Xu thế dòng tiền: Đã nên chốt lời cổ phiếu ngân hàng?
Diễn biến VN-Index trên khung thời gian tuần. Nguồn: Tradingview
Đà tăng giá ấn tượng của nhóm cổ phiếu ngân hàng càng gây chú ý khi cuối tuần qua, đến lượt các cổ phiếu ngân hàng nhỏ trên sàn UpCoM cũng tham gia “cuộc đua”, thậm chí là kịch trần ở biên độ 15%...
- 30-05-2021Vượt xa định giá của công ty chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng có quá đắt?
- 29-05-2021Cổ phiếu "vua" đồng loạt lập đỉnh, nhiều sếp ngân hàng và người nhà đăng ký bán ra
- 29-05-2021Vì sao nhà đầu tư chấp nhận mặt bằng giá cổ phiếu ngân hàng cao hơn?
Đà tăng giá ấn tượng của nhóm cổ phiếu ngân hàng càng gây chú ý khi cuối tuần qua, đến lượt các cổ phiếu ngân hàng nhỏ trên sàn UpCoM cũng tham gia “cuộc đua”, thậm chí là kịch trần ở biên độ 15%.
Các chuyên gia có những đánh giá khác nhau về hành động hợp lý với nhóm cổ phiếu ngân hàng tại thời điểm này. Quan điểm trung dài hạn cho rằng vẫn nên nắm giữ do các yếu tố cơ bản hỗ trợ sóng tăng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn còn và chỉ nên bán đi khi các yếu tố đó kết thúc.
Quan điểm ngắn hạn đánh giá một cách thận trọng hơn khi chứng kiến các cổ phiếu ngân hàng nhỏ vốn không được quan tâm trước đây đột nhiên tăng theo trào lưu chung với đặc trưng là tăng trần hàng loạt hoặc vài chục phần trăm chỉ trong một vài phiên. Cũng có chuyên gia đã thực hiện chốt lời và không còn nắm giữ cổ phiếu ngân hàng trong danh mục. Ý kiến đa số vẫn đang nắm giữ một phần và khuyến cáo nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng khi tính chất đầu cơ trong ngắn hạn đã lên cao.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Anh chị đã đúng tuần qua, các cổ phiếu nhỏ không có sóng mà lợi nhuận cũng không tốt, trong khi cổ phiếu ngân hàng tiếp tục nổi bật. Nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng thậm chí còn cao hơn cả mức định giá hợp lý dựa trên yếu tố cơ bản mà các công ty chứng khoán nhận định gần đây. Liệu nhóm này đang trong một trào lưu đầu cơ?
Việc nói nhóm này đang trong một trào lưu đầu cơ là điều hợp lý khi nhiều cổ phiếu mua T+ đều cho lợi nhuận trên 10% thậm chí là 30%. Ông Nguyễn Việt Quang
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Dòng tiền đầu cơ đã vào mạnh nhóm cổ phiếu ngân hàng và giá của nhóm cổ phiếu này đã tăng cao hơn cả mức định giá hợp lý dựa trên yếu tố cơ bản. Chúng ta không thể đo lường được “cơn điên” của thị trường hay “sự hưng phấn” của đám đông.
Theo tôi nhóm cổ phiếu này đã tăng lên ở mặt bằng giá quá cao. Nhà đầu tư cá nhân đặc biệt là các nhà đầu tư mới tham gia lại càng phải thận trọng với làn sóng đầu cơ mới khi mà rủi ro điều chỉnh giá luôn thường trực.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Sau 15 năm, cổ phiếu ngân hàng đang trở lại thời “hoàng kim”, chỉ trong 1 tháng vừa qua tất cả các cổ phiếu ngân hàng trên sàn (27 cổ phiếu) đều tăng điểm, tức không có cổ phiếu nào là không tốt, chỉ là tăng ít hay tăng nhiều, đó có thể là một trào lưu đầu cơ như đã diễn ra của nhóm cổ phiếu “vua”.
Nhìn vào bối cảnh hiện tại và năm 2006, động lực tăng trưởng của nhóm cổ phiếu ngân hàng có nhiều nét tương đồng: 1) Thị trường chung tăng trưởng mạnh mẽ nhờ lượng nhà đầu tư mới gia nhập thị trườg;, 2) Nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò dẫn dắt với tính thanh khoản lớn nhất và sức hấp dẫn cao nhất; 3) Lợi nhuận nhiều ngân hàng đạt mức kỷ lục, vượt trội.
Bên cạnh đó là làn sóng tăng vốn điều lệ, nợ xấu được cải thiện, các định chế tài chính quốc tế đánh giá tích cực, v.v… Thời hoàng kim của nhóm cổ phiếu ngân hàng 15 năm trước vẫn còn trong ký ức của nhiều nhà đầu tư lâu năm khi còn giao dịch sôi động trên sàn OTC và cứ bán là mất hàng, nhiều cổ phiếu đã tăng tới mức giá không thể tin được!!!
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Theo tôi cổ phiếu Ngân hàng là cổ phiếu mà bất cứ nhà đầu tư mới nào khi tham gia thị trường mua đều cảm thấy yên tâm và đó cũng là điều đẩy các cổ phiếu ngân hàng lên vùng giá cao như hiện tại.
Việc nói nhóm này đang trong một trào lưu đầu cơ là điều hợp lý khi nhiều cổ phiếu mua T+ đều cho lợi nhuận trên 10% thậm chí là 30%.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Báo cáo của các công ty chứng khoán đều có chung nhận định ngân hàng là một trong số ít ngành đảm bảo khả năng tăng trưởng bất chấp ảnh hưởng của đại dịch. Điều này khiến dòng tiền liên tục đổ vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, làm xuất hiện tình trạng đầu cơ và đẩy giá cổ phiếu tăng vượt quá giá trị theo định giá cơ bản.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Khái niệm “trào lưu đầu cơ” nhằm nói đến xu hướng dòng tiền ồ ạt đổ vào 1 nhóm cổ phiếu nhằm tìm kiếm lợi nhuận từ các biến động giá ngắn hạn, thay vì kỳ vọng vào các chuyển biến nội tại của doanh nghiệp qua đó thúc đẩy cổ phiếu tăng giá.
Tôi không cho rằng điều này đang diễn ra ở nhóm cổ phiếu ngân hàng khi mà nhóm này đang được hưởng lợi từ nhiều yếu tố thuận lợi, cả vĩ mô và vi mô, và đã được phản ánh qua báo cáo tài chính các nhà băng trong 2-3 quý trở lại đây với tăng trưởng mạnh ở hầu hết các mảng kinh doanh chính, trong khi chi phí được cắt giảm và chất lượng tài sản được củng cố.
Định giá cổ phiếu là 1 môn nghệ thuật có tính chất tương đối và phần nhiều phản ánh quan điểm cá nhân của các chuyên viên phân tích. Dù có nhiều quan điểm khác nhau, tuy nhiên nhìn chung hầu hết các công ty chứng khoán đều đang duy trì góc nhìn tích cực ở nhóm cổ phiếu ngân hàng dù nhóm này đã tăng mạnh từ đầu năm đến nay.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Thị trường có một phiên điều chỉnh khá mạnh hôm 27/5 nhưng ngay phiên cuối tuần lại bật trở lại còn mạnh hơn. VN-Index lên cao nhất 1323 điểm, bắt đầu tiến vào vùng điểm số dự tính trước đây của anh chị cách đây 2 tuần. Theo anh chị dư địa tăng ngắn hạn có còn? Anh chị có thay đổi quan điểm?
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Thị trường sau khi bứt 1.300 điểm quay lại “test” là điều khá bình thường. Hiện tại theo tôi dư địa tăng của thị trường là không còn nhiều khi nhóm ngân hàng đang có dấu hiệu chạy nước rút rồi và thị trường cũng thế.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Dù chưa có số liệu chính thức về số lượng tài khoản mở mới trong tháng 5, việc thanh khoản tiếp tục tăng mạnh, thậm chí dẫn đến tình trạng nghẽn lệnh cho thấy đang xuất hiện làn sóng nhà đầu tư F0 mới gia nhập vào thị trường từ diễn biến phức tạp của đại dịch. Dòng tiền này đủ sức hấp thụ áp lực chốt lời các cổ phiếu đã tăng mạnh, nên khả năng tăng điểm trong ngắn hạn của chỉ số là vẫn còn.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Tôi vẫn duy trì quan điểm thận trọng hơn và cho rằng thị trường sẽ vẫn có nhịp điều chỉnh mạnh quanh vùng 1.300 – 1.320 điểm. Có lẽ một phiên điều chỉnh ở thứ 5 tuần trước vẫn chưa đủ.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Tôi không chắc về biến động ngắn hạn của thị trường. Dù vậy, trong điều kiện lạm phát và dịch bệnh không chuyển biến xấu, lãi suất duy trì ở mức thấp và các doanh nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ như trong 2 quý gần đây, tiềm năng tăng trưởng của chỉ số VN-Index trong trung hạn còn tương đối dồi dào.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Kể từ khi vượt ngưỡng 1.200 điểm vào đầu tháng 4, chỉ số VN-Index đã tăng 8/9 tuần, thậm chí chỉ số VN30 còn có chuỗi tăng 9 tuần liên tục. Thanh khoản khớp lệnh trên sàn HSX trong 3 tuần vừa qua luôn đạt trên 20.000 tỷ đồng/phiên, hiện đang là mức kỷ lục mới. Những phiên giao dịch tỷ USD trên toàn thị trường hiện nay đã trở nên quen thuộc với nhà đầu tư.
Về kỹ thuật, xu hướng tăng của thị trường còn tiếp diễn khi chỉ số VN-Index đang hướng tới chuỗi tăng 4 tháng liên tiếp, đà tăng được hỗ trợ bởi dòng tiền ngày càng đổ vào thị trường và chưa có dấu hiệu đạt đỉnh, thanh khoản bình quân trên cả 3 sàn đã tăng từ mức 16.700 tỷ đồng/phiên trong tháng 2 lên 25.886 tỷ đồng/phiên trong tháng 5.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Trừ nhóm ngân hàng tăng giá rất tốt trong tháng 5, rất nhiều cổ phiếu khác tăng không đáng kể hoặc không tăng, thậm chí giảm. Vậy có thể xuất hiện nhiều cổ phiếu đang được định giá rẻ hay không, nhất là khi kết quả kinh doanh quý 2 sắp tới. Anh chị quan tâm đến những cổ phiếu nào như vậy?
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Nhìn chung biến động thị trường trong tháng 5 hay nhìn dài hơn là từ đầu năm đến nay cho thấy sự phân hoá mạnh mẽ khi mà doanh nghiệp tốt, lợi nhuận tăng trưởng mạnh có giá cổ phiếu liên tục vượt đỉnh, trái ngược với diễn biến suy yếu ở những cổ phiếu doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan hay có các vấn đề về cơ bản, nội tại.
Xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong thời gian tới trong bối cảnh sự phân hoá trong hoạt động sản xuất kinh doanh giữa các nhóm doanh nghiệp sẽ ngày càng rõ nét. Cá nhân tôi ưu tiên nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn ở các ngành ngân hàng, thép, công nghệ thông tin.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Có lẽ những nhóm cổ phiếu thiên hướng đầu tư giá trị như nhóm cổ phiếu bảo hiểm, dầu khí, nhóm cổ phiếu hóa chất hoặc một số doanh nghiệp bất động sản cũng đang được định giá mở mức khá rẻ. Có 2 nhóm tôi quan tâm hơn cả đó là cổ phiếu bảo hiểm và cổ phiếu dầu khí.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Kể từ đầu năm, chỉ số VN-Index đã tăng gần 20% và không nhiều nhóm cổ phiếu đánh bại được thị trường. Các nhóm cổ phiếu hiện có mức tăng tốt hơn thị trường như: Ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, dệt may, bán lẻ, vật liệu xây dựng, hóa chất,…. Đây cũng là những nhóm cổ phiếu được dòng tiền kỳ vọng, nhất là khi kết quả kinh doanh quý 2 sắp tới. Việc chạy theo nhiều cổ phiếu đang được định giá rẻ có thể là cái bẫy giá trị.
