Xu hướng “bỏ phố về vườn” xây homestay, farmstay: Những người đầu tư nghiêm túc thì dù thất bại, 5 năm sau giá đất vẫn tăng gấp đôi
Chuyên gia bất động sản cũng chỉ ra những vấn đề mà nhà đầu tư phải lưu tâm khi quyết định rót vốn vào một dự án homestay hay nhà vườn.
- 31-08-2020Nhiều chủ homestay 'điêu đứng' vì dịch COVID-19
- 05-05-2020Chuyên gia chỉ ra 7 sai lầm cơ bản khi thiết kế homestay và farmstay, những bạn trẻ muốn kinh doanh thành công cần nắm rõ
- 06-04-2020Có gì trong homestay ở Hà Nội vừa được giới thiệu trên báo Mỹ?
Chia sẻ quan điểm trong tọa đàm “Bất động sản thời kỳ mới: Đầu tư vào đâu?”, ông Trần Khánh Quang - Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, một chuyên gia lâu năm trên thị trường cho biết, trong những năm vừa qua, bất động sản nghỉ dưỡng đều tập trung chủ yếu vào các khu vực như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, trong khi Đà Lạt, Bà Rịa - Vũng Tàu hay Đồng Nai đang bị bỏ rơi.
Tuy nhiên, gần đây, việc “bỏ phố về vườn” hay xây dựng các homestay/farmstay đang nổi lên như một xu hướng và được cho là thuận theo tự nhiên, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân hiện nay.
Ông Quang cho biết hiện tại có thể chia cách thức đầu tư homestay/farmstay theo hai dạng. Thứ nhất là “bỏ phố về vườn”, những bạn trẻ sẵn sàng bán hết nhà cửa về lập nghiệp. Thứ hai, nhóm đối tượng là cư dân thành phố muốn mua một mảnh vườn hay căn nhà nhỏ để làm nơi nghỉ dưỡng cuối tuần và cho thuê khi phòng trống.
Với nhóm thứ nhất, ông Quang bày tỏ quan điểm: “Đối tượng đó tôi thực sự rất hoan nghênh vì họ cảm thấy cuộc sống của mình nhẹ nhàng hơn. Còn dưới góc độ bất động sản, tôi quan sát thấy rằng sau một thời gian làm homestay, những bạn “bỏ phố về vườn” mà đam mê nông nghiệp thực sự, làm nghiêm túc, dù sau 5 năm có thể thất bại nhưng giá những lô đất đó lúc nào cũng tăng gấp đôi.”
Ông Trần Khánh Quang.
Với nhóm thứ hai, việc đầu tư một mảnh vườn nhỏ rồi xây nhà làm nơi nghỉ dưỡng có thể đối mặt với rất nhiều vấn đề.
Theo vị chuyên gia này, chúng ta không phải ai cũng biết làm nông nghiệp, đừng nghĩ mua đất là có thể trồng được cây, làm được vườn. Việc chăm sóc từng loại cây đều cần kỹ thuật, chưa kể đến việc không quen với môi trường sống dân dã tại nông thôn.
Về mặt pháp lý, không phải cứ có đất là xây được nhà. Nếu như người dân nông thôn đã sinh sống ở đó từ lâu, họ xây một căn nhà nhỏ thì có thể được chấp nhận, nhưng với người từ thành phố về, nếu không phải đất thổ cư thì chính quyền sẽ không cho phép xây dựng. Do đó, phải mua đất đã được chuyển đổi sang thổ cư.
Đồng thời, khi làm nhà vườn hay homestay nên lưu ý chọn khu vực có mật độ dân cư cao. Ông Quang chỉ ra thực trạng hiện nay, nhiều khu vực “sốt” giá như ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), giá đã tăng gấp 3 - 5 lần thậm chí ngang ngửa với TP. Hồ Chí Minh nhưng mật độ dân cư cực kỳ thấp.
“Nếu mua không đúng vùng, nhiều khi tối không dám ngủ một mình”, ông nói đùa. Ngoài ra, vị trí miếng đất phải gần trục đường giao thông.
Về mặt quản lý, nhà vườn hay farmstay đều cần đầu tư nguồn tài chính và công sức chăm sóc, duy trì không hề nhỏ. Ví dụ, sau khi mua mảnh đất hết 1 tỷ đồng, nhà đầu tư tiếp tục phải chi tiền cải tạo khoảng 200 - 300 triệu đồng, xây thêm nhà mất 400 - 500 triệu đồng, chưa kể hàng tháng phải bỏ ra tiền chăm sóc khoảng 10 triệu đồng.
Một điểm khác mà nhà đầu tư nên lưu tâm đó là tiềm năng phát triển của khu vực đó. Trong tương lai, khu vực này có phát triển thành khu dân cư hoặc khu nghỉ dưỡng hay không? Nếu mua một lô đất trong rừng mà 10 năm tới nó vẫn là rừng hoặc thuộc diện bị nhà nước thu hồi thì tiền đầu tư của chúng ta sẽ trở nên vô ích.
Các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên xác định rõ mục đích của mình là gì, chủ yếu để gia đình nghỉ dưỡng hay cho thuê, mục tiêu lợi suất là bao nhiêu, từ đó đưa ra quyết định “rót tiền” vào loại hình bất động sản phù hợp.
Trí Thức Trẻ