MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xót xa phận người gánh thuê bị bỏ lại sau cơn lốc đô thị hóa ở Trung Quốc

04-06-2016 - 21:42 PM | Tài chính quốc tế

Các "tiểu đoàn" gánh thuê hay còn gọi là "cửu vạn" cá biệt chỉ có ở Trùng Khánh và đã trở thành một nét đặc trưng của Trùng Khánh. Giờ đây họ chẳng còn việc để làm vì đã có những phương tiện hiện đại thay thế.

Trong cơn mưa tầm tã, ông Yu Xiao Yan đang ôm chiếc đòn gánh tre, đợi chờ việc để làm tại gần trung tâm thành phố Trùng Khánh- một thành phố lớn ở phía Tây Nam Trung Quốc. Người đàn ông đã 60 tuổi gầy guộc nhưng rắn rỏi, với mái tóc hoa râm, bộ râu thưa thớt trong dáng vẻ cam chịu, ông đăm chiêu tâm sự: "Tôi đã ngồi ở đây suốt 20 năm, nhưng chưa bao giờ thấy công việc khó khăn nhưng vậy". Ông được người dân địa phương gọi là ông lão gánh thuê.

Yu là một trong những người gánh thuê mà qua nhiều thế hệ đã từng thồ hàng hóa trên dọc đoạn sông Dương Tử và Gia Lăng, trong lòng thành phố Trùng Khánh. Chỉ bằng những chiếc gậy tre và dây thừng, họ phải kéo hàng tá hàng hoá lên những sườn dốc. Tất tần tật mọi thứ từ TV màn hình rộng đến những khối đá gạch lớn hay cả những chiếc lốp xe đều được buộc sẵn vào gậy ngắn và sẵn sàng để cho họ vác lên đôi vai trai sạm của mình.

Các "tiểu đoàn" gánh thuê hay còn gọi là "cửu vạn" cá biệt chỉ có ở Trùng Khánh và đã trở thành một nét đặc trưng của thành phố này (cũng bởi trước đó người dân Trung Quốc ít có xe đạp để đi, và khi họ trở lên giàu có thì những người gánh thuê như thế này lại càng ít thấy ở khắp nơi).

Năm 2014, khi Thủ tướng Lí Khắc Cường đến thăm nơi đây, ông đã gọi những người này là "một hình ảnh biểu trưng cho tinh thần lao động chăm chỉ của người dân Trung Quốc".

Nhưng công việc của họ đang mất dần. Ông Yu cho hay: "Lần đầu tiên tôi đặt chân tới đây, đã có hàng ngàn người làm nghề gánh thuê như tôi, và có hàng tá việc để làm, nhưng giờ chẳng còn được bao nhiêu..." Theo một phóng sự năm 2015 của kênh truyền hình quốc gia, trong cuối những năm 90, toàn thành phố có đến hơn 300,000 người đàn ông làm nghề khuân bê bốc vác như vậy. Thế mà hiện giờ con số này chỉ còn có 3,000 người.

Theo như lời ông Yu "chẳng ai có học thức mà lại đi làm cái nghề này, tất cả chúng tôi đều là những người đã già cả"

Đúng như ông nói. Qua một cuộc khảo sát vào năm 2015 của nhóm sinh viên Chen Hong, Liu Dapei, và Du Zhongbo thuộc trường đại học Trùng Khánh trên khoảng 400 người công nhân gánh thuê cho thấy: 2/3 số họ đã ngoài 50 tuổi. Viện trưởng viện kinh tế và phát triển xã hội Trùng Khánh - ông Zhou Xuexin nhận định rằng: "Sự suy giảm của nghề này tượng trưng cho sự lão hóa của xã hội Trung Quốc"

Điều này cũng phản ánh sự phát triển cơ sở hạ tầng đô thị. Khi mà đường xá còn thô sơ chưa được trải nhựa và các tòa nhà thì chưa có thang máy, thì sức người (hay sức mạnh cơ bắp) là cách duy nhất được tận dụng để chuyển hàng hóa lên xuống những đồi dốc cao hoặc vào trong các tòa tháp lớn. Nhưng điều này đã từ lâu không cần thiết nữa khi mà đường xá được nâng cấp và các tòa nhà hiện đại có thang máy mọc lên.

Thay vào đó là sự xuất hiện của các công ty giao hàng với những nhân công trẻ cường tráng trên những chiếc xe gắn máy. Họ lập thành một nhóm trực tuyến để phân chia những việc làm có sẵn

Yu ngậm ngùi giãi bày: "Nhiều người đã phải trở về quê của họ". Rồi người đàn ông đáng thương ấy quay sang viết tên mình, dùng tay vẽ các kí tự lên viên đá hoa nơi ông ngồi. Tất cả bị cơn mưa chiều xóa đi chóng vánh...

Thu Hằng

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên