Xử lý nợ xấu: Cấp thiết phải có một sàn giao dịch
Việc tạo ra sàn giao dịch mua bán nợ được kỳ vọng sẽ giúp ích cho doanh nghiệp trong việc xử lý vướng mắc nợ xấu đang tồn đọng.
- 30-03-2016Không xử lý được tài sản đảm bảo, nợ xấu mua về chỉ để "thờ"
- 22-03-2016Xử lý nợ xấu chưa thực chất
- 21-03-2016Nợ xấu vẫn chưa thông
- 16-03-2016Tái tạo hàng trăm nghìn tỷ kẹt trong nợ xấu để giảm lãi suất?
- 15-03-2016Nợ xấu "mắc kẹt" tại VAMC gấp đôi số nợ xấu trên sổ sách
-
Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn
Mặc dù Việt Nam hiện có 2 Công ty mua bán nợ là DATC - trực thuộc Bộ Tài chính và Công ty Quản lý tài sản cuả các tổ chức tín dụng (VAMC) trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm nợ tồn đọng, số nợ xấu của các ngân hàng và tổ chức thương mại được giải quyết mới chỉ là một phần rất nhỏ.
Trong bối cảnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo đầu mối sàn giao dịch mua bán nợ được kỳ vọng sẽ giúp ích cho doanh nghiệp trong việc xử lý vướng mắc nợ tồn đọng.
Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo làm đầu mối sàn giao dịch mua bán nợ. (Ảnh minh họa: KT)
Gần 3 năm qua, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã gom về một lượng nợ xấu rất lớn từ các ngân hàng thương mại, với tổng trị giá khoảng 240.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty này mới chỉ xử lý được 10% số nợ xấu, 90% còn tồn đọng tại đây không giải quyết được. Trong vòng 3 - 4 năm, nếu số nợ xấu này không giải quyết được thì sẽ bị quay trả về các ngân hàng thương mại.
Còn công ty xử lý nợ xấu DATC của Bộ Tài chính được lập ra chủ yếu để gom nợ xấu của các doanh nghiệp Nhà nước để các doanh nghiệp này có thể cổ phần hóa. Nhiều năm qua, DATC muốn mở rộng hoạt động, mua bán các khoản nợ thương mại ngoài khu vực nhà nước, nhưng vốn ít, cơ chế quản lý còn nhiều khúc mắc chưa giải quyết được dẫn tới không có khả năng xử lý hoàn toàn nợ xấu...
Xuất phát từ thực tế này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang làm đầu mối xây dựng dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh hoạt động mua, bán nợ nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động mua, bán nợ, tiến tới hình thành và phát triển thị trường mua, bán nợ tập trung tại Việt Nam. Trong đó, sàn giao dịch nợ sẽ là nơi tập trung, tiến hành thường xuyên các hoạt động giao dịch mua, bán nợ; tư vấn, môi giới mua, bán nợ.
Theo chuyên gia Tài chính - Ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, với số lượng nợ xấu tương đối lớn mỗi năm, việc hình thành thị trường giao dịch nợ là hết sức cần thiết. Bởi hiện không nơi nào tập trung và đủ lớn để doanh nghiệp giao dịch nợ. Vì vậy các khoản nợ hoặc là “nằm chết”, gây thiệt hại cho các bên liên quan và kéo nền kinh tế đi xuống, hoặc chuyển nhượng lòng vòng không có đường ra.
“Chúng ta cần có một cơ chế mới tức một chợ mua bán đống nợ xấu đó. Hiện tại đã có thị trường mua bán nợ rồi gồm VAMC của ngân hàng thương mại, DATC của Bộ tài Chính..., thế nhưng mới chỉ tập trung ở một lĩnh vực rất hạn hẹp. Việc mua bán của các thành phần đó là sự trao đổi rất giới hạn, không phải là vấn đề mua bán thực sự, thành ra việc Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất thành lập sàn giao dịch, một chợ để mua bán nợ theo đúng nghĩa của nó là điều cần thiết”, Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đề cập.
Những năm qua, việc xử lý nợ xấu của các công ty tuy đạt kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc về vấn đề pháp lý. VAMC không có quyền chủ động để xử lý nợ xấu mua bằng tài sản đảm bảo; việc định giá khoản nợ đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể, cơ sở đánh giá còn phức tạp… Hiện chúng ta vẫn chưa có thị trường mua bán nợ nên người tham gia mua bán nợ không nhiều, ngoài các tổ chức tín dụng.
Do đó, Dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh hoạt động mua bán nợ của Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ hướng tới hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ tập trung tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ một cách công khai, minh bạch, bình đẳng, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Ông Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam cho rằng, hiện Việt Nam đã có đủ điều kiện để tiến tới thành lập thị trường mua bán nợ. Việc thành lập sàn giao dịch mua bán nợ là rất cần thiết nhằm gia tăng người mua, kẻ bán trên thị trường nợ, minh bạch hóa quá trình mua bán nợ và giảm tải cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VAMC. Tuy vậy, vấn đề đặt ra đối với sàn giao dịch nợ, cũng giống như VAMC, là phải gỡ bỏ các rào cản về thủ tục pháp lý thì mới thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.
“Đã đến lúc cần phải có một thị trường mua bán nợ, hiện có cung có cầu, có hàng hóa nên trước mắt cần có khung khổ pháp lý cung cầu, bên mua, bên bán gặp nhau. Thị trường mua bán đó có thể được thực hiện tập trung hoặc có thể thực hiện thông qua các công ty mua bán nợ quốc gia như DATC hoặc VAMC. Song song với đó, một mặt vẫn cứ tiếp tục mua bán nếu như khuôn khổ pháp lý đã cho phép, mặt khác tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để thành lập sàn giao dịch tập trung. Mọi việc cần được triển khai càng nhanh càng tốt”, ông Lực nhận định.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc đặt ra nghị định về sàn giao dịch mua bán nợ xấu sẽ tạo cơ sở thông thoáng hơn cho việc kinh doanh, mua bán nợ xấu. Tuy nhiên, nghị định này cần được quy định rõ hơn trong việc giải quyết vấn đề sở hữu, cách phân chia khối lượng nợ đó như thế nào để định giá cụ thể cho người mua bán nợ. Bởi chỉ khi nào xác định được cụ thể khối lượng và giá trị theo thị trường, người mua bán nợ mới dám đầu tư để thực hiện.
Bên cạnh đó, việc xây dựng các quy định mới cần phải có sự nghiên cứu chặt chẽ, giúp đảm bảo thị trường mua bán nợ hoạt động ổn định, tránh tổ chức yếu kém gây nhiễu loạn./.
VOV