Xu thế dòng tiền: Sức mạnh nội tại hỗ trợ thị trường
Những diễn biến khá tiêu cực trên thị trường chứng khoán quốc tế cũng như giá dầu giảm được cho là không ảnh hưởng lớn tới thị trường trong nước...
- 25-03-2017Khoá đào tạo I-GAIN!: Món quà định hướng dành cho những sinh viên đam mê chứng khoán
- 23-03-2017Câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam (Kỳ 1)
- 22-03-2017Tiến sĩ Lê Thẩm Dương: Tôi "đánh" chứng khoán rất "kinh", nhưng không thể biết mã nào là tốt!
Cuối tuần qua thị trường đột phá qua ngưỡng 720 điểm của VN-Index nhưng áp lực bán ra lại tăng mạnh. Các chuyên gia cho rằng đó là áp lực chốt lời bình thường khi nhà đầu tư có xu hướng bán ra ở ngưỡng kháng cự, đồng thời nhiều cổ phiếu đã tăng khá mạnh trước đó.
Những biến động thất thường trên thị trường chứng khoán quốc tế và diễn biến giảm mạnh của giá dầu được cho là những nhân tố có ảnh hưởng, nhưng sẽ không đáng kể đối với thị trường Việt Nam. Xu thế tăng hiện tại của thị trường là tích cực và có nhiều thông tin hỗ trợ nội tại.
Các chuyên gia tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao với mục tiêu tiếp theo của VN-Index vào khoảng 730 điểm - 750 điểm.
Nguyễn Hoàng
Thị trường đã có thể thở phào ngày cuối tuần khi rốt cục ngưỡng 720 điểm mà anh chị nhiều lần nhắc đến đã bị phá vỡ và duy trì thành công. Tuy thế có thể thấy rất rõ là khi thị trường vượt đỉnh, áp lực bán lại tăng rất mạnh và ngày cuối tuần cũng không phải một phiên tăng trọn vẹn. Tại sao khi thị trường vượt qua được ngưỡng kháng cự mạnh, nhà đầu tư lại bán ra nhiều như vậy và ép VN-Index thiếu chút nữa là giảm?
Bà Hồ Huyền-Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
VN-Index và các cổ phiếu có bước đi không giống nhau nên có thể quyết định mua bán của nhà đầu tư không còn phụ thuộc nhiều vào VN-Index nữa. VN-Index vượt đỉnh mà cổ phiếu đến ngưỡng chốt lời thì người cầm cổ phiếu đó sẽ cân nhắc bán ra, có thể để di chuyển sang nhóm cổ phiếu khác.
Ông Trần Xuân Bách-Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi cho rằng đây là hiện tượng thường thấy khi các chỉ số hoặc cổ phiếu tạo được sự bứt phá qua các vùng kháng cự tâm lý mạnh. Áp lực chốt lời bảo toàn lợi nhuận ở các mốc kháng cự luôn được ưu tiên, còn lực cầu mới thường có xu hướng chờ đợi các nhịp “pullback” của chỉ số để tham gia vào thị trường như một sự xác nhận tin cậy hơn về khả năng bứt phá thành công qua vùng cản mạnh của chỉ số.
Ông Trần Hữu Phúc-Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Chỉ số VN-Index đã thành công vượt qua ngưỡng 720 điểm. Tính trong cả tuần giao dịch, VN-Index tăng 11,6 điểm (+1,63%) lên 722,36 điểm; HNX-Index tăng 2,99 điểm (+3,38%) lên 91,37 điểm.
Thanh khoản trong tuần này tăng nhẹ so với tuần trước với trung bình hơn 4.000 tỷ đồng mỗi phiên trên cả 2 sàn. Mức độ thanh khoản thể hiện sự tích cực của các nhà đầu tư tham gia giao dịch trên thị trường không chỉ lượng