MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Bành trướng' về nông thôn, Thế giới di động có mạo hiểm?

25-12-2013 - 15:20 PM |

Trong kế hoạch mở rộng thị trường, năm 2014 Thế giới di động sẽ thử nghiệm nước đi táo bạo là bắt đầu có mặt tại những thị trấn nhỏ và các vùng nông thôn.

Theo ông Trần Kinh Doanh – Phó Tổng giám đốc Thegioididong.com, trong năm 2014, Thế giới di động sẽ triển khai thử nghiệm mở thêm điểm bán điện thoại di động tại các vùng nông thôn, thậm chí là vùng sâu vùng xa.

Đây là bước đi đầu tiên cho tham vọng trong kế hoạch khoảng 3 năm tới, Thế giới di động sẽ mở tới khoảng 700 – 1000 điểm tại các vùng nông thôn.

“Để chuẩn bị cho bước đi này, Thế giới di động đang thực hiện khảo sát chi tiết ở một số thị trường nông thôn. Mặc dù tại các vùng nông thôn điện thoại phổ thông còn phổ biến, tuy nhiên chúng tôi nhận thấy hoàn toàn có cơ hội để mang đến những sản phẩm mang giá trị sử dụng tốt nằm trong khả năng thanh toán của họ”, ông Trần Kinh Doanh cho hay.

Cũng theo phân tích của ông Doanh, hiện nay smartphone đang ngày càng rẻ, hệ thống này sẽ đẩy mạnh đưa về thị trường nông thôn smartphone, thay vì chỉ có điện thoại phổ thông. Thời gian tới, với loại màn hình 4inch các nhà sản xuất có thể tung ở tầm giá từ 1,5 – 2 triệu đồng, như vậy Thế giới di động hoàn toàn có thể “đón đầu” xu thế này để phát triển thị trường nông thôn.

Trong thực tế, hiện nay tại các thành phố lớn, sự hiện diện của hàng loạt nhà bán lẻ như FPT Shop, Viễn thông A, Thế giới di động, Viettel Store… ngoài ra còn chưa kể đến hàng trăm điểm bán của tư nhân, doanh nghiệp nhỏ đang khiến cho sự cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt.

Theo thống kê của Gfk gần đây, ước tính mỗi năm người Việt Nam chi ra khoảng 1 tỷ USD cho việc mua sắm điện thoại; thị trường Việt Nam năm 2013 tiêu thụ khoảng 17 triệu chiếc điện thoại di động, trong đó smartphone chiếm khoảng 7 triệu.

Như vậy, thị trường điện thoại còn rất tiềm năng. Việc Thế giới di động chuyển hướng mở rộng “chân rết” về vùng nông thôn cho thấy sự nhạy bén của doanh nghiệp này trước khi các đối thủ lớn vẫn chủ yếu lo phát triển và giành thị phần tại các đô thị lớn.

Tuy nhiên, liên quan đến câu chuyện quan trọng hàng đầu là giá bán, giới phân tích cho rằng khi phát triển về nông thôn, vùng sâu vùng xa, Thế giới di động cũng cần dè chừng với những đối thủ khác do lâu nay Thế giới di động (cùng một vài thương hiệu khác) kinh doanh điện thoại với giá bán thường theo đúng giá đề nghị của hãng, trong khi nhiều nơi khác cũng bán hàng chính hãng nhưng do không phải “gánh” nhiều chi phí mặt bằng, vận hành, nhân viên… nên có giá bán thấp hơn.

Cũng nên nhớ, tại các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, người dân còn khá phổ biến chuyện dùng sản phẩm không chính hãng, hàng đã qua sử dụng hoặc hàng có giá bán rẻ, họ không cần phải “cầu kỳ” được nhân viên đón tiếp niềm nở, không cần điểm bán có máy lạnh như tại đô thị, mà vấn đề duy nhất chỉ là: Được mua hàng giá rẻ.

Về vấn đề này, trao đổi với ICTnews, ông Trần Kinh Doanh nhấn mạnh : Tại thời điểm hiện nay không thể trao đổi cụ thể, tuy nhiên chúng tôi chỉ nói rằng, Thế giới di động đang phân tích rất tỷ mỉ về vấn đề này, để sớm xác định đâu là cái Thế giới di động có thể làm tốt hơn cửa hàng đang kinh doanh ở khu vực nông thôn.

Cùng đó, cũng theo ông Doanh, việc vận hành một điểm bán của Thế giới di động ở nông thôn có thể không hoành tráng như ở đô thị, đó càng không thể là chuyện áp dụng một mô hình kinh doanh của đô thị lớn như Hà Nội, tuy nhiên Thế giới di động vẫn đảm bảo cho khách hàng được trải nghiệm tốt nhất, hài lòng với số tiền họ bỏ ra để mua sản phẩm.


Theo Nguyên Đức

thuyntt

ICTnews

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên