Xử lý nghiêm những vi phạm gây bất ổn cho thị trường vốn
Đây là thông điệp được nhấn mạnh trong Nghị quyết 86, vừa được Chính phủ ban hành để phát triển bền vững thị trường vốn.
Điểm mới Nghị quyết 86
Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị quyết 86 về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết này một lần nữa khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc thanh lọc môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo tính công khai, minh bạch. Từ đó giúp thị trường vốn có được sự phát triển bền vững, củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư.
Nghị quyết mới nhấn mạnh tới việc phát triển lành mạnh cả 3 kênh huy động vốn chính là thị trường chứng khoán bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và thị trường tiền tệ, chính là kênh dẫn vốn qua các ngân hàng thương mại.
Riêng với thị trường cổ phiếu, mục tiêu đến năm 2025, quy mô vốn hóa sẽ tăng lên đạt 100% GDP. Đây sẽ là kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế. Để thị trường tăng được quy mô, việc tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư là vô cùng cần thiết. Những hành vi thao túng, làm giá, tung tin đồn trên thị trường, chắc chắn phải bị xử lý nghiêm.
Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị quyết 86 về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững. Ảnh minh họa.
Mới đây, Bộ Công an cho biết đã chuyển hồ sơ để xử lý 1 cá nhân và đang điều tra 9 đối tượng khác, tung tin đồn cấm xuất cảnh với người đứng đầu một doanh nghiệp lớn niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Dù tin đồn đã ngay lập tức được bác bỏ nhưng cũng ảnh hưởng tâm lý của nhiều nhà đầu tư, khiến thị trường giảm 16 điểm trong phiên hôm 11/7. Phản hồi với chương trình Khớp lệnh của VTVMoney, cộng đồng đầu tư cũng có những chia sẻ cảm xúc khá là hoang mang và thậm chí lỡ tay bán nhiều cổ phiếu tốt theo thông tin thất thiệt này. Thiệt hại là khó để đo đếm và đây không phải là lần đầu tiên những tin đồn làm ảnh hưởng thị trường đầu tư.
"Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khuyến nghị nhà đầu tư không đưa thông tin chưa kiểm chứng lên mạng. Nếu đưa thông tin giả mạo, thông tin si sự thật gây hậu quả, gây thiệt hại lớn cho tổ chức, cá nhân có thể bị xử lý hình sự", bà Lê Thị Việt Nga - Chánh Thanh Tra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khuyến cáo.
Quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán trước năm 2025
Sau khi chính phủ ban hành Nghị quyết về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững, thị trường hôm 12/7 cũng có những phản ứng tích cực. VN-Index tăng gần 20 điểm lên mốc 1.174,82 điểm.
Một câu hỏi cũng được nhiều nhà đầu tư đưa ra so sánh là tại sao hơn 20 năm thị trường chứng khoán phát triển, điểm số VN-Index bây giờ vẫn chỉ là quanh 1.200 điểm bằng với năm 2007. Tuy nhiên, nói như vậy là hơi oan cho thị trường cổ phiếu. Giai đoạn 2007, lúc VN-Index ở mức 1.200 điểm khi đó chỉ số P/E vào khoảng 40 lần hay thể hiện một thị trường có định giá bị đẩy lên quá cao, còn khi thị trường lên vùng đỉnh 1.500 vào năm 2021, P/E cũng chỉ quanh vùng 17 lần.
Tính từ năm 2000 đến 2022 ước tính GDP Việt Nam đã tăng 11,5 lần. Một thị trường cổ phiếu hiện nay đang chiếm gần 75% GDP thì tương ứng cũng đã cho thấy một sự tăng trưởng vượt bậc.
Thị trường cổ phiếu đang vận động ngày một giống với chiếc hàn thử biểu của nền kinh tế và còn nhiều tiềm năng để phát triển đặc biệt khi Chính phủ đang quyết tâm nâng hạng thị trường trong thời gian sớm nhất.
Trong buổi làm việc mới đây với tổ chức FTSE Russell, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết tổ chức nâng hạng này đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc công bố thông tin khi lúc này đã có nhiều doanh nghiệp công bố thông tin bằng tiếng Anh, nhưng để được nâng hạng trước 2025 một số vấn đề then chốt cần được sớm giải quyết.
Chính phủ đang quyết tâm nâng hạng thị trường trong thời gian sớm nhất. Ảnh minh họa.
Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang quyết liệt đưa hệ thống công nghệ KRX sớm đi vào hoạt động trong năm nay và đầu năm sau. Đây sẽ là tiền đề để xây dựng CCP từ đó rút ngắn chu kỳ thanh toán cũng như cho phép các sản phẩm đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư nước ngoài đi vào hoạt động.
"T+2, +1 +0 hoặc cho vay chứng khoán hay mua bán cùng ngày… nếu tháo gỡ được một trong những vấn đề này thì thanh khoản sẽ tốt hơn, thị trường sẽ hiệu quả hơn", ông Dominic Scriven - Phó Chủ tịch Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) cho hay.
Thành công nâng hạng theo FTSE cũng sẽ mở ra cánh cửa để chứng khoán Việt Nam được nâng hạng theo tổ chức lớn hơn là MSCI. Nếu được trở thành thị trường mới nổi, ước tính 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp mới sẽ chảy vào Việt Nam.
Doanh nghiệp bất động sản tìm kênh huy động vốn trung dài hạn từ trái phiếu
Với thị trường trái phiếu, từ đầu năm nay, cơ quan chức năng cũng đã xử lý một số doanh nghiệp có hành vi sai phạm trong huy động vốn trái phiếu, để đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh hơn.
Trong Nghị quyết mới ban hành, Chính phủ đặt mục tiêu đến 2025 dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, trong đó trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP. Hiện trái phiếu doanh nghiệp đang chiếm 14,2% GDP
Sau những sai phạm bị phát hiện khiến một số doanh nghiệp thận trọng hơn, không còn tình trạng ồ ạt phát hành như những năm trước, thậm chí tháng 4 không có đợt phát hành nào trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Điều này cho thấy các doanh nghiệp phải xem xét nghiêm túc lại quy trình phát hành trái phiếu.
Nhưng trong 2 tháng gần đây, cũng bắt đầu chứng kiến nhóm doanh nghiệp bất động sản quay lại kênh trái phiếu vì dù gì đây vẫn đang là kênh huy động thiếu yếu khi nguồn vốn cho vay vốn trung dài hạn từ ngân hàng dần bị siết lại. 6 tháng đầu năm, phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn đạt trên 165 nghìn tỷ đồng.
Bất động sản là nhóm đứng ở vị trí thứ hai về giá trị phát hành trái phiếu trong nửa đầu năm đã phát hành gần 43.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 26% toàn thị trường. Dù giảm đáng kể so với năm ngoái, nhưng đây vẫn là tín hiệu cho thấy nhu cầu huy động vốn của bất động sản qua kênh trái phiếu vẫn rất lớn, cũng như sự cẩn trọng của các doanh nghiệp phát hành trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng, Giám đốc - Trưởng bộ phận đầu tư trái phiếu - Dragon Capital Việt Nam cho hay: "Hiện giờ các công ty bất động sản tốt họ cũng có một sự dè dặt nhất định, vì họ không muốn bị đánh đồng với các công ty bất động sản chất lượng kém. Cái bước đi thận trọng là rất cần thiết, bởi thời gian vừa qua đã có sự trộn lẫn, gọi là "vàng thau lẫn lộn" trong chất lượng của các tổ chức phát hành".
Do đó, việc minh bạch thông tin trái phiếu doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Điều này cần sự chủ động minh bạch thông tin từ chính các doanh nghiệp, cũng như những quy định cụ thể hơn từ chính sách liên quan đến công bố thông tin, và xếp hạng tín nhiệm các tổ chức phát hành.
"Thứ nhất, nhanh chóng áp dụng những tiêu chuẩn, chuẩn mực tài chính quốc tế trong vấn đề công bố thông tin của doanh nghiệp có liên quan. Thứ hai là sớm xác định rõ lộ trình xếp hạng tín dụng doanh nghiệp là như thế nào để căn cứ vào đó giúp thị trường, nhà đầu tư có cơ sở để xem xét đánh giá", PGS.TS Trương Quang Thông - Đại học kinh tế TP Hồ Chí Minh cho hay.
Theo số liệu từ FiinGroup, sẽ có khoảng 63% giá trị trái phiếu tính đến cuối tháng 4 sẽ đáo hạn vào năm 2024. Với những thay đổi làm minh bạch thị trường của cơ quan chức năng, giới phân tích dự báo thị trường trái phiếu sẽ sôi động trở lại trong những tháng cuối năm.
Trong Nghị quyết mới, Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu phải phát triển thị trường trái phiếu thành thị trường chuẩn, đáp ứng nhu cầu huy động vốn cho phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt, lưu ý chấn chỉnh việc sử dụng vốn sau phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đảm bảo minh bạch, đúng mục đích để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư.
VTV