Cơn “đói” của Trung Quốc đang "nuốt chửng" những cánh rừng già Amazon như thế nào?
Nạn phá rừng nhiệt đới Amazon của Brazil đang tăng mạnh trong năm 2021, đạt mức cao nhất trong 15 năm. Nhưng một trong những nguyên nhân lại bắt nguồn từ Trung Quốc.
- 31-12-2021Vì sao trong mộ Tần Thủy Hoàng có những “ngọn đèn vĩnh cửu” ngàn năm không tắt? Mất 30 năm giới khoa học mới tìm ra đáp án kinh ngạc
- 31-12-2021Chuyên gia Fintech: Bitcoin chạm mốc 100.000 USD là một ‘tham vọng không hề điên rồ’ và đây là lý do
- 31-12-2021Cổ phiếu Trung Quốc vừa có cú bùng nổ trên thị trường chứng khoán Mỹ
Rừng nhiệt đới Amazon thường được miêu tả như một vùng đất bí ẩn bất khả xâm phạm. Amazon là ngôi nhà chung của những loài vật hoang dã như báo đốm hay trăn anaconda, cho đến hệ thực vật phong phú chưa từng được khám phá.
Nhưng thực tế thì khác xa cho với những gì người ta thường nghĩ về. Những chiếc xe tải lớn chạy qua những con đường đầy bụi bẩn. Cánh rừng rậm rạp hoang sơ chỉ còn trơ trọi những cây khẳng khiu và bị thay thể bởi những cánh đồng chăn thả gia súc và trồng đậu nành.
Viện nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil (INPE) tháng trước ước tính, từ tháng 8/2020 đến tháng 7/2021, 13.235 km vuông rừng đã bị chặt phá. Đây là diện tích rừng lớn nhất bị mất vì nạn chặt phá rừng ở Brazil kể từ năm 2006.
Một khu rừng ở Brazil bị bao quanh bởi đất đai được khai phá để phục vụ trồng và sản xuất đậu nành. Ảnh: Alex Webb
Tại sao cây rừng Amazon biến mất?
Rừng nhiệt đới Amazon trải dài qua 9 quốc gia, nhưng khoảng 60% diện tích nằm ở Brazil. Theo tổ chức Greenpeace, 1/3 số vụ phá rừng ở Amazon có liên quan đến vấn đề "chiếm đất", chủ yếu là do các nhà sản xuất thịt chặt phá cây để tạo không gian cho các trang trại chăn nuôi gia súc.
Tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc COP26, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã ký cam kết quốc tế chấm dứt nạn phá từng vào năm 2030.
Tuy nhiên, nạn phá rừng ở Brazil đã gia tăng dưới thời ông Bolsonaro. Ông đã gây ra nhiều tranh cãi trong nhiệm kỳ tổng thống của mình vì khuyến khích các hoạt động như khai thác mỏ và nông nghiệp. Ông cũng bị chỉ trích vì nỗ lực thông qua luật cho phép phát triển thương mại trên khu vực đất được bảo vệ.
Luciana Gatti, một nhà khoa học khí hậu tại INPE, đã mô tả mức độ tàn phá rừng Amazon là "một cơn ác mộng". Bà nói: "Hành động này thực sự điên rồ và tự huỷ hoại chính mình. Đây thực sự là cơn ác mộng đối với các nhà khoa học bởi vì chúng tôi cố gắng khuyên can rằng phá rừng là con đường đi ngược lại với nơi mà chúng ta cần đến, nhưng chúng tôi không được lắng nghe. Chúng tôi cần Amazon để duy trì lượng mưa, điều chỉnh nhiệt độ và hấp thụ CO2".
Cơn "đói" của Trung Quốc gián tiếp thúc đẩy nạn phá rừng
Gatti cho biết những hoạt động phá rừng bất hợp pháp ở Amazon đang thúc đẩy tốc độ phá rừng hiện tại. Nhưng chính các quốc gia khác cũng đang gián tiếp tham gia vào việc phá rừng bằng cách nhập khẩu một số sản phẩm như gỗ, thịt bò và đậu nành từ Brazil.
Và khách hàng lớn nhất của Brazil hiện chính là Trung Quốc, quốc gia gây ô nhiễm nhất thế giới. Đậu nành là một trong những mắt xích yếu của Trung Quốc, vì thế nước này tích cực nhập khẩu mặt hàng này từ nước ngoài. Đậu nành khi được nhập khẩu về sẽ dùng để cung cấp thức ăn nuôi đàn lợn khổng lồ của Trung Quốc. Người dân Trung Quốc yêu thích thịt lợn đến nỗi chính quyền phải duy trì nguồn dự trữ thịt lợn chiến lược để đảm bảo nguồn cung ổn định.
Nếu có thể, Trung Quốc sẽ tự trồng đậu nành. Nhưng để sản xuất 1 tấn đậu nành cần khoảng 1.500 tấn nước, điều mà quốc gia này không thể đáp ứng. Vì vậy, Trung Quốc buộc phải nhập khẩu từ nước ngoài. Trước đây, Trung Quốc phụ thuộc vào đậu nành từ Mỹ. Nhưng sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu, Trung Quốc đã chuyển hướng sang Brazil.
Theo nghiên cứu của Philip M. Fearnside, nhà sinh vật học và khoa học người Mỹ hoạt động nhiều năm tại Brazil, sự gia tăng nhanh chóng trong xuất khẩu đậu nành và thịt bò sang Trung Quốc là hai trong những nguyên nhân chính dẫn đến nạn phá rừng Amazon ở Brazil.
Việc thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu đòi hỏi năng suất cao hơn trên mỗi hecta hoặc diện tích đất nhiều hơn. Với tính chất đất nhiệt đới nghèo dinh dưỡng của Brazil, cách nhanh nhất để nông dân tăng sản lượng là phá rừng.
Trên thực tế, việc trồng đậu nành không trực tiếp thúc đẩy nạn phá rừng ở Amazon. Amazon Soy Moratorium (ASM) là một thoả thuận giữa tổ chức Greenpeace, chính phủ Brazil và các doanh nghiệp nông nghiệp, nhằm cam kết không mua đậu nành trồng trên "đất mới bị phá".
Tuy nhiên các nhà thăm dò đã lợi dụng pháp quyền yếu kém và chính sách môi trường để tìm cách tiếp tục thu lợi nhuận. Đất rừng sau khi đã san bằng cây cối sẽ được dùng để chăn thả gia súc. Sau một vài năm dùng làm đồng cỏ, họ chuyển đổi đất sang trồng đậu nành. Như vậy, đất trồng đậu nành không còn là "đất mới bị phá" nữa.
Song song với đó, các công ty Trung Quốc cũng đầu tư trực tiếp vào chuỗi cung ứng của Brazil để quốc gia Nam Mỹ này tăng cường xuất khẩu. Chính vì "đói" đậu nành, Trung Quốc khuyến khích các nhà thăm dò Brazil bắt kịp tốc độ xuất khẩu bằng cách san bằng rừng rậm nguyên sơ, đẩy nhanh nạn phá rừng.
Có những nguồn tác động môi trường khác của Trung Quốc trong khu vực, chẳng hạn như các công ty Trung Quốc mua đất nông nghiệp và rừng, nhập khẩu hàng hóa (ví dụ như gỗ và nhôm), cũng như tài trợ và đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng của Amazon như đường sắt và nhà máy xử lý khoáng sản.
Gatti cho biết vấn đề là đồng tiền của Brazil đang mất giá, vì vậy đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu thịt bò, ngô hoặc đậu nành sẽ sinh lời hơn nhiều. Sau đó, họ sẽ phát triển quy mô trang trại của mình trên cánh rừng Amazon.
Một đồn điền đậu nành trong rừng nhiệt đới Amazon gần Santarem, Brazil. Ảnh: Ricardo Beliel, Getty Images.
Một tương lai "thảm hoạ"?
Năm 2019, ông Bolsonaro đã xung đột với các nhà lãnh đạo thế giới về việc xử lý đám cháy rừng khổng lồ hoành hành ở Amazon. Philip Fearnside, một nhà sinh thái học tại Viện Nghiên cứu Quốc gia Amazonia (INPA) cho biết tình hình tại Amazon tồi tệ hơn do nạn phá rừng và khai thác gỗ trái phép gia tăng.
Philip cho rằng hầu hết các đám cháy đều do con người gây ra. Một số người nói rằng nguyên nhân cháy rừng là do sét đánh. Nhưng Amazon là khu vực rừng nhiệt đới, khác với những rừng cây lá kim ở Bắc Mỹ, nơi thường xảy ra hiện tượng này.
Ông nói thêm rằng chính quyền tổng thống đương nhiệm đang cố gắng biến những gì bất hợp pháp trở thành hợp pháp. Trong một năm nhiệm kỳ còn lại của tổng thống Bolsonaro, tình trạng tàn phá rừng như hiện tại nếu không tăng lên thì cũng ở mức rất cao.
Nếu tốc độ tàn phá rừng này tiếp tục duy trì, Brazil đang phát thải khí nhà kính đáng kể và góp phần gây ra các hậu quả về khí hậu khác. Năm nay, Brazil đã trải qua một đợt hạn hán nghiêm trọng để lại hậu quả rất lớn. Điều này không do nạn phá rừng trực tiếp gây ra mà nó có liên quan đến sự nóng lên toàn cầu.
Khi lượng mưa giảm, Brazil thực sự sẽ phải đối mặt với thảm hoạ. Tất nhiên, Brazil sẽ là nạn nhân chính, nhưng các quốc gia khác trong khu vực cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Theo CNBC, The Guardian, The Atlantic
Doanh Nghiệp Tiếp Thị