MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xu thế dòng tiền: Giảm danh mục ngắn hạn

Các chuyên gia tỏ ra lạc quan với việc VN-Index tiếp tục tiến lên đỉnh cao mới...

Các chuyên gia tỏ ra lạc quan với việc VN-Index tiếp tục tiến lên đỉnh cao mới. Tuy nhiên việc giảm danh mục cổ phiếu ngắn hạn lại đang được thực hiện.

Yếu tố thanh khoản sụt giảm trong bối cảnh thị trường tăng được các chuyên cho rằng không đến từ yếu tố giảm hỗ trợ đòn bẩy tài chính từ các công ty chứng khoán. Việc cân đối lại và cơ cấu số liệu ở thời điểm lập báo cáo bán niên có thể xảy ra với các công ty chứng khoán, nhưng không phải là do thiếu nguồn.

Thanh khoản sụt giảm tuần qua được cho là xuất phát từ chiến lược đầu tư của nhà đầu tư. Các chuyên gia đều cho rằng đã có sự thận trọng nhất định trong giao dịch khi các cổ phiếu đạt đến vùng kháng cự mạnh khiến nhịp giải ngân bị chững lại một chút.

Mặt khác, đây cũng là thời điểm các nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục, nên nếu nhìn thanh khoản từ phía khối lượng thì có sự sụt giảm, nhưng nhìn từ giá trị thì không biến động nhiều. Theo các chuyên gia đó là hiện tượng tập trung vốn ở các cổ phiếu cơ bản tốt, thị giá cao. Các giao dịch ngắn hạn cũng ít cơ hội lợi nhuận lớn so với thời điểm trước.

Đối với vị thế, ngoài một chuyên gia vẫn chưa quay lại thị trường, cả 4 chuyên gia còn lại đều thực hiện giảm bớt cổ phiếu ngắn hạn trong tuần qua.

Nguyễn Hoàng-VnEconomy

Phiên cuối tuần hẳn đã khiến nhiều nhà đầu tư thở phào khi VN-Index lại vượt lên được đỉnh cao mới. Tuy nhiên câu chuyện tăng giá của VNM hay SAB cũng tạo nên nhiều nghi ngại vì kiến tạo lực hỗ trợ rất đúng thời điểm. Quan điểm của anh chị thế nào, thị trường đang tăng trưởng tích cực hay chỉ là vấn đề điểm số?

Hồ Huyền-Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Tôi nhận thấy tuần qua nhiều nhà đầu tư có lãi hơn, nếu xét ở góc độ này thì thị trường đang tích cực. Tuy nhiên, tôi vẫn còn nghi ngại khi điểm số tăng nhưng thanh khoản thị trường lại giảm, đặc biệt một số cổ phiếu tạo đỉnh cao mới nhưng thanh khoản lại thấp hơn hồi nửa đầu tháng 5.

Ông Lê Đức Khánh-Giám đốc Chiến lược thị trường, Chứng khoán HSC

Mặc dù lạc quan về xu hướng thị trường trong hiện tại và chỉ quan tâm đến triển vọng các cổ phiếu nhưng tôi vẫn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nắm giữ các cổ phiếu tiềm năng hơn là phải bận tâm đến diễn biến của VN-Index.

Nếu phải đưa ra dự đoán về thị trường thì tôi vẫn nói là ngưỡng cản 778 - 800 điểm đang là mốc kháng cự mạnh. Thị trường có thể biến động “khó lường” quanh ngưỡng cản trên do có thể có những cổ phiếu lớn bất ngờ tăng hoặc giảm mạnh ảnh hưởng đến điểm số chung như câu chuyện VNM, SAB cuối tuần qua. Diễn biến điều chỉnh có thể diễn ra quanh ngưỡng kháng cự tâm lý nói trên.

Ông Trần Xuân Bách-Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng thị trường nhiều khả năng vẫn sẽ còn một nhịp tăng điểm ngắn với đích đến kỳ vọng nằm tại 780-785 điểm.

Tuy nhiên, sự phân hóa đang diễn ra ngày một rõ nét trong tuần qua và điều này được dự báo sẽ còn tiếp tục xảy ra trong thời gian tới, đặc biệt là khi mùa công bố kết quả kinh doanh quý 2 đang đến gần.

Như vậy, hoàn toàn có khả năng thị trường sẽ xảy ra hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” trong quá trình tiến đến vùng kháng cự trên.

Ông Trần Hữu Phúc-Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là động lực tăng điểm chính với hàng loạt tên tuổi như VNM, GAS, HPG, SAB, VCB. Thị trường tiếp tục giao dịch tích cực trong tuần này với sắc xanh trên cả hai sàn. VN-Index có tuần tăng điểm thứ tư liên tiếp, trong khi đó HNX-Index hồi phục trở lại sau tuần điều chỉnh trước đó.

Chúng tôi nhìn nhận thị trường đang tăng điểm rất tích cực và đây là điều kiện lý tưởng để các nhà đầu tư cá nhân cũng như tổ chức lựa chọn những cơ hội đầu tư tốt.

Ông Lê Hoàng Tân-Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Tôi cho rằng việc thị trường tăng điểm trong một thời gian dài nhưng hai cổ phiếu chủ lực là SAB và VNM chưa có sóng tăng nào đáng kể phần nào cũng thu hút được dòng tiền phòng thủ, có xu hướng lựa chọn các cổ phiếu an toàn.

Ngoài 2 cổ phiếu SAB và VNM thì nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng giao dịch khởi sắc và thu hút được dòng tiền khá lớn từ thị trường. Đây là động lực giúp thị trường liên tục xác lập các đỉnh cao mới.

Với mức thanh khoản duy trì ở mức 200 triệu cổ phiếu một phiên và giá trị đạt gần 5 nghìn tỷ thì rõ ràng chưa có rủi ro đối với thị trường trong ngắn hạn.

Nguyễn Hoàng-VnEconomy

Đã có một sự hụt hơi tương đối rõ trong tuần qua, là thanh khoản sụt giảm khá nhiều. Đang có ý kiến về việc hạn chế cấp margin từ các công ty chứng khoán ở thời điểm kết thúc kỳ bán niên. Anh chị có thể xác nhận điều nay không? Nếu dịch vụ margin vẫn bình thường, tại sao thanh khoản lại giảm đi như vậy?

Ông Trần Xuân Bách-Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi chưa có được số liệu về tình hình margin của các công ty chứng khoán nên không có ý kiến về vấn đề này.

Còn nguyên nhân thanh khoản có dấu hiệu giảm sút trong tuần qua, theo tôi chủ yếu đến từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi thị trường đang tiếp cận các vùng kháng cự mạnh nhưng lại thiếu vắng các nhóm ngành có thể nổi lên với vai trò dẫn dắt chỉ số.

Thêm vào đó, sau một giai đoạn tăng mạnh, nhiều nhóm cổ phiếu đã và đang tiếp cận các vùng kháng cự mạnh. Điều này đã khiến cho khả năng tìm kiếm cơ hội đầu tư trở nên khó khăn hơn

Ông Lê Hoàng Tân-Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Nhìn khối lượng giao dịch thì rõ ràng đã có sự sụt giảm về thanh khoản, tuy nhiên giá trị giao dịch lại duy trì khá tốt, điều này cho thấy dòng tiền có xu hướng thận trọng hơn và tập trung giao dịch ở các cổ phiếu có cơ bản tốt, thị giá cao.

Tôi cho rằng điều này hoàn toàn hợp lý, đặc biệt là trong bối cảnh thời gian đã có khá nhiều cổ phiếu đầu cơ, chưa có sự cải thiện tương đối về hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thị giá đã tăng gấp nhiều lần. Điều này dẫn đến rủi ro rất lớn khi giao dịch mạnh ở nhóm cổ phiếu đầu cơ.

Đối với dịch vụ margin, đâu đó có một vài công ty chứng khoán cơ cấu số liệu ở thời điểm lập báo cáo bán niên, tuy nhiên tôi cho rằng nó không ảnh hưởng nhiều đến diễn biến trên thị trường mà chủ yếu do hành vi và chiến lược của nhà đầu tư tạo nên.

Ông Lê Đức Khánh- Giám đốc Chiến lược thị trường, Chứng khoán HSC

Thứ nhất, việc thắt chặn danh mục cho vay hay nới room hoặc tỷ lệ các cổ phiếu trong từng giai đoạn của các các công ty chứng khoán cũng có thể là một thông tin tham khảo nhưng không phải là quan trọng lắm đối với việc đầu tư hay việc quản lý danh mục đầu tư theo chiều sâu.

Có chăng việc các hoạt động giao dịch ngắn sẽ cần phải thận trọng hơn nhất là chú ý đến điểm bán ra hay việc cơ cấu danh mục nếu việc hạn chế hay mở rộng margin các cổ phiếu có liên quan.

Thứ 2, câu chuyện margin cũng khó có thể là lý do dựa và đó chúng ta nhận định rằng có liên quan đến thanh khoản thấp đi của toàn thị trường. Có lẽ dòng tiền có vẻ chững lại, nhà đầu tư giao dịch có phần dè dặt hơn khi mà ai ai cũng lo ngại điều chỉnh, điểm mua ở các cổ phiếu đã ít đi khá nhiều khi nhiều cổ phiếu đã tăng 1, 2 nhịp lớn.

Kết hợp hai điều trên thì chiến lược phù hợp hơn đối với nhà đầu tư có lẽ là việc cơ cấu lại danh mục, giảm tỷ trọng ở các cổ phiếu đã tăng nhiều, bán đi những cổ phiếu yếu kém.

Ông Trần Hữu Phúc-Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Thanh khoản trên hai sàn giảm nhẹ so với tuần giao dịch trước với trung bình gần 4.500 tỷ đồng mỗi phiên giao dịch. Cụ thể, trên HOSE, giá trị giao dịch giảm 11% xuống 19,395 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 2% xuống 1.078 triệu cổ phiếu. Trên HNX, giá trị giao dịch giảm 7% xuống 3.015 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 13% xuống 247 triệu cổ phiếu.

