MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xu hướng giao dịch của nhóm "cổ phiếu vua" có thể sớm đảo chiều

16-09-2021 - 09:49 AM | Tài chính - ngân hàng

Xu hướng giao dịch của nhóm "cổ phiếu vua" có thể sớm đảo chiều

Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục mất vai trò trụ đỡ thị trường trong những phiên giao dịch vừa qua do những lo ngại về cầu tín dụng cuối năm khó khởi sắc, nợ xấu tăng và biên lãi ròng thu hẹp tác động đến tâm lý nhà đầu tư.

Theo báo cáo của CTCK SSI tuần đầu tháng 9, hiện đa số các cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch quanh khu vực đáy của 8 phiên trở lại đây, thanh khoản rất thấp ở cả chiều mua và chiều bán. Trong 3 phiên gần nhất của giao dịch tuần này với nỗ lực test ngưỡng 1.350 của VN-Index, sự thiếu vắng sức bật của cổ phiếu ngân hàng khiến nỗ lực tham gia của dòng tiền vào nhóm smallcaps cũng không thể nâng đỡ chỉ số chung.

Với vai trò là nhóm chủ đạo trong VN30 và tỷ trọng đóng góp lớn vào lợi nhuận lớn của các doanh nghiệp niêm yết toàn thị trường, có thể nói sự sụt giảm của cổ phiếu ngân hàng đang tác động lên TTCK rất rõ rệt. Tuy nhiên, "cổ phiếu vua" vẫn có những điểm sáng khi nhìn ở khía cạnh nền tảng hoạt động và triển vọng dài hạn. Xu hướng giao dịch hiện tại có thể sớm đảo chiều.

Điển hình là trường hợp của Vietcombank (VCB). Báo cáo mới đây của CTCK Yuanta Việt Nam đánh giá, VCB tiếp tục là cổ phiếu ngân hàng đứng đầu bảng xếp hạng khi đánh giá theo mô hình CAMEL. Mặc dù VCB có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) điều chỉnh thấp hơn so với LLR của cuối 2020, tuy nhiên vẫn đạt 352%, tỷ lệ cao nhất ngành. Điều này cho thấy chiến lược thận trọng của VCB trong bối cảnh kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ COVID-19.

Hay như trường hợp HDBank (HDB), đây là một trong cổ phiếu có giao dịch tích cực trong năm 2020 và những tháng đầu 2021. HDBank được CTCK Vietcombank (VCBS) đánh giá tiếp tục là một trong những cổ phiếu nhà băng có triển vọng tăng giá khả quan.

Cơ sở đánh giá của VCBS đó là HDBank có triển vọng tăng trưởng tín dụng cao trong dài hạn. Cụ thể, HDB đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng CAGR đạt 20% trong vòng 3 năm qua dựa trên hoạt động kinh doanh năng động, nguồn vốn chủ sở hữu dồi dào với tỷ lệ CAR (Basel II) trên 13% và quy mô hiện chưa quá lớn. Theo đó, VCBS kỳ vọng ngân hàng sẽ tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng cao và duy trì chất lượng tài sản tốt.

Bên cạnh đó, áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng thấp do HDBank đã tất toán trái phiếu VAMC trong năm 2020. Đồng thời, công ty con HD-SAISON có tỷ lệ nợ xấu phát sinh mới thấp hơn mặt bằng chung lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Hiện tỷ lệ nợ xấu ngân hàng mẹ của HDBank rất thấp chỉ ở mức 0,8%; dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01 chỉ khoảng 900 tỷ đồng, tương đương 0,5% tổng dư nợ. Trong khi đó, theo VCBS, HDBank được đánh giá cao khi thành công với chiến lược phát triển theo chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn như Vinamilk, Samsung, Lộc Trời…

Thêm vào đó HDBank hiện tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số, khai thác lợi thế hệ sinh thái bán lẻ và gia tăng thu nhập dịch vụ. Dư địa để khai thác các mảng bán chéo sản phẩm của ngân hàng còn rất rộng. Đây là một trong những ngân hàng có hoạt động bancassurance tăng trưởng cao trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm nay nhưng chưa ký kết hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền mới. Theo VCBS, hiện Ngân hàng đang trong quá trình thương thảo và khi được ký kết, hợp đồng có thể mang lại cho ngân hàng một khoản phí trả trước đáng kể (Upfront) giúp tăng mạnh lợi nhuận và bổ sung nguồn vốn hoạt động.

HDBank cũng được dự báo sẽ hưởng lợi từ nguồn CASA và thu dịch vụ thanh toán không tiền mặt tại hơn 5.000 cây xăng thuộc hệ thống Petrolimex trên cả nước. Ngân hàng đồng thời có kế hoạch cung ứng nhiều sản phẩm dịch vụ khác cho hệ sinh thái của Petrolimex như thẻ tín dụng, cho vay, quản lý tài khoản,..

"Mặc dù tốc tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong nửa sau năm 2021 dự báo chậm lại so với nửa đầu năm, HDB vẫn duy trì triển vọng tăng trưởng tích cực và bền vững trong dài hạn ở cả khía cạnh quy mô tài sản và lợi nhuận. Do đó, chúng tôi khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu của ngân hàng HDB", báo cáo của VCBS khuyến nghị.

Trong khi đó TPBank (TPB) được công ty chứng khoán MBS đánh giá, việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp TPB củng cố thêm hệ số an toàn vốn CAR và tăng khả năng đề kháng của ngân hàng trước những khó khăn của nền kinh tế do dịch Covid 19 kéo dài. Đồng thời, số vốn bổ sung sẽ là nền tảng giúp TPB đạt được lợi nhuận theo kế hoạch do ngân hàng đã đề ra là 5.800 tỷ đồng trong năm nay, tăng 32% so với năm 2020.

Việc nâng cao tỷ lệ CASA nhằm giảm chi phí vốn và cải thiện NIM là một trong những hoạt động được chú trọng của TPB trong năm 2021. Tháng 8 vừa qua, ngân hàng đã phối hợp với MoMo đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, cho ra mắt Ví trả sau Momo trên ứng dụng của ví điện tử MoMo. Đây được cho là giải pháp dành cho những người có thu nhập trung bình - nhóm người gặp nhiều hạn chế khi tiếp cận các dịch vụ vay tiêu dùng thông thường. Sự bắt tay lần này được kì vọng sẽ giúp cho TPB phát triển hơn ở mảng khách hàng cá nhân cũng như tỉ lệ CASA có sự cải thiện.

Về cổ phiếu, MBS cho rằng, với LNST trong năm 2021 đạt mức 4.412 tỷ đồng tương đương mức EPS đạt 3.765 VNĐ. Với giá cổ phiếu hiện tại, các chuyên gia MBS cho rằng tiềm năng tăng giá đối với TPB vẫn còn cao.

Ngọc Phương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên