MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xu hướng sắp cất nóc mới mở bán dự án trên thị trường bất động sản TPHCM

26-10-2016 - 11:28 AM | Bất động sản

Đối với chủ đầu tư, nếu thực sự có tiềm lực tài chính thì việc hoàn thiện sản phẩm trước khi tung ra thị trường là một lợi thế cạnh tranh.

Trong cuộc chiến cạnh tranh bán hàng, hiện nay có xu hướng một số doanh nghiệp BĐS đã quyết định xây thô xong rồi mới mở bán. Tại TPHCM có thể kể đến như dự án Him Lam Riverside (quận 7)...hay gần đây nhất là dự án La Astoria trên đường Nguyễn Duy Trinh (Q.2).

Theo đánh giá của bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng bộ phận nghiên cứu của Savills Việt Nam, nguyên nhân của xu hướng này là trong bối cảnh cạnh tranh chủ đầu tư muốn khẳng định uy tín cũng như tiềm lực tài chính. Bên cạnh đó, cũng có thể chủ đầu tư nhìn thấy tiềm năng tăng giá từ dự án nên chưa muốn bán ngay từ khi xây dựng mà đợi đến khi dự án đã hoàn thiện mới bung hàng.

Đứng ở phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Đạt, Giám đốc An Việt Real, cho rằng, với các doanh nghiệp Việt Nam, cơ cấu vốn đầu tư thường bao gồm vốn huy động từ khách hàng và ngân hàng. Rất khó có khả năng xây nhà, ra sổ xong mới bán. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nội cũng ngày càng ý thức, việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện pháp lý nhanh, càng giúp gia tăng giá trị cũng như uy tín trong mắt khách hàng.

Cùng quan điểm với ông Đạt, ông Phan Công Chánh, Chủ tịch HĐQT Phu Vinh Investment cho rằng với những doanh nghiệp chưa được nhiều người biết đến, thương hiệu chưa mạnh thì “làm tốt hơn nói”. Điều này có nghĩa là họ sẽ chứng minh cho khách hàng thấy bằng tiến độ và việc hoàn thiện về pháp lý trên thực tế hơn là chuyện tập trung PR trên các kênh truyền thông đại chúng. Chỉ khi thương hiệu mạnh, được thị trường biết đến tên tuổi, uy tín qua những dự án thực tế, thì khả năng họ huy động vốn sớm từ khách hàng, mới có thể thực hiện được.

Nhìn nhận ở góc độ khác, ông Đỗ Thế Hiển, Giám đốc Công ty Vina House, cho rằng, nếu doanh nghiệp xây nhà, ra sổ xong mới bán ra thị trường thì khách hàng sẽ phải chịu giá cao, trong khi số tiền tích lũy có thể họ phải gửi ngân hàng với lãi suất thấp. Nếu khách hàng đầu tư thì cơ hội lợi nhuận sẽ không cao, bởi nhiều lý do như: Dự án đã hiện hữu, mọi thứ đã được nhìn nhận đúng tiềm năng, tiến độ thanh toán gấp hơn…

“Đối với chủ đầu tư, nếu thực sự có tiềm lực tài chính thì việc hoàn thiện sản phẩm trước khi tung ra thị trường là 1 lợi thế. Tuy nhiên, điều này cũng không phải là không có rủi ro. Quá trình thi công dự án đến khi hoàn thiện có thể kéo dài hơn 2 năm. Trong thời gian đó có rất nhiều biến động thị trường. Xây xong mới bán thì chủ đầu tư khó có cơ hội cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp với thị trường ở thời điểm bán. Khả năng chôn vốn sẽ rất lớn.

Tại TP.HCM, dự án Kenton Residence vẫn còn là 1 bài học về câu chuyện quá cầu toàn trong kinh doanh. Nếu như chủ đầu tư mở bán khi dự án vừa xong móng, lúc thị trường đang ở cơn sốt 2007 thì có lẽ dự án đã bán sạch. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã không bán ở thời điểm đó mà họ tiếp tục xây dựng gần xong phần thô mới tung ra thị trường. Lúc này thị trường đã xuống dốc và kết quả là dự án đã “nằm im” nhiều năm nay. Việc hồi sinh dự án này là cả vấn đề lớn vì không dễ điều chỉnh sản phẩm” - ông Hiển chia sẻ.

Nguyên Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên