên cạnh việc bán những thiết bị điện tử khác, công ty cũng đầu tư khoảng 10 tỷ USD trong vòng 10 năm tới vào các loại xe điện – bao gồm cả ô tô, xe đạp… Đây là bước đi vô cùng đúng đắn của Xiaomi trong việc mở rộng loại hình kinh doanh và tránh đi vào vết xe đổ của Huawei – công ty đã đánh mất chính mình sau lệnh cấm của Mỹ do quá phụ thuộc vào mảng kinh doanh thiết bị di động.
Xiaomi cũng bắt đầu đầu tư vào mảng xe điện để mở rộng và cân đối các mảng kinh doanh (Ảnh: Financial Stand)
Việc Xiaomi vươn lên tới vị trí số 2 trong các công ty sản xuất điện thoại thông minh là một trong những sự kiện lịch sử đáng nhớ nhất đối với doanh nghiệp này. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại tại đây, Xiaomi còn muốn tham gia vào mảng di động cao cấp và chiếm lĩnh thêm nhiều thị phần hơn nữa; đồng thời, họ cũng mở rộng ra nhiều mảng kinh doanh khác như đã và đang làm hiện tại. Với chiến lược đúng đắn, tiềm lực mạnh mẽ và được ủng hộ bởi nhiều yếu tố, liệu Xiaomi có vượt qua được Samsung vào cuối năm nay để trở thành công ty số 1 về điện thoại thông minh?