Các nhóm cổ phiếu đang được tôi quan tâm ngoài nhóm ngân hàng có thể có: chứng khoán, bất động sản, nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ sự tăng giá của hàng hóa cơ bản như: thép, dầu khí, khai thác đồng, kẽm, quặng sắt….
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Ngoài nhóm cổ phiếu ngân hàng thì tôi cho rằng nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng là một điểm đến khá hấp dẫn. Thanh khoản luôn duy trì trên 20,000 tỷ đồng mỗi phiên giúp các công ty chứng khoán cải thiện hiệu quả hoạt động của mảng môi giới và thu phí dịch vụ. Ngoài ra, nhiều công ty cũng tiến hành nâng vốn điều lệ nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng margin. Đồng thời, mảng tự doanh cũng được kỳ vọng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh khi chỉ số liên tục thiết lập đỉnh lịch sử mới trong giai đoạn gần đây.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Theo tôi giai đoạn này chúng ta cần tập trung vào các cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 1 tốt, các ngành được hỗ trợ và có câu chuyện để kết quả kinh doanh quý 2 vẫn duy trì tăng trưởng. Hiện tại thì nhóm ngành dầu khí, bất động sản đang là những nhóm ngành thời gian tới chú ý sau nhóm ngành Ngân hàng và chứng khoán.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Thanh khoản tuần qua lại lập kỷ lục mới và cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng rất cao. Anh chị có sở hữu cổ phiếu ngân hàng không? Các mã ngân hàng trong tháng 5 lợi nhuận rất lớn, lúc này nhà đầu tư đang có cổ ngân hàng nên hành động thế nào?
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Tôi đã không còn sở hữu cổ phiếu ngân hàng. Tôi nghĩ là nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng, bán ra các cổ phiếu ngân hàng bởi nhóm cổ phiếu này đã và đang ở mức giá khá cao so với mức định giá cơ bản.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Tuần vừa qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm tới gần 50% thanh khoản toàn thị trường nhờ giao dịch của các nhà đầu tư tổ chức. Kể từ khi thị trường vượt ngưỡng 1.200 điểm, thanh khoản nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm tới 40% so với mức 34% kể từ đầu năm. Là một người luôn bám thị trường, tôi luôn tập trung vào những gì đang xảy ra do vậy trong danh mục cũng có cổ phiếu ngân hàng, nhìn về kỹ thuật hoặc định giá có thể các chỉ báo đang ở vùng cao nhưng cũng chưa cần phải bán!
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Một phần tỷ trọng của tôi có cổ phiếu ngân hàng. Hiện tại nếu nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ngân hàng: với nhà đầu tư thận trọng có thể chốt lời từng phần khi cổ phiếu chạy nước rút, những nhà đầu tư ưa rủi ro hơn có thể đợi khi cổ phiếu nắm giữ có dấu hiệu phân phối hoặc gãy để bán cổ phiếu.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu ngân hàng ở thời điểm hiện tại nên bỏ qua các biến động ngắn hạn và tiếp tục duy trì năm giữ cho đến khi các yếu tố cơ bản chuyển biến kém thuận lợi như NIM bị thu hẹp, nợ xấu tăng, tăng trưởng tín dụng bị siết chặt, cầu tín dụng suy yếu…
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Tôi vẫn đang nắm giữ cổ phiếu ngành ngân hàng với tỷ trọng vừa phải trong danh mục. Với mức lợi nhuận khá lớn trong thời gian vừa qua, nhà đầu tư nắm giữ nhóm cổ phiếu này có thể cân nhắc chốt lời một phần để hiện thực hóa lợi nhuận đồng và chủ động hơn trước diễn biến của cổ phiếu.
VnEconomy