Xót xa đại dự án “đắp chiếu”
Với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 14.000 tỷ đồng, nhưng nhiều năm nay, Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) vẫn trong cảnh "đắp chiếu". Trong khi địa phương, doanh nghiệp ngày càng sốt ruột thì ở cấp Trung ương, vô số văn bản lại qua vẫn chưa thể đưa ra quyết định số phận cuối cùng cho dự án này.
Bộ nói dừng, doanh nghiệp không đồng ý
Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư điều chỉnh là 14.517,2 tỷ đồng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị được giao nhiệm vụ đánh giá về việc đầu tư dự án.
Năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đánh giá "nên dừng dự án", trong khi đó, Bộ Công Thương, Tập đoàn Than -Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng như TIC không đồng tình.
Đến cuối tháng 8/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đánh giá kỹ hơn những hệ lụy và giải pháp xử lý đối với việc tiếp tục hoặc dừng Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê. Bộ này tiếp tục kiến nghị Thủ tướng "xem xét chủ trương dừng dự án của TIC và giao các cơ quan liên quan thực hiện các nội dung giải pháp xử lý" trong trường hợp dừng dự án này. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng: "Chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện lập báo cáo trình Bộ Chính trị kết luận về chủ trương dừng Tổ hợp Dự án khai thác, tuyển quặng sắt Thạch Khê và Dự án liên hợp luyện thép công suất 2 triệu tấn/năm của TIC".
Lập luận được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là hệ lụy để lại sau 10 năm dừng dự án. Cụ thể, dự án đã ảnh hưởng trực tiếp đến 6 xã với gần 6.000 hộ dân. Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện dở dang, chưa đạt như giải phóng mặt bằng, tái định cư, chuyển đổi nghề cho người dân bị thu hồi đất… Hiện nay, diện tích bị bỏ hoang không sản xuất được vì thiếu nước là 74,9ha; du lịch bị ảnh hưởng do các nhà hàng, khách sạn không được đầu tư cải tạo và nâng cấp…
Thực tế, TIC đã nhận được văn bản đề nghị dừng dự án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và doanh nghiệp này thậm chí đã có văn bản gửi Thủ tướng vào giữa tháng 9/2019 nêu ra những ý kiến không đồng tình với kết luận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. TIC cho rằng, các hệ lụy tiêu cực nêu trong văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát sinh chủ yếu từ việc dự án bị buộc phải tạm dừng thực hiện trong thời gian qua chứ không phải hoàn toàn là các hệ lụy từ việc thực hiện dự án.
Theo ông Nguyễn Quốc Hưng, Tổng giám đốc TIC: Việc tiếp tục triển khai dự án sẽ có cơ sở để sớm giải quyết những tồn tại, hệ lụy liên quan đến giải phóng mặt bằng, tái định cư, an sinh xã hội… do dự án tạm dừng trong thời gian qua; tạo niềm tin đối với người dân Hà Tĩnh nói chung, người dân vùng dự án nói riêng. Bên cạnh đó, Nhà nước không phải bố trí nguồn vốn lớn (hàng nghìn tỷ đồng) để xử lý hệ lụy của việc dừng dự án. "Dự án khi đưa vào khai thác sẽ nộp ngân sách trong giai đoạn I khoảng trên 1.500 tỷ đồng/năm, giai đoạn II trên 2.800 tỷ đồng/năm, góp phần tăng trưởng GDP cả nước", ông Nguyễn Quốc Hưng nhấn mạnh.
Chưa biết khi nào có lời kết
Mới đây, câu chuyện về dự án sắt Thạch Khê thậm chí đã làm "nóng" nghị trường Quốc hội khi đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đặt câu hỏi trực tiếp cho Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trong phiên chất vấn.
Theo đại biểu Trần Đình Gia: "Các kỳ họp gần đây, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh đã nhiều lần đề xuất việc dừng khai thác dự án mỏ sắt Thạch Khê. Về vấn đề này, các bộ, ngành và cơ quan Trung ương đã có những ý kiến khác nhau, đề nghị Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết rõ thời gian nào Bộ Công thương sẽ tham mưu cho Chính phủ có kết luận chính thức đối với dự án mỏ sắt Thạch Khê. Đây là vấn đề mà cử tri Hà Tĩnh nói chung và nhân dân các xã chịu ảnh hưởng đang rất mong chờ câu trả lời của Chính phủ".
Đáp lại phần chất vấn nhiều tâm tư này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, dự án mỏ sắt Thạch Khê đã có rất nhiều chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ Chính trị. Thời gian vừa qua có những diễn biến mới, trong quá trình triển khai thực hiện không đảm bảo được yêu cầu và hiệu quả cả về khía cạnh môi trường cũng như đảm bảo an sinh xã hội của người dân tại địa phương tỉnh Hà Tĩnh. Các bộ, ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường đều đã có báo cáo với Chính phủ. Bộ Công Thương cũng đã có báo cáo bổ sung căn cứ trên những chỉ đạo của Chính phủ trong việc đánh giá về yêu cầu cũng như tính khả thi và hiệu quả cho dự án.
Mới đây nhất, cách đây hơn một tháng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tiếp tục giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp làm rõ các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, trong đó các phương án tiếp tục tạm dừng hay dừng hẳn và xem xét giải quyết những hệ luỵ như thế nào để đảm bảo hiệu quả cũng như cơ sở pháp luật của dự án trong việc triển khai thực hiện việc tạm dừng. "Hy vọng trong thời gian sớm nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hoàn tất công tác nghiên cứu các vấn đề hệ luỵ và xử lý để báo cáo với Chính phủ giải quyết dứt điểm dự án mỏ sắt Thạch Khê", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Dự án sắt Thạch Khê do Công ty CP sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư điều chỉnh là 14.517,2 tỷ đồng. Tổng diện tích sử dụng đất của dự án là 4.821 ha, trong đó có 3.898 ha đất liền và 923 ha lấn biển. Địa điểm xây dựng tại 6 xã huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Tổng trữ lượng quặng khai thác được cấp phép là 369 triệu tấn/544 triệu tấn. Tuổi thọ mỏ là 52 năm. Theo báo cáo của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), tổng giá trị tài sản tương ứng với nguồn vốn của TIC đến ngày 31/12/2018 là 2.230 tỷ đồng.
Hải quan