Xin hoãn cổ phần hoá nhà máy đạm 12.000 tỷ đến khi có lãi
Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, Đạm Ninh Bình đã lỗ tổng cộng 3.300 tỷ đồng...
- 24-01-2017Đạm Phú Mỹ lãi ròng 1.152 tỷ đồng năm 2016, hoàn thành vượt kế hoạch vừa điều chỉnh cách đây ít ngày
- 08-01-2017Đạm Ninh Bình thua lỗ hơn 3.300 tỷ: 16 lần đàm phán vẫn “bế tắc” với nhà thầu Trung Quốc
- 06-01-2017Đạm Ninh Bình dự kiến “lỗ bền vững” hàng nghìn tỷ đồng
Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) vừa có báo cáo gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính về tình hình cổ phần hoá trong quý 4/2016.
Xin hoãn vì lỗ
Trong báo cáo này, Vinachem cho biết quy mô tập đoàn đã được tăng lên rõ rệt nhưng năng lực tài chính còn hạn chế, vốn điều lệ chỉ 13.818 tỷ đồng, thiếu 2.200 tỷ đồng so với mức vốn điều lệ được Chính phủ phê duyệt.
Do đó, Vinachem gặp khó khăn về nguồn vốn trả nợ và triển khai các dự án đầu tư.
Đặc biệt, do tình hình thị trường không thuận lợi, lượng vốn của các doanh nghiệp hoá chất khi cổ phần hóa là tương đối lớn, nên khó tìm được cổ đông chiến lược. Tỷ lệ nắm giữ của Vinachem ở các công ty con như Đạm Hà Bắc, Kỹ nghệ que hàn còn cao khiến nhà đầu tư nghi ngại.
Đáng chú ý, tiến trình cổ phần hoá tại Đạm Ninh Bình gặp nhiều khó khăn, cụ thể là việc quyết toán với nhà thầu Trung Quốc và việc quyết toán hoàn thành dự án. Bên cạnh đó, là vấn đề xử lý lỗ luỹ kế của Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình.
Đạm Ninh Bình từ khi đi vào vận hành năm 2012 đến nay đều thua lỗ, năm 2016 dự kiến lỗ khoảng 1.078 tỷ đồng. Tính từ năm 2012 đến nay, doanh nghiệp này lỗ tổng cộng hơn 3.300 tỷ đồng. Cơ quan quản lý vẫn đang đắn đo giữa hai phương án: cho dừng hoạt động hay tiếp tục sản xuất. Nếu tiếp tục sản xuất, nhà máy đạm có vốn đầu tư 12.000 tỷ này sẽ thua lỗ khoảng 1.200 tỷ năm 2017.
Vinachem giải thích, do dự án này mới đi vào hoạt động nên lãi vay đầu tư, khấu hao lớn, đồng thời giá bán phân đạm urê trong nước và trên thế giới hiện xuống thấp, nên hiệu quả sản xuất kinh doanh bị lỗ.
Vinachem đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị xem xét cho phép lùi cổ phần hoá Đạm Ninh Bình, cho đến khi những khó khăn của công ty được tháo gỡ và hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty có lãi, đảm bảo cổ phần hoá có hiệu quả.
Báo cáo cũng cho biết nhiều nội dung liên quan đến hợp đồng EPC với nhà thầu HQC của Trung Quốc. Trải qua 11 lần đàm phán, song đến nay, hai bên vẫn chưa thể đi đến thống nhất về nhiều nội dung để đi đến quyết toán.
Ngoài ra, việc thoái vốn của Vinachem tại một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Nhựa và Hoá chất Vina, Công ty TNHH Cao su Inoue còn nhiều vướng mắc, liên quan đến nghĩa vụ tài chính khi góp bằng quyền sử dụng đất tại hai liên doanh.
Tại Công ty Xà phòng Hà Nội, Vinachem đã tổ chức bán đấu giá hai lần nhưng thất bại. Tại Công ty Cổ phần Pin - ắc quy Trần Phú, tổng giám đốc công ty này không hợp tác và không cung cấp tài liệu theo yêu cầu, hiện đã bị bắt tạm giam do vi phạm pháp luật hình sự, do đó việc thoái vốn không hoàn thành theo kế hoạch.
Muốn tăng vốn 5.000 tỷ đồng
Theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020, Vinachem kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công Thương cho phép tập đoàn được chủ động xây dựng kế hoạch và lộ trình thoái hết vốn, bán bớt vốn tại các doanh nghiệp đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.
Theo đề án, Vinachem sẽ thực hiện cổ phần hoá công ty mẹ Vinachem giai đoạn 2017 - 2019, Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối từ 51 - 65% vốn điều lệ. Như vậy, Nhà nước có thể bán tối đa tới 49% vốn nắm giữ tại đây.
Vinachem cũng đề nghị được tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu khi thực hiện cổ phần hoá công ty mẹ Vinachem, mức tăng vốn là 5.000 tỷ đồng.
Tập đoàn lên kế hoạch bán hết vốn tại một loạt công ty con: Công ty Cổ phần Xà phòng Hà Nội, 26,99% vốn tại Công ty Cổ phần Sơn Tổng hợp Hà Nội, 36,1% vốn Công ty Cổ phần Pin - Ắc quy Vĩnh Phú, 53,5% vốn Công ty Cổ phần DAP số 2 Vinachem, 49% vốn của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu miền Nam…
Năm 2017, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu đạt 43.567 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 155 tỷ đồng, tiền lương tăng 5% so với năm 2016.
VnEconomy