MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘Xóa sổ’ Điện máy Trần Anh

Thế giới Di động đang nắm 99,33% vốn điều lệ tại Điện máy Trần Anh nhưng quyết định giải thể Công ty CP Thế Giới Số Trần Anh để tái cơ cấu công ty con nhằm tối ưu việc vận hành.

Vì sao Trần Anh bị "xóa sổ"?

Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM công bố thông tin về quyết định giải thể Công ty CP Thế Giới Số Trần Anh - chủ chuỗi điện máy Trần Anh.

Thế Giới Số Trần Anh là công ty con của MWG với tỷ lệ sở hữu 99,33% vốn điều lệ. Nguyên nhân giải thể là do Thế giới Di động muốn tái cơ cấu công ty con nhằm tối ưu việc vận hành.

‘Xóa sổ’ Điện máy Trần Anh- Ảnh 1.

Chuỗi điện máy Trần Anh bị xóa sổ.

Công ty CP Thế Giới Số Trần Anh tiền thân là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trần Anh, được thành lập vào ngày 11/3/2002. Trần Anh từng là một thương hiệu nổi tiếng, sở hữu chuỗi Điện máy Trần Anh và là nhà phân phối hàng đầu trong lĩnh vực thiết bị tin học và điện máy tại thị trường miền Bắc.

Giai đoạn 2007 - 2017, doanh thu của công ty này tăng trưởng dần đều và đạt mức kỷ lục hơn 4.000 tỷ đồng vào năm 2016. Tuy nhiên, khi mở rộng quy mô quá nhanh, Điện máy Trần Anh kinh doanh thua lỗ. Năm 2017, công ty ghi nhận khoản lỗ hơn 60 tỷ đồng.

Thế giới số Trần Anh từng niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) từ năm 2010 với mã TAG nhưng đến năm 2018 thì bị hủy niêm yết. Sau đó, Trần Anh được chuyển sang giao dịch trên Upcom, rồi bị hủy tư cách công ty đại chúng từ tháng 10/2022 do cơ cấu cổ đông không đáp ứng quy định của pháp luật.

Tháng 1/2018, MWG mua lại 99,3% vốn điều lệ của Trần Anh, với hệ thống hơn 30 siêu thị. Thế giới Di động chính thức mua lại Trần Anh để củng cố sự hiện diện tại thị trường miền Bắc. Sau thương vụ này, MWG đã chuyển đổi mô hình kinh doanh của Trần Anh, biến chuỗi này từ một nhà bán lẻ độc lập thành đối tác của Thế giới Di động.

Sau khi thay đổi mô hình, doanh thu của Trần Anh giảm từ vài nghìn tỷ đồng mỗi năm xuống còn hơn 100 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm về 0 và lợi nhuận chủ yếu đến từ hoạt động tài chính. Từ năm 2019 - 2022, Trần Anh ghi nhận lãi vài tỷ đồng mỗi quý.

Còn bao nhiêu công ty con?

Trước Trần Anh, MWG cũng giải thể Công ty CP 4KFarm và Công ty CP Logistics Toàn Tín. Lý do giải thể 2 công ty nói trên là để tái cơ cấu lại nhóm các công ty con nhằm tối ưu việc vận hành .

Công ty CP 4KFarm có địa chỉ tại 290 Trương Công Định (phường 8, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). 4KFarm có vốn điều lệ 162 tỷ đồng và do MWG sở hữu 99% vốn. Bà Châu Trần Kim Ngân (34 tuổi) là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Trong khi đó, Công ty CP Logistics Toàn Tín có địa chỉ tại 128 Trần Quang Khải (phường Tân Định, quận 1, TPHCM). Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải hàng hoá bằng đường bộ. Ông Nguyễn Phú Đức (36 tuổi) là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

‘Xóa sổ’ Điện máy Trần Anh- Ảnh 2.

Thế giới Di động liên tục khai tử nhiều mô hình kinh doanh sau một thời hoạt động.

Logistics Toàn Tín đang là nhà cung cấp dịch vụ kho bãi, cung ứng hàng hóa cho chuỗi siêu thị Bách hóa Xanh, Thế giới Di động, An Khang ... trên toàn quốc. Thế giới Di động nắm giữ 99,99% trên vốn điều lệ (100 tỷ đồng) của Công ty CP Logistics Toàn Tín.

Sau khi giải thể Trần Anh, Logistics Toàn Tín và 4KFarm, Thế giới Di động còn 8 công ty con, gồm Công ty CP Thế giới Di động (sở hữu 99,95% vốn điều lệ), Công ty CP Thương mại Bách Hóa Xanh (99,95% vốn điều lệ), Công ty CP Thế giới số Trần Anh (99,33% vốn điều lệ), Công ty CP Dược phẩm An Khang Pharma (99,99% vốn điều lệ), Công ty TNHH Vui Vui (100% vốn điều lệ), Công ty CP Công nghệ và Đầu tư Bách Hoá Xanh (94,99% vốn điều lệ), Công ty CP Dịch vụ Lắp đặt - Sửa chữa - Bảo hành Tận Tâm (99,99% vốn điều lệ), MWG (Cambodia) Co.,Ltd (99,95% vốn điều lệ), Công ty TNHH MTV Công nghệ Thông tin Thế giới Di động (100% vốn điều lệ).

Tuy nhiên, đây không phải là mô hình kinh doanh đầu tiên bị Thế giới Di động khai tử sau một thời hoạt động. Đầu năm 2023, MWG quyết định ngừng kinh doanh ở Campuchia sau 6 năm hoạt động để tập trung vào những mô hình kinh doanh khác và những thị trường khác.

AVAFashion - chuỗi cửa hàng thời trang gia đình của Thế giới Di động - cũng đóng cửa vào giữa năm 2022, chỉ sau 6 tháng khai trương. MWG cũng đã đóng cửa trang thương mại điện tử vuivui.com chỉ sau một năm khai trương (tháng 12/2016).

Đến tháng 3/2020, sau 9 tháng ra mắt, Thế giới Di động quyết định ngừng bán kính mắt. Tương tự, chuỗi Điện thoại Siêu rẻ ra đời vào tháng 8/2019. Đến ngày 29/6/2020, website của Điện thoại Siêu rẻ thông báo ngừng hoạt động và chuyển hướng về thegioididong.com.

Theo Duy Quang

Tiền Phong

Trở lên trên