Xứ sở “người đẹp Tây Đô” bất ngờ lọt top 5 địa phương hút vốn FDI nhiều nhất cả nước trong 10 tháng, vượt mặt Hà Nội và Quảng Ninh
Điểm đáng chú ý trong tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 10 tháng đầu năm 2021 là sự "đổi ngôi" của các địa phương dẫn đầu.
- 12-11-2021Chuyên gia lý giải vì sao NĐT nên ưu tiên cổ phiếu hơn trái phiếu và tiền mặt, bất chấp rủi ro lạm phát
- 12-11-2021Nhìn lại các mô hình đầu tư trong quá khứ: Lạm phát tăng ở mức nào thì NĐT nên 'rót tiền' vào cổ phiếu, trái phiếu, vàng, BĐS...?
- 12-11-2021Kinh tế gia đoạt giải Nobel chỉ ra điều khiến tắc nghẽn 'nhất thời' sẽ kéo dài hơn nữa: 'Hệ thống chuỗi cung ứng đang như một người cận thị không đeo kính vậy!'
Mới đây, Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông tin về tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 10 tháng đầu năm.
Theo đó, tính đến 20/10/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 15,15 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Lũy kế đến ngày 20/10/2021, cả nước có 34.266 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 404 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt trên 247 tỷ USD, bằng 61,1% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Điểm đáng chú ý trong tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 10 tháng đầu năm 2021 là sự "đổi ngôi" của các địa phương dẫn đầu.
Nếu như năm 2020, Tp.HCM dẫn đầu với tổng vốn đăng ký đạt 4,36 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư; Bạc Liêu đứng thứ hai với 1 dự án lớn có vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hà Nội đứng thứ 3 với gần 3,6 tỷ USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hải Phòng,…
Tuy nhiên sau 10 tháng đầu năm 2021, Long An bất ngờ đứng đầu danh sách thu hút vốn FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,68 tỷ USD, chiếm 15,5% tổng vốn đầu tư đăng ký, trong đó có dự án điện lớn lên tới 3,1 tỷ USD. Tp.HCM đã trở lại vị trí thứ 2 với trên 2,73 tỷ USD, chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký 2,72 tỷ USD, chiếm gần 11,5% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Cần Thơ, Quảng Ninh,…
TP. Cần Thơ nhìn từ trên cao (Nguồn: Internet)
Ngoài việc Long An soán ngôi đầu bảng, Cần Thơ cũng gây bất ngờ khi bỗng lọt vào top 5 tỉnh thu hút FDI nhiều nhất trong 10 tháng qua. Với 1,327 tỷ USD vốn đăng ký mới, địa phương này thậm chí đứng trước cả Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang hay Đồng Nai.
Đây là lần đầu tiên TP. Cần Thơ lọt vào nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Trước đó, trong toàn bộ năm 2020, Cần Thơ chỉ thu hút vỏn vẹn 11 triệu USD vốn FDI, chưa bằng 1/120 thành tích 10 tháng đầu 2021.
Tuy vậy, tính về số lượng dự án, Cần Thơ vẫn đang thua xa các tỉnh dẫn đầu. Trong 10 tháng đầu năm 2021, Cần Thơ đã thu hút 4 dự án FDI, trong khi con số này của Long An, TP.HCM, Hải Phòng và Bình Dương lần lượt là 46; 469; 39,56.
Vốn FDI của Cần Thơ thu hút từ đầu năm 2021 đến nay chủ yếu đến từ Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) có tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD, với mục tiêu xây dựng một nhà máy nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia tại Cần Thơ.
Tiềm năng lớn
Theo báo Công thương, các chính sách hỗ trợ DN của thành phố Cần Thơ đã tạo điều kiện rất lớn cho DN gia nhập thị trường và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Cùng với triển khai chủ trương chung của Chính phủ, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành quan tâm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển, thông qua cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đăng ký kinh doanh, thúc đẩy kết nối ngân hàng - DN, gỡ khó kịp thời cho DN. Song song đó, thành phố cũng điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận thông tin, phát triển dự án, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư.
Kết quả chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong 5 năm gần đây (2016- 2020) cho thấy Cần Thơ nằm trong nhóm khá, riêng năm 2019 xếp trong nhóm tốt. Các chỉ số này phản ánh doanh nghiệp đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố đã cải thiện hơn. Do thời gian đăng ký kinh doanh, hoàn tất hồ sơ, thủ tục của doanh nghiệp được rút ngắn hơn. Doanh nghiệp cũng ít phải trả các chi phí không chính thức khi làm thủ tục hồ sơ, môi trường cạnh tranh cũng bình đẳng hơn giữa khối tư nhân và FDI…
Cơ sở hạ tầng giao thông cũng đóng vai trò quan trọng. Hồi tháng 6/2021, Tập đoàn Đèo Cả đưa ra hai phương án cho tuyến cao tốc kết nối Cần Thơ với Hậu Giang, trong đó đề xuất chọn phương án 1 với chiều dài 37km, tổng mức đầu tư hơn 8.027 tỷ đồng.
Hồi tháng 1 năm nay, UBND tỉnh Hậu Giang đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép là cơ quan chủ trì quản lý đầu tư giai đoạn 2 tuyến đường nối Vị Thanh - Cần Thơ (QL61C) với tổng mức đầu tư 4.528 tỷ đồng (đoạn qua địa bàn Hậu Giang 3.550 tỷ đồng; đoạn qua TP Cần Thơ 978 tỷ đồng) thuộc Chương trình hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Doanh nghiệp và tiếp thị