MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xu hướng kỳ lạ ở Trung Quốc: Loạt thanh niên ưa 'nằm thẳng, muốn bị sa thải để nhận trợ cấp thôi việc

21-08-2023 - 15:22 PM | Tài chính quốc tế

Để nhanh chóng thoát cảnh áp lực ‘cơm áo gạo tiền’, tôi mong bị đuổi việc.

Xu hướng kỳ lạ ở Trung Quốc: Loạt thanh niên ưa 'nằm thẳng, muốn bị sa thải để nhận trợ cấp thôi việc - Ảnh 1.

Theo SCMP, hiện tượng “những người trẻ mong đợi N+1” đã đứng đầu danh sách tìm kiếm trên mạng xã hội Xiaohongshu hôm 14/8. Thuật ngữ “N+1” ám chỉ khoản trợ cấp thôi việc cộng với một tháng lương mà các công ty Trung Quốc có nghĩa vụ phải trả cho nhân viên.

Tại đại lục, nhiều người đang mong bị công ty đuổi việc để thoát cảnh áp lực ‘cơm áo gạo tiền’, sau đó theo đuổi lối sống “tang ping”. Trong tiếng Trung, “tang ping” nghĩa là “nằm thẳng” - lối sống mặc kệ đời thay vì nỗ lực cống hiến và trang trải cuộc sống.

Theo The Washington Post, giới trẻ Trung Quốc có rất nhiều kiểu “nằm thẳng”. Nó bao gồm từ chối kết hôn, không lập gia đình, không làm thêm, và không làm việc bàn giấy. Trong một bài đăng đã bị xóa trên Tieba (MXH Trung Quốc) hồi tháng 4/2021, một phong trào cổ vũ chuyện “nằm thẳng” đã nổi lên, từ đó hình thành một cộng đồng ủng hộ khổng lồ.

“Người trẻ đang kiệt sức. Họ chẳng hiểu vì sao mình phải làm việc chăm chỉ như vậy”, Lim Woon-teak, giáo sư xã hội học tại ĐH Keimyung, Hàn Quốc.

Trên nền tảng mạng xã hội Douban, một bài viết có tiêu đề “Hôm nay lại nghĩ đến chuyện nghỉ việc” đã thu hút được đông đảo sự chú ý. Tài khoản @Yongyouyibeikuaileshui cho biết cô mong muốn được công ty sa thải để nhận trợ cấp thôi việc. Động lực một phần cũng đến từ việc cô không hài lòng với ban quản lý, trưởng nhóm và đồng nghiệp.

Theo Cục Thống kê Quốc gia, vấn đề thất nghiệp ở Trung Quốc đang đặc biệt nghiêm trọng, trong đó tỷ lệ thất nghiệp của nhóm 16 - 24 tuổi đạt mức kỷ lục trên 20% trong quý II/2023. Các chuyên gia cho rằng xu hướng thất nghiệp năm nay vẫn sẽ tiếp diễn  sau khi Trung Quốc đón kỷ lục 11,6 triệu sinh viên ra trường trong năm 2023.

Trên mạng xã hội, nhiều người đã chia sẻ niềm vui sau khi nhận được khoản trợ cấp N+1. Một cô gái trẻ thông báo rằng cô đã “may mắn” nhận được “món quà sa thải” ngay sau khi được cấp thị thực du lịch.

“Tôi định xin nghỉ phép năm, nhưng bây giờ tôi được tự do đi chơi rồi”, cô nói, đồng thời cho biết trợ cấp nghỉ việc là “khoản bồi thường thiệt hại về tinh thần”.

Câu hỏi đặt ra là sau khi thôi việc, những người trẻ này, ngoài đi du lịch tận hưởng cuộc sống, sẽ làm gì?

Sau khi tốt nghiệp một trường đại học danh giá ở Trung Quốc năm 2018, Loretta Liu được tuyển dụng làm nhân viên thiết kế đồ họa cho loạt công ty nổi tiếng ở thành phố Thâm Quyến. Thu nhập của cô gái này vô cùng ổn định, ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục.

Sau 4 năm áp lực, Liu quyết định xin nghỉ công việc văn phòng ở tuổi 26, sau đó ứng tuyển vào vị trí cắt tỉa lông cho thú cưng. Mức lương chỉ bằng 1/5 so với trước đây song cô hài lòng với sự thay đổi này và khẳng định hy sinh là xứng đáng.

Nghĩ lại công việc trước đây, Liu cho biết việc thường xuyên phải tăng ca làm ngoài giờ khiến bản thân kiệt quệ: “Tôi phát ốm khi phải sống như vậy. Sau thời gian dài suy nghĩ, tôi biết mình chắc chắn không cần công việc này”.

Liu không phải người trẻ duy nhất đánh đổi công việc văn phòng danh giá và chuyển sang lao động chân tay. Đã có nhiều câu chuyện xoay quanh những nhân viên công nghệ đi làm thu ngân trong siêu thị, nhân viên kế toán đi bán xúc xích vỉa hè; rồi quản lý nội dung trở thành shipper. Đa phần đều chọn những công việc chân tay ở mức độ nhẹ nhàng, không quá nặng nhọc.

Trên mạng xã hội Xiaohongshu, hashtag “Lần đầu trải nghiệm lao động chân tay của tôi” thu hút hơn 28 triệu lượt xem. Những người hưởng ứng theo xu hướng này cho biết họ rất vui vì không phải tăng ca, lại còn được làm việc trong môi trường ít cạnh tranh, thoải mái.

“Tôi thà mệt mỏi về thể xác khi phải làm việc với những chú chó bất hợp tác, còn hơn là tổn hại về mặt tinh thần khi làm văn phòng”, Liu nói.

Áp lực không chỉ dừng lại ở cấp nhân viên. Tony Tang, giáo sư đại học tại Quảng Đông cho biết chính bản thân anh cũng cảm thấy mệt mỏi vì phải làm việc tới 12h mỗi ngày, suốt cả tuần.

“Tôi nghĩ rằng mình bị quá tải”, Tang chia sẻ. “Họ xem sự chăm chỉ là một đức tính đặc trưng của người Trung Quốc”.

Không thể phủ nhận áp lực giới trẻ Trung Quốc đang phải đối mặt. Ngay cả ra trường và đã tìm được việc, họ vẫn sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức lớn, chẳng hạn như văn hoá 996 cùng lịch làm việc quá dày đặc.

Sau khi nhận bằng thạc sĩ năm 2022, Eunice Wang, 25 tuổi, nhận lời đề nghị làm tư vấn quản trị ở Bắc Kinh. Thời điểm đó, cô vô cùng tự hào với sự nghiệp của mình.

Không lâu sau, Wang rơi vào vòng luẩn quẩn bởi khối lượng công việc lớn, bản thân lại không có thời gian nghỉ ngơi. Cô cũng không được gặp bố mẹ gần một năm vì lệnh hạn chế đi lại do dịch bệnh.

Mùa thu cùng năm, Wang nghỉ việc. Cô hiện là nhân viên tại một quán cà phê ở quê nhà Thẩm Dương với mức lương chỉ bằng 20% so với trước, song cảm thấy hạnh phúc hơn với cuộc sống của mình.

“Mọi người đều cho rằng chinh phục được một dự án hoặc giành được hợp đồng lớn là điều tuyệt vời và tôi đã từng tin là như vậy”, Wang nói về công việc cũ, đồng thời cho biết quan niệm giờ đây đã khác xưa rất nhiều.

Theo: SCMP, The New York Times


Theo Vũ Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên