Nhạc số - Rừng rực cháy!
Gangnam Style được coi là cú nổ lớn nhất của làng nhạc số 2012.
- 28-10-2012Thị trường nhạc số: Đã đến lúc tranh "phần sư tử"
- 30-10-2011Kinh doanh nhạc số: Lại nóng chuyện "ăn cắp" bản quyền
Những câu chuyện âm nhạc nổi bật không còn quẩn quanh trong các thị trường lớn nhất (Mỹ, Nhật, Anh, Đức, Australia) mà mở rộng sang nhiều nước khác, trong đó có Hàn Quốc.
Xu hướng nổi bật của năm là tất cả các nghệ sĩ, hãng đĩa, hãng quảng cáo, nhà bán lẻ và các tập đoàn công nghệ, trong đó nổi bật là một rapper Hàn Quốc (Psy), đều tư duy và hành động một cách toàn cầu hóa. Nhận định tổng kết từ tạp chí Billboard.
Những thương vụ sáp nhập
Một trong những biểu hiện rõ ràng nhất là sự hợp nhất của hai hãng sản xuất âm nhạc hàng đầu thế giới - Universal Music và EMI Music hồi tháng 9/2012. Chính xác, Universal đã mua lại EMI với giá 1,9 tỷ USD.
Cuộc sáp nhập đã biến Bộ 4 (Big Four) hãng đĩa lớn nhất thế giới (gồm Universal, EMI, Sony BMG Music Entertainment và Warner Music) trở thành Bộ 3.
Nhưng tính chất toàn cầu thực sự thể hiện ở con đường sáp nhập: Universal, công ty con của tập đoàn Pháp Vivendi Corp, dành phần lớn thời gian trong năm 2012 để chờ đợi Liên minh châu Âu phê duyệt đề xuất mua EMI. Chưa hết, EMI có trụ sở tại Anh nhưng lại do ngân hàng Mỹ CitiGroup quản lý tài chính. CitiGroup có được EMI sau khi một công ty cổ phần tư nhân thuộc châu Âu là Terra Firma mất quyền kiểm soát hãng này.
Sáp nhập với EMI, Universal ôm tham vọng sử dụng công nghệ để thống trị thế giới nhạc số. Mà nhạc số, “đứa con” của kỹ thuật số, chính là một trong những điển hình của toàn cầu hóa.
Nhạc số và xu hướng toàn cầu hóa làng nhạc
2012 cũng là năm các dịch vụ nhạc số nở rộ. Deezer, iTunes, Rdio, Spotify và nhiều nhà cung cấp nhạc số khác đã mở rộng phạm vi hoạt động đến châu Mỹ Latin, Trung Đông, châu Á, châu Phi và xa hơn nữa. Cuộc bành trướng của Apple, tập đoàn cung cấp nhạc số vốn rất lớn mạnh, tiếp tục tỏa rộng đến các quốc gia hẻo lánh.
Thị trường âm nhạc phát triển, các chuyến lưu diễn cũng tăng lên theo. Năm ngoái, công ty tổ chức lưu diễn hàng đầu thế giới, đã mở thêm văn phòng ở Nga và Ukraine. Một công ty khác Lollapalooza tiến đến Brazil và sắp sửa là Israel. Đại nhạc hội Ultra Music, sự kiện âm nhạc thường niên của Mỹ, được tổ chức tại Buenos Aires (Argentina), Warsaw (Ba Lan) và Seoul (Hàn Quốc).
Giám đốc của Live Nation là Michael Rapino từng nói với Billboard.biz: “Toàn cầu hóa hiện tại thì thật dễ, nhưng 9 năm trước thì không. Khi đó không có ai theo xu hướng toàn cầu hóa cả, và trong 8 năm qua chúng tôi đã mở rộng phạm vi hoạt động từ 2 nước lên 41 nước, với đa số lợi nhuận đến từ nước ngoài”. Mục tiêu hiện tại của Live Nation? “Tiếp tục toàn cầu hóa”. Tại sao? 41 nước vẫn còn quá ít, còn quá nhiều chỗ trống cần lấp đầy trên hành tinh này.
Thế còn Trung Quốc? Năm qua Thượng Hải đã tự làm nóng bằng cách mời hai siêu sao ca nhạc phương Tây - J.Lo và Elton John - đến biểu diễn nhiều đêm. Chính phủ nước này đã đưa luật bản quyền vào thực thi. Qua trang tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc là Baidu, những lượt tải nhạc hợp pháp cũng gia tăng.
"Cơ hội cho nền âm nhạc là vô tận”
Và trên tất cả, thành công của rapper Hàn Quốc Psy với “cú nổ của năm” Gangnam Style đánh dấu một thay đổi lớn trong mô hình âm nhạc toàn cầu. Video nhạc Gangnam Style được tải lên YouTube vào ngày 15/7, đến ngày 21/12 đạt 1 tỷ lượt xem. Giữa hai mốc đó đầy ắp những diễn biến ồn ào.
13 ngày sau khi Gangnam Style ra mắt, ngôi sao nhạc pop người Anh Robbie Williams đăng lại video này trên trang mạng Reddit. Ngày 31/7/2012, Scooter Braun - quản lý của Justin Bieber - tự trách móc mình tại sao không ký hợp đồng với Psy trước đó. Về sau Braun đã thực hiện được mong muốn này, đưa Psy về với hãng đĩa Schoolboy Records của anh.
Mất 2 tuần để Psy có được sự chú ý từ các ông chủ hãng đĩa. Trong quá khứ, 2 tuần chỉ đủ cho các nghệ sĩ thiết lập một chương trình quảng bá bằng băng ghi âm demo và ảnh, nhiều khả năng bị các hãng đĩa bỏ qua. Nếu lại là một bài hát không phải tiếng Anh, thì hầu như không có mấy cơ hội để các hãng đĩa lớn để ý.
Con đường của Psy chắc chắn sẽ còn người bước tiếp. Trước đó đã có rồi, cả hay lẫn dở (Susan Boyle, Rebecca Black, Michel Telo…) nhưng không ai tạo ra cú nổ lớn như Gangnam Style cả. Ca khúc này được phát trong các buổi tụ tập đám đông, sự kiện văn hóa, thể thao, chính trị… ở rất nhiều nước. Điều này tạo ra một làn sóng toàn cầu. 1 tỷ lượt người cùng vào một trang web (YouTube) trong 5 tháng, việc này trước năm 2012 chưa hề có tiền lệ.
Nhận định về “sức khỏe” của nền âm nhạc thế giới năm qua, Arthur Fogel - Chủ tịch phụ trách mảng lưu diễn toàn cầu của Live Nation - tỏ ra rất lạc quan: “Nền âm nhạc toàn cầu đang chứng tỏ những hứa hẹn lớn cho tương lai. Các thị trường mới nổi đang rất phát triển. Những khó khăn khi làm việc ở nhiều môi trường khác nhau cũng được khắc phục. Cơ hội cho nền âm nhạc là vô tận”.
Theo Hạ Huyền
Thể thao& Văn hóa/Billboard