MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giới trẻ Việt viết game, làm giàu: Tại sao không?

17-02-2014 - 07:52 AM |

Nghề lập trình game đang ở vị trí nào trên thị trường lao động Việt Nam hiện nay và làm thế nào để giới trẻ có thể "kiếm bộn tiền" từ nghề viết game như cách mà tác giả Flappy Bird đã làm được?

Nội dung nổi bật:

- Game chưa thể coi là một ngành sản xuất công nghiệp ở Việt Nam mà mới chỉ là một nhóm người, đa phần dưới 30 tuổi, làm game theo cách còn khá thủ công. Dân làm game ở Việt Nam vẫn kiếm được tiền nhưng rất khó làm giàu.

Khi vào Việt Nam, các lập trình viên chỉ làm ở phần cuối nên thường không nắm được các công đoạn, quy trình sáng tạo. Đó là lý do sau này khi đã thành thục về công nghệ, kỹ thuật, các lập trình viên tách ra ngoài mở các công ty game riêng, nhưng đa phần không thành công.

- Tính đến thời điểm này chỉ có một số trung tâm tư nhân tự mở chương trình đào tạo lập trình game, còn các trường đại học hoàn toàn vắng ngành đào tạo này.



Sau hiện tượng cực nóng từ game Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đích thân gặp chàng trai 29 tuổi để khuyến khích, động viên. Còn giới chuyên gia coi đó là cú hích đáng kể cho ngành game Việt. Vậy nghề lập trình game đang ở vị trí nào trên thị trường lao động Việt Nam hiện nay và làm thế nào để giới trẻ có thể "kiếm bộn tiền" từ nghề viết game như cách mà tác giả Flappy Bird đã làm được?

Giới trẻ Việt viết game, làm giàu: Tại sao không?
 “Cha đẻ” Flappy Bird Nguyễn Hà Đông - Ảnh: Đan Hạ

Chúng tôi có cuộc gặp gỡ các chuyên gia về game cũng như thị trường lao động để lắng nghe những phân tích sâu về những khó khăn, thử thách lẫn thuận lợi của ngành game Việt hiện nay.

Kỳ 1 - Định vị ngành game Việt Nam

Nếu xét về thị trường người dùng, Việt Nam được coi là phát triển vào loại bậc nhất Đông Nam Á, tương đương Thái Lan. Nhưng xét về mặt sản xuất game thì nước ta chưa có tên tuổi gì cả, còn yếu lắm”, ông Lương Công Hiếu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phần mềm Vivoo (Vivoo Software), công ty chuyên làm game trên di động, nhận định.

Nghề viết game: Làm giàu… vẫn còn khó

Theo ông Hiếu, game chưa thể coi là một ngành sản xuất công nghiệp ở Việt Nam mà mới chỉ là một nhóm người, đa phần dưới 30 tuổi, làm game theo cách còn khá thủ công. Kiến thức và kinh nghiệm của dân làm game trong nước còn yếu nên cũng chưa chia sẻ với nhau nhiều. Dân làm game ở Việt Nam vẫn kiếm được tiền nhưng rất khó làm giàu.

Giới trẻ Việt viết game, làm giàu: Tại sao không? 1
Ông Lương Công Hiếu

Hơn 10 năm nay, dân làm game trong nước thường làm thuê cho công ty có chức năng outsourcing (tức là chuyển một phần chức năng nhiệm vụ của công ty ra gia công bên ngoài - PV). Những năm gần đây, nhiều công ty sản xuất game trên điện thoại di động với hình thức gia công này cũng đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, bởi làm outsourcing nên đa phần các công đoạn đều sản xuất ở nước ngoài, trong đó quan trọng nhất là phần sáng tạo, kịch bản game… Khi vào Việt Nam, các lập trình viên chỉ làm ở phần cuối nên thường không nắm được các công đoạn, quy trình sáng tạo.

Đó là lý do sau này khi đã thành thục về công nghệ, kỹ thuật, các lập trình viên tách ra ngoài mở các công ty game riêng, nhưng đa phần không thành công.

Ở đâu đào tạo nghề viết game?

Ông Lương Công Hiếu cho hay hiện chưa có một chính sách nào trong nước hỗ trợ ngành game. Tính đến thời điểm này chỉ có một số trung tâm tư nhân tự mở chương trình đào tạo lập trình game, còn các trường đại học hoàn toàn vắng ngành đào tạo này.

Còn ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP.HCM, cho biết: Ngành lập trình game là một trong những chuyên ngành nhỏ thuộc nhóm ngành công nghệ thông tin. Nhóm ngành nghề công nghệ thông tin nói chung rất rộng, bao gồm cả ngành an ninh mạng, công nghệ truyền thông đa phương tiện…

Theo ông Tuấn, nhóm ngành nghề công nghệ thông tin, trong đó có liên quan đến lập trình game, luôn có nhu cầu nhân lực cao từ các doanh nghiệp và bản thân người học nghề này cũng tự tạo việc làm cho bản thân. Đây là ngành nghề cần lao động chuyên nghiệp, không nhất thiết phải có trình độ đại học.

Game Flappy Bird một thời gây "sóng gió" nay không còn trên App Store - Ảnh chụp màn hình

Sau Tết, nhu cầu cho riêng nhóm ngành công nghệ thông tin tăng đến 30%.

Hiện nay, theo ông Tuấn, ngành lập trình game, đặc biệt là game trên di động, có xu hướng phát triển mạnh. Vì đây là một chuyên ngành nhỏ nên không có trường đại học hay cao đẳng chuyên nghiệp nào đào tạo chuyên sâu mà chủ yếu ở các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề. Học phí học lập trình phần mềm nói chung, lập trình game nói riêng khá đắt đỏ nhưng lại xứng đáng vì mức lương và thu nhập không có điểm dừng, giống như trường hợp của tác giả game Flappy Bird.

Nếu như các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp dạy kiến thức chung các ngành thuộc nhóm ngành công nghệ thông tin thì các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và một số học viện, trung tâm,… lại dạy chuyên sâu riêng ngành lập trình game. (còn tiếp)

Dự kiến doanh thu game năm 2014 sẽ là 12.000 tỉ đồng

Theo một báo cáo mới được phát hành từ Công ty nghiên cứu Gartner Inc, với sự phát triển của thị trường game online, Việt Nam trở thành thị trường game lớn nhất khu vực Đông Nam Á và trở thành 1 trong 10 thị trường game online có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. 
 
Trong năm 2012, doanh thu game online Việt Nam đạt vào khoảng 5.000 tỉ đồng tăng khoảng 20% so với năm 2011. Các doanh nghiệp chủ lực gồm có VNG, VTC và FPT Online.

Năm 2013, doanh thu game ước tính 7.000 - 8.000 tỉ đồng. Dự kiến doanh thu năm 2014 sẽ là 12.000 tỉ đồng, tăng khoảng 50% so với năm 2013. Việc tăng trưởng chính nằm ở phân khúc game trên di động

>>Flappy Bird và một số sai lầm của Hà Đông 

Theo Đình Quân - Minh Quyên

thuyntt

Thanh niên

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên