Xử lý hình sự vụ cà phê nhuộm than pin?
"Nếu thực sự sử dụng cà phê nhuộm chất bột trong pin để bán ra thị trường làm thực phẩm thì đây là hành vi ghê gớm, coi thường sức khỏe và tính mạng con người, phải xử lý hình sự" - đó là ý kiến của ông Ngô Xuân Lộc, Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông.
- 18-04-2018Cà phê "bẩn" tràn lan thị trường: Do người Việt thích dùng cà phê "đặc, đắng, sánh, bọt" ?
- 18-04-2018Cận cảnh chế biến cà phê độc hại từ tạp chất và than pin
Trưa 18-4, phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Ngô Xuân Lộc, Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông về việc chủ cơ sở đã dùng phế phẩm nhuộm than pin để sản xuất cà phê .
Lực lượng chức năng "đột kích" cơ sở chế biến cà phê của bà Loan
Theo ông Lộc, UBND tỉnh đã nắm thông tin ban đầu từ phía công an tỉnh và yêu cầu công an tỉnh khẩn trưởng điều tra làm rõ các vấn đề liên quan. UBND tỉnh cũng đã nhận được báo cáo nhanh về vụ việc nhưng nội dung báo cáo ban đầu chỉ mới đề cập đến vấn đề truy bắt được số lượng cà phê, tạp chất bị nhuộm với than pin. Hiện tại, vẫn chưa xác định được số lượng cà phê nhuộm chất độc hại có bán ra thị trường hay không và số lượng cà phê có trong kho hơn 15 tấn đã được nhuộm sử dụng vào mục đích gì. Do đó, phải làm rõ sản phẩm này có được bán đi để làm thực phẩm hay không, số lượng cà phê nhuộm chất độc hại bán ra thị trường là bao nhiêu, bán ở thị trường nào... "Nếu thực sự bán cà phê nhuộm chất trong viên pin ra thị trường làm thực phẩm cho con người thì phải xử lý hình sự. Đây là hành vi ghê gớm, coi thường sức khỏe và tính mạng con người quá rõ" - ông Lộc nêu quan điểm.
Còn theo ông Võ Ngọc Anh, Trưởng Công an xã Đắk Wer (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông), cơ sở của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (ở thôn 13, xã Đắk Wer) hoạt động từ năm 2016. Trong biên bản lời khai ban đầu, bà Loan cho biết đã bán nhiều tấn cà phê loại này cho một số người tại các thành phố ở Đông Nam bộ. Mỗi đợt pha trộn bằng cối trộn hồ có khoảng 6 tấn phế phẩm cà phê trộn cùng 1 thùng pin (khoảng 24 viên). Cơ sở của bà Loan mặc dù được cấp phép thu mua nông sản nhưng không thu mua nông sản trong dân và không treo biển hiệu. Bên cạnh đó, sản phẩm của cơ sở bà Loan không bán trên thị trường xã. Tuy nhiên, trước những biểu hiện bất thường, lực lượng chức năng đã vào cuộc nắm tình hình.
Tạp chất được nhuộm với than pin con Ó
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, ngày 15-4, lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp cùng Thanh tra Sở NN - PTNT tỉnh Đắk Nông đột nhập vào cơ sở chế biến cà phê bột của gia đình bà Loan. Cơ quan chức năng đã niêm phong 15 tấn phế phẩm cà phê đã được ngâm, tẩm chất bột than của pin, 500kg vỏ cà phê, cà phê nát, 35kg pin, 10 kg hỗn hợp nước và pin. Ngoài ra, trong kho của bà Loan còn khoảng 8 tấn phế phẩm cà phê.
Người lao động