MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sách in vs. Sách điện tử

22-06-2011 - 14:31 PM |

Dù được dự báo phải 5-10 năm nữa mới có thể đe dọa sách in, dòng chảy ngầm kinh doanh sách điện tử đã bắt đầu lan tỏa từ các doanh nghiệp nhỏ ngay từ bây giờ.

Với doanh thu hơn 2.500 tỉ đồng năm 2010, thị trường phân phối sách Việt Nam chủ yếu vẫn tồn tại dưới hình thức bán lẻ thông qua hệ thống nhà sách trên cả nước (chiếm hơn 90% thị trường). Dẫn đầu phân khúc này là Công ty Cổ phần Phát hành Sách TP.HCM (Fahasa) với doanh số 1.250 tỉ đồng trong năm qua. Năm 2006, lần đầu tiên Fahasa đạt mức doanh thu hơn 500 tỉ đồng và là đơn vị phân phối sách duy nhất của Việt Nam được Tạp chí Retail Asia bình chọn là 1 trong 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiện tại, Fahasa có số lượng đầu sách và văn hóa phẩm đạt 48 triệu bản được phân phối tại hệ thống 56 nhà sách ở 27 tỉnh, thành và hàng trăm đại lý trong cả nước.

Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành kinh doanh sách là Doanh nghiệp Sách Thành Nghĩa TP.HCM với hệ thống gồm 28 siêu thị nhà sách Nguyễn Văn Cừ và trên 300 đại lý. Năm 2010, Thành Nghĩa đã đạt doanh số gần 600 tỉ đồng từ mảng phân phối sách, văn phòng phẩm và các hoạt động kinh doanh khác. Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC) cũng có 20 nhà sách và trung tâm phân phối tại các tỉnh, thành lớn như TP.HCM, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Ngoài hệ thống phân phối lẻ của các doanh nghiệp nói trên, kênh phân phối sỉ cũng được một số doanh nghiệp trong ngành triển khai. Điển hình là Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News, đang quản lý khoảng 1.000 đầu sách với hệ thống hơn 200 đại lý trong cả nước.

Sách in và gánh nặng chi phí

Nhằm củng cố vị thế, các doanh nghiệp đầu ngành thuộc phân khúc truyền thống đã không ngừng mở rộng kênh phân phối tại các địa phương bằng cách thuê hay mua hẳn mặt bằng để đầu tư nhà sách.

“Kinh phí ban đầu để đầu tư cho một nhà sách khoảng vài trăm m2 là khoảng 10 tỉ đồng, nhưng nếu chọn hình thức mua mặt bằng thì phải nhân con số này lên 5-10 lần”, giám đốc một doanh nghiệp sách (đề nghị không nêu tên) cho biết. Trong năm 2010, PNC đã bỏ ra gần 20 tỉ đồng để đầu tư và nâng cấp 2 nhà sách tại quận Gò Vấp (600 m2) và quận 9 (700 m2).

Trong khi đó, Fahasa đã khai trương đến 7 nhà sách trong năm 2010 tại TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ với kinh phí từ 7-10 tỉ đồng/nhà sách.

Một điều rất dễ nhận thấy là hầu hết các doanh nghiệp sách in đều có khuynh hướng kết hợp với việc kinh doanh văn phòng phẩm, quà lưu niệm, vật tư thiết bị ngành ảnh và thậm chí cả dịch vụ nhà hàng, sản xuất phim, tổ chức biểu diễn và bất động sản. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2010, PNC có đến 14 ngành nghề kinh doanh nhưng chỉ có 2/14 là liên quan đến việc kinh doanh sách báo, tạp chí.

“Trong tổng doanh thu gần 300 tỉ đồng của PNC năm 2010, tôi cho rằng cơ cấu doanh thu từ mảng truyền thống chỉ chiếm tối đa 20%. Đây cũng là điều hợp lý vì nếu chỉ tập trung vào ngành này thì chắc chắn sẽ không đảm bảo hiệu quả kinh doanh”, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh sách tại TP.HCM (đề nghị không nêu tên) nói.

Làn sóng ngầm của sách điện tử

Từ năm 2005, một số doanh nghiệp tư nhân đã nắm bắt được xu thế phát triển của mô hình kinh doanh nhà sách trực tuyến trên thế giới và bắt đầu triển khai tại Việt Nam. Đáng chú ý nhất là Vinabook và Tiki.

Ông Huỳnh Ngọc Hưng, Giám đốc Điều hành Vinabook.com, cho biết Công ty của ông hiện là nhà sách trên mạng có quy mô lớn nhất nước với hơn 30.000 đầu sách các loại. Vinabook hiện có trên 250.000 khách hàng với khoảng 30.000 lượt khách hàng đặt mua trực tuyến các loại sách mỗi ngày.

“Từ khi Quỹ Đầu tư IDG Venture Vietnam (IDGVV) đầu tư vào Vinabook năm 2009 đến nay, chúng tôi đã đạt mức tăng trưởng hơn 150%/năm và trong năm 2010 lần đầu tiên Công ty có lãi trên 1 tỉ đồng trên tổng doanh số 25 tỉ đồng sau 5 năm hoạt động”, ông Hưng nói.

Trong khi đó, Tiki.vn mới tham gia thị trường từ tháng 3.2010 với vốn đầu tư ban đầu 2 tỉ đồng. Đến nay, trang web này có 30.000 mặt hàng khác nhau gồm các loại sách tiếng Anh, tiếng Việt, các thiết bị đọc sách điện tử Kindle, iPad. Ông Trần Ngọc Thái Sơn, Giám đốc Điều hành Tiki.vn, cho biết: “Chỉ sau 1 năm hoạt động, chúng tôi đã trở thành nhà sách trực tuyến quy mô lớn chuyên bán các loại sách tiếng Anh. Chiến lược của Tiki.vn là giá bán sách tiếng Anh rẻ hơn từ 10-30% so với giá của Fahasa và PNC, đồng thời duy trì mức chiết khấu 35-45% đối với các nhà cung ứng tùy tựa sách”.

IDGVV nhận định, thị trường thương mại điện tử Việt Nam gồm cả mảng phân phối sách trực tuyến và sách điện tử sẽ có bước đột phá trong giai đoạn 2011-2015. Còn Tạp chí PC World dự báo, giá trị thị trường này sẽ vượt 2 tỉ USD vào năm 2015. “Vì vậy, chúng tôi cũng kỳ vọng Tiki.vn sẽ đạt doanh số khoảng 40 triệu USD vào thời điểm đó”, ông Sơn nói.

Tuy nhiên, có 2 rào cản chính đối với mô hình kinh doanh này. Trước hết, vấn đề thương thảo về hợp đồng mua bán bản quyền với những điều khoản chuẩn mực về nội dung số giữa công ty phân phối sách và đối tác giữ bản quyền vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Ngoài ra, nhiều khách hàng vẫn chưa quen với việc sử dụng các sản phẩm hỗ trợ đọc nội dung số như Kindle, Nook hay iPad, trong khi các thiết bị này lại có mức giá khá cao so với thu nhập của nhiều khách hàng có độ tuổi từ 20-35.

Vì vậy, để thành công, các nhà đầu tư cần khảo sát về quy mô và mức độ đón nhận của thị trường đối với mô hình sách điện tử. “Nếu thị trường sách điện tử trong nước quá nhỏ và nhà đầu tư nhảy vào quá sớm thì sẽ rất dễ chết, trong khi mảng sách in vẫn còn phát triển tốt”, ông Sơn, Tiki.vn, nói.

Nhìn sang Trung Quốc, trang web bán sách trực tuyến quy mô lớn DangDang.com, tuy ra mắt từ tháng 11.1999, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai mảng phân phối sách điện tử vì nhiều lý do khác nhau. Đây cũng là vấn đề đáng quan tâm đối với các doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển mô hình sách điện tử.

Tuy nhiên, những ưu điểm của sách điện tử là khá rõ ràng. Mô hình này đáp ứng nhu cầu của người dùng có ít thời gian và hay di chuyển, lại có kênh phân phối rộng, nội dung đa dạng, cập nhật nhanh chóng - điều mà sách in không làm được. Ngoài ra, sách điện tử còn có thời gian xuất bản rất nhanh, không phải tốn chi phí in ấn, phát hành và được đánh giá cao bởi yếu tố bảo vệ môi trường (vì không phải tốn giấy in).

Điều quan trọng là xu hướng phát triển nội dung số và các sản phẩm công nghệ phục vụ cho nhu cầu đọc sách điện tử ngày càng gia tăng trên thế giới. Đó là lý do mô hình kinh doanh này được dự báo sẽ có bước phát triển mạnh sau 5-10 năm nữa tại Việt Nam.

Khởi động thị trường cung cấp nội dung số

Với triển vọng khả quan của mảng kinh doanh sách điện tử, ngay từ bây giờ, một số doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu khởi động để chuẩn bị khơi thông dòng chảy ngầm này trong thời gian tới. Hiện tại, Trí Việt đang giao dịch mua bản quyền với hơn 100 nhà xuất bản trên khắp thế giới và đã ký hợp đồng bản quyền cho hơn 350 tựa sách với tổng giá trị hơn 1 triệu USD. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Phước, Tổng Giám đốc Trí Việt, cho biết: “Mặc dù Việt Nam đã tham gia Công ước Berne kể từ ngày 26.10.2004 về bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật nhưng đến nay có đến trên 100 đầu sách của chúng tôi bị in lậu. Nghĩa là Nhà Nước vẫn chưa có biện pháp chế tài triệt để đối với tình trạng này”. Đây cũng chính là một trong những rào cản đặt ra đối với các doanh nghiệp sách trong nước trong quá trình chuẩn bị để hướng tới mảng kinh doanh sách điện tử.

Ông Phước cũng cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhất là vấn đề bản quyền, nhưng việc nắm bắt xu hướng phát triển của ngành sách trên thế giới để đưa ra định hướng chiến lược cho doanh nghiệp là điều cần phải làm. “Sự kiện các nhà xuất bản ở Mỹ đề nghị cùng ngồi lại với Amazon hồi tháng 4 vừa qua để xem xét quyết định tỉ lệ nội dung dành cho sách in là bao nhiêu, sách điện tử bao nhiêu là chưa hề có tiền lệ. Điều này đã hé lộ về một cuộc manh nha lật đổ của sách điện tử đối với sách in tại thị trường Mỹ”, ông nói.

Vì vậy, với ưu thế nắm giữ hơn 70% bản quyền nội dung các đầu sách của các tác giả nổi tiếng trên thế giới, Trí Việt cũng lên kế hoạch đẩy mạnh việc ký kết hợp đồng bán nội dung số cho các nhà sản xuất sản phẩm công nghệ và các nhà mạng di động tại Việt Nam.

Chẳng hạn, trong quý I/2011, Công ty đã ký hợp đồng không độc quyền trong 1 năm trị giá 23.000 USD với Samsung Vina về việc bán nội dung số của 50 trong số 170 đầu sách thuộc tủ sách Hạt Giống Tâm Hồn. Theo đó, những nội dung này sẽ được Samsung Vina tích hợp trên các sản phẩm điện thoại di động thông minh hay tivi thông minh của mình dưới dạng lời thoại kịch hay câu nói về triết lý sống nhằm phục vụ mục đích giải trí của khách hàng.

Trước đó, năm 2010, Trí Việt cũng đã ký hợp đồng trị giá 3 triệu USD về cung cấp nội dung số cho dòng điện thoại di động thông minh Nokia E71 để phục vụ chức năng đọc sách điện tử với các đầu sách gồm Đắc Nhân Tâm và Bảy Thói Quen Thành Đạt. Có thể nói, sự gia tăng về nhu cầu sử dụng nội dung số đang trở thành một lợi thế cạnh tranh cho mô hình kinh doanh sách điện tử tại Việt Nam.

Nắm bắt xu hướng này, ông Hưng, Vinabook, cho biết để đón đầu cơ hội thị trường sách điện tử sau 5 năm nữa, Công ty sẽ triển khai chiến lược liên kết với các công ty sách trong nước như Đông A, Nhã Nam, Trí Việt, Nhà Xuất Bản Trẻ... nhằm hợp tác cung cấp nội dung số cho các sản phẩm điện thoại di động, máy tính bảng... Ngoài ra, quý IV năm nay, Vinabook sẽ bắt đầu nhập các thiết bị đọc sách điện tử như Kindle, Nook, iPad để phục vụ cho khách hàng. “Hiện Vinabook chỉ mới chiếm khoảng 3% thị trường sách cả nước nhưng tôi tin rằng chỉ sau 5 năm nữa, con số này sẽ là 20-30%, trong đó 15% đến từ mảng sách điện tử”, ông Hưng, Vinabook, nói.

Một thông tin đáng chú ý là tháng 5 vừa qua, Amazon.com cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử, tổng doanh số bán sách điện tử của Công ty đã vượt sách in đến 3 lần. Điều này khiến cho mô hình kinh doanh sách điện tử càng trở nên có sức hút hơn trong mắt nhà đầu tư.

“Tôi cho rằng một Amazon thứ 2 sẽ xuất hiện ở Việt Nam sau 5-10 năm tới và bản chất của việc kinh doanh sách điện tử là khách hàng chỉ cần gõ vài phím là có thể tiếp cận với kho nội dung số không giới hạn. Như vậy, dòng chảy ngầm này có thể trở thành cơn sóng lớn đe dọa trực tiếp kênh phân phối sách truyền thống trong tương lai”, ông Hưng, Vinabook, dự báo.

Theo Vĩnh Bảo

Nhipcaudautu

thuthuy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên