Xu thế dòng tiền: Đà giảm vẫn còn?
Mặc dù thị trường có dừng đà giảm ở phiên cuối tuần nhưng các chuyên gia vẫn tỏ ra bi quan về diễn biến ngắn hạn...
- 25-06-2018Xu thế dòng tiền: Ưu tiên giao dịch ngắn hạn
- 20-06-2018Dòng tiền ngoại vẫn 'ở lại và tìm cơ hội giải ngân' tại Việt Nam
- 18-06-2018Xu thế dòng tiền: Điều chỉnh chưa đủ hấp dẫn?
Nguy cơ thị trường điều chỉnh thêm trong tuần tới được các chuyên gia đánh giá cao hơn. Các căn cứ đưa ra không mới nhưng vẫn rất quan trọng: Đó là thanh khoản rất yếu. Nhà đầu tư vẫn rất thờ ơ trước các cơ hội bắt đáy cho thấy vùng giá hiện tại chưa đủ hấp dẫn.
Đánh giá về các thông tin hỗ trợ mới, như số liệu kinh tế vĩ mô và một số thông tin sớm liên quan đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, các chuyên gia đưa ra những nhận xét khác nhau. Quan điểm thận trọng cho rằng các thông tin này tuy đã được biết nhưng vẫn không giúp thị trường có được phản ứng tốt hơn những gì thể hiện trong ngày cuối tuần. Dòng vốn ngoại vẫn đang bán ròng nên rủi ro của thị trường vẫn cao.
Quan điểm lạc quan hơn cho rằng trong bối cảnh trống vắng thông tin như vừa qua thì việc thị trường hướng tới kết quả kinh doanh quý 2 là điều có thể trông đợi. Tuy nhiên hiệu ứng phân hóa ở cổ phiếu sẽ rất mạnh mẽ.
Với quan điểm chủ đạo là thận trọng, các chuyên gia thực hiện thu gọn danh mục cổ phiếu rất đáng kể hoặc đứng ngoài thị trường.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Chứng khoán Việt Nam đã thêm tuần thứ ba sụt giảm liên tục với cường độ mạnh đã diễn ra và có thể đổ lỗi cho nhiều nguyên nhân như tuần trước anh chị đã trao đổi. Phiên cuối tuần thị trường đã ổn định lại một chút. Về mặt kỹ thuật, anh chị có thay đổi kịch bản của mình không, liệu thị trường có nguy cơ điều chỉnh thêm nữa không?
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Theo quan điểm của tôi cho rằng, thị trường nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục điều chỉnh trong ngắn hạn với mốc hỗ trợ đang lưu ý nằm tại 900-930 điểm. Tuy nhiên, đà giảm của thị trường có thể sẽ diễn ra theo kịch bản giằng co, zigzag đi xuống chứ không giảm sốc như các nhịp giảm trước đó.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Nếu theo dõi các phiên gần đây, chúng ta có thể thấy thị trường vẫn đang giao dịch rất yếu. Về mặt kỹ thuật, trong kịch bản tích cực tôi cho rằng thị trường vẫn sẽ dao động side way trong vùng 930-1.030 điểm.
Tuy nhiên, nếu thanh khoản thị trường vẫn tiếp tục mất hút kèm theo tác động tiêu cực từ thị trường khu vực và thế giới, thì VN-Index có thể điều chỉnh về mức tiêu cực hơn, trước mắt là 916 điểm và có thể giảm sâu hơn về thấp hơn 900 điểm.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên Cứu Phân Tích, Chứng khoán Vietinbank
Dựa trên phân tích kỹ thuật, chúng tôi quan ngại rằng thị trườngtrong ngắn và trung hạn vẫn khá tiêu cực khi mà các đường MA9, MA50 & MA100 vẫn tiếp tục đi xuống trong bối cảnh các chỉ báo kỹ thuật khác đều chưa cho thấy sự cải thiện mang tính tích cực đáng kể và VN30 đã lại một lần nữa xuyên thủng mức 980 điểm của đường MA200.
Bên cạnh đó, với việc dải Bollinger duy trì xu hướng đi ngang với hai đường biên ổn định, chúng tôi vẫn tiếp tục bảo lưu quan điểm cho rằng thị trường trong tháng 7 sẽ chủ yếu đi ngang tích lũy quanh vùng điểm 935 - 975 điểm xen kẽ các phiên điều chỉnh nhẹ.
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Thị trường tuần từ 25/6 đến 29 /6 đã có diễn biến khá tiêu cực khi bị ảnh hưởng bởi thị trường chứng khoán quốc tế. Với việc đầu tuần thị trường mở cửa ở ngưỡng 997 điểm, được nâng đỡ bởi đường MA 200 thì đến cuối tuần thị trường đã xuyên thủ đường MA 200 và đóng cử ở ngưỡng 960 điểm. Đường MA 10 ngày cắt xuống dưới đường MA 200 ngày cho thấy nhiều khả năng diễn biến trong ngắn hạn vẫn là tiêu cực.
Tuy nhiên với việc giao dịch với mức thanh khoản thấp từ 3000 đến 4000 tỷ/phiên nhưng thị trường đã không còn hiện tượng giảm mạnh cho thấy nhiều khả năng thị trường sẽ đi vào trạng thái tích lũy trong thời gian tới.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Phiên cuối tuần phục hồi đang được cho là nhờ hiệu ứng kéo NAV của các quỹ. Mặc dù vậy thanh khoản vẫn thể hiện rõ ràng về sự thờ ơ của nhà đầu tư. Có quan điểm lo ngại về hiệu ứng ngược sẽ diễn ra sau khi hoạt động này kết thúc, quan điểm của anh chị thế nào?
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Thông thường, động thái kéo NAV, tôi chỉ đánh giá cao vào 2 đợt, đó là kỳ chốt NAV toàn cầu của Rothschild vào tháng 10 và kỳ chốt báo cáo tài chính năm vào tháng 12. Còn động thái chốt NAV tháng 6 thường không có nhiều tác động tích cực.
Nếu quan sát chúng ta có thể thấy VN-Index chỉ hồi phục nhờ vài nhân tố lẻ loi ở cổ phiếu trụ. Do đó, xu hướng chung tiếp theo của thị trường không bị tác động từ hoạt động chốt NAV này.
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Theo tôi rất khó để nói thị trường phiên cuối tuần phục hồi do hoạt động kéo NAV của các quỹ. Thị trường phiên cuối tuần phục hồi phần lới do cá diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán châu Á, tỷ giá đã có dấu hiệu ổn định, giá dầu phục hồi đã có tác động tốt đến tâm lý của các nhà đầu tư.
Ngoài ra việc các thông tin tích cực về tốc độ tăng trưởng GDP, các thông tin tích cực về lợi nhuận của nhóm ngân hàng sẽ có tác dụng nâng đỡ thị trường và rất khó để thị trường tiếp tục sụt giảm mạnh.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Thực tế trong tuần qua, dù giảm điểm nhưng diễn biến thị trường đã được hỗ trợ khá nhiều từ hiệu ứng chốt NAV của các quỹ. Sau khi yếu tố hỗ trợ này qua đi thì tôi cho rằng thị trường sẽ càng khó khăn hơn trong việc tạo ra nỗ lực tăng điểm trở lại trong ngắn hạn.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank
Việc dòng tiền từ các nhà đầu tư vẫn tỏ ra khá thờ ơ kể cả khi thị trường đã trải qua các đợt điều chỉnh sâu và liên tục khiến nhiều mã cổ phiếu đang được giao dịch ở thị giá khá hấp dẫn trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam 6 tháng đầu năm được đánh giá là rất tích cực là điều khá dễ hiểu.
Nguyên nhân chính khiến cho thanh khoản trên thị trường đang rất kém là do đại bộ phận các nhà đầu tư đều nhận định rằng kiếm lợi nhuận từ thị trường chứng khoán đã không còn dễ dàng như trước đây nữa và do đó khiến thị trường càng trở nên kém hấp dẫn hơn, đặc biệt là khi so sánh với thị trường chứng khoán phái sinh.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác là do sự biến động bất thường và khó lường của thị trường từ cuối tháng tư đến nay khi chỉ số VN-Index có thể tăng giảm tới gần 80 điểm chỉ trong hai phiên giao dịch cũng khiến cho một phần lớn các nhà đầu tư lựa chọn giải pháp đứng ngoài thị trường nhằm bảo toàn vốn.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Kết thúc tháng 6 cũng là lúc các thông tin vĩ mô khá tích cực xuất hiện. Xen kẽ là những con số ước tính lợi nhuận 6 tháng của doanh nghiệp. Tuy vậy thị trường cũng không tỏ ra hào hứng nhiều. Anh chị có đánh giá cao các thông tin hỗ trợ mới này không, anh chị có kỳ vọng yếu tố hỗ trợ nào tốt hơn?
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Việc GDP 6 tháng đầu năm tăng 7,08% cao nhất trong 8 năm, suất siêu 6 tháng đầu năm ước đạt 2,71 tỷ USD cho thấy nên kinh tế đang tăng trưởng hết sức mạnh mẽ. Đây là những thông tin vĩ mô hết sức tích cực để dòng tiền có thể quay lại thị trường sau 1 khoảng thời gian dài trống thông tin.
Sắp tới sẽ là khoảng thời gian các doạnh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý 2 cũng như tổng kết 6 tháng đầu năm, đây sẽ là yếu tố tác động rất lớn đến thị trường.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Hiện tại tôi thấy rằng các yếu tố bất lợi đang nhiều hơn so với các thông tin hỗ trợ cho thị trường. Các thông tin vĩ mô liên tục được công bố với chiều hướng tích cực nhưng thị trường dường như đã phản ánh yếu tố này vào giai đoạn tăng trưởng mạnh trước đó.
Còn thông tin về triển vọng lợi nhuận nửa đầu năm của doanh nghiệp sẽ bắt đầu được hé lộ dần từ tuần tới có thể cũng sẽ chỉ tạo ra được sự hỗ trợ mang tính cục bộ với sự phân hóa theo kết quả kinh doanh của từng doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank
Tuy tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam trong 6 tháng đầu năm là rất tích cực đi kèm với con số ước tính lợi nhuận của các doanh nghiệp được cải thiện một cách khá đáng kể nhưng những thông tin hỗ trợ này vẫn chưa tạo được động lực cần thiết nhằm việc thu hút dòng tiền trở lại trong bối cảnh đại bộ phận tâm lý nhà đầu tư vẫn đang tỏ ra khá tiêu cực và khối ngoại vẫn chưa dừng hoàn toàn động thái bán ròng.
Theo quan điểm của chúng tôi, việc dòng tiền đang có xu hướng rút ra khỏi các thị trường mới nổi và vấn đề căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc đạt được sự thỏa thuận cùng có lợi cho cả đôi bên trong thời gian sắp tới sẽ là động lực chính giúp thu hút dòng tiền trở lại mạnh mẽ trên thị trường.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Hiện nay, quan sát thị trường chúng ta có thể thấy dòng tiền dường như đang không có hào hứng bắt đáy, mà vẫn đang hoàn toàn đứng ngoài thị trường. Bằng chứng là thanh khoản thị trường vẫn đang rất thấp.
Điều này cho thấy, các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi 1 đợt điều chỉnh mạnh để đưa thị trường về vùng hấp dẫn hơn, bởi thị trường khu vực và thế giới vẫn đang biến động khá tiêu cực trước cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Trong kịch bản lạc quan mà tôi đưa ra ở trên, thị trường biến động trong vùng 930-1.030 điểm thì thanh khoản vẫn ở mức thấp, và dòng tiền sẽ phân hóa vào các cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 2 tốt.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Tuần trước dù có ưu tiên giao dịch ngắn hạn nhưng thực tế là rất ít cổ phiếu có lãi được trong vòng T3. Anh chị có thực hiện giao dịch mới không?
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi đứng ngoài thị trường trong tuần qua. Hiện tại tôi chỉ duy trì tỷ trọng danh mục tổng của mình ở mức 15% cổ phiếu cho các vị thế trung hạn.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank
Mặc dù không tiến hành giao dịch thêm trong tuần vừa qua nhưng chúng tôi vẫn khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn xem xét giải ngân vào nhóm cổ phiếu ngân hàng mà tiêu biểu là VPB, VCB, CTG…với kỳ vọng lợi nhuận "khủng" trong quý 2.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Với việc thị trường đang diễn biến theo hướng tiêu cực hơn nên tôi tạm thời ngưng giao dịch và quan sát, nếu thị trường diễn biến tích cực hơn, tôi sẽ ưu tiên dòng cổ phiếu midcap và ngân hàng khi có nhịp điều chỉnh mạnh.
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Với thị trường hiên tại thì đây là dịp để các nhà đầu tư có thể cơ cấu lại danh mục của mình, lọc ra các cổ phiếú tốt có chất lượng. Ưu tiên lúc này là hạ bới tỉ trọng cổ phiếu. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể tạm đứng ngoài thị trường trong giai đoạn này. Tỷ trọng nhà đầu tư có thể giữ ở mức 30% cổ phiếu, 70% tiền mặt.
Vneconomy