Chúng tôi được biết hoạt động margin tại các công ty chứng khoán lớn vẫn diễn ra hết sức bình thường, thanh khoản sụt giảm đơn thuần chỉ là nhịp giải ngân của các nhà đầu tư tại thời điểm hiện tại mà thôi.

Hồ Huyền-Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Đúng là margin đang căng. Tuy nhiên, đây cũng không phải là lần đầu kể từ đầu sóng đến nay áp lực margin lớn. Từ phía các công ty chứng khoán, tôi không nghĩ vấn đề là thiếu nguồn.

Nguyễn Hoàng-VnEconomy

Những số liệu vĩ mô 6 tháng vừa được công bố với tốc độ tăng trưởng khá mạnh ở quý 2/2017. Liệu thị trường có thể kỳ vọng điều gì trong trung hạn 6 tháng cuối năm với nền tảng vĩ mô?

Ông Lê Hoàng Tân-Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Tôi cho rằng điều này có lợi rất nhiều cho thị trường chứng khoán, đặc biệt là 6 tháng cuối năm khi Chính phủ đồng loạt triển khai các nhóm giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm từ 6.5-6.7% trong đó có thể có cả việc tăng đầu tư công và tăng trưởng tín dụng được mở rộng.

Ông Trần Hữu Phúc-Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% cho cả năm 2017, rất có khả năng Chính phủ sẽ tiếp tục tạo nhiều chính sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua chính sách tiền tệ nới lỏng thông qua thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cùng với đó là chính sách tài khóa mở rộng thực hiện hiệu quả các khoản mục đầu tư công.

Những động thái trên cùng với nền tảng lạm phát thấp liên tục được duy trì cao trong nhiều tháng qua, hoàn toàn có rất nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế được hưởng lợi và thị trường chứng khoán tiếp tục có bước tăng điểm mới.

Hồ Huyền-Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Tôi nghĩ 6 tháng qua thị trường đã có sự tăng trưởng rất tốt, nếu vĩ mô có tốt hơn cũng đã phần nào phản ánh vào sự tăng trưởng này rồi. 6 tháng cuối năm vẫn có những nhịp tăng hấp dẫn, nhưng khó có thể gọi là bùng nổ mạnh mẽ và kéo dài.

Ông Trần Xuân Bách-Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi cho rằng với việc Chính phủ vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức cao cho cả năm, chính sách tiền tệ sẽ được điều hành theo hướng nới lỏng. Tăng trưởng tín dụng nhiều khả năng sẽ tăng nhanh hơn nữa với mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp như hiện nay.

Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư tiếp tục kỳ vọng về xu hướng tăng của thị trường trong trung hạn.

Ông Lê Đức Khánh-Giám đốc Chiến lược thị trường, Chứng khoán HSC

Tôi vẫn dự báo các chỉ tiêu, thông tin vĩ mô năm nay đang phản ánh sức khỏe nền kinh tế cũng như xu hướng uptrend của thị trường chứng khoán. Các thông tin tích cực vẫn sẽ liên tục được công bố từ nay đến cuối năm.

Nguyễn Hoàng-VnEconomy

Lần lượt hết đỉnh này đến đỉnh khác được VN-Index chinh phục và số cổ phiếu tăng giá trong tuần là tương đối nhiều. Anh chị đã mua thêm hay bán bớt, tỷ trọng như thế nào?

Ông Lê Hoàng Tân-Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Tôi vẫn duy trì nắm giữ các cổ phiếu trong danh mục chiến lược, đối với các cổ phiếu trading tôi đang giảm dần tỷ trọng để bảo vệ thành quả.

Ông Trần Xuân Bách-Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tuần qua, tôi đã thực hiện bán chốt lời một phần cho danh mục ngắn hạn của mình. Tỷ trọng danh mục tổng của tôi hiện còn 70% cổ phiếu (trong đó, phần danh mục trung hạn chiếm 30% cổ phiếu).

Ông Lê Đức Khánh-Giám đốc Chiến lược thị trường, Chứng khoán HSC

Tôi không mua vào cổ phiếu trong tuần qua nhưng có giảm đôi chút tỷ lệ cổ phiếu trong danh mục. Tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt hiện nay đang là 60%/40%.

Ông Trần Hữu Phúc-Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Chúng tôi tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ phiếu cao trong danh mục. Nhà đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục và có thể tận dụng những phiên điều chỉnh của thị trường để cơ cấu lại danh mục, có thể mua vào đối với những mã có cơ bản doanh nghiệp tốt và triển vọng kinh doanh tích cực trong quý 2 và cả năm nay.

Tỷ lệ cổ phiếu tối ưu 80% và 20% tiền mặt.

Hồ Huyền-Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Tôi tiếp tục giữ tài khoản không cổ phiếu.

Theo Nguyễn Hoàng

VnEconomy

Trở lên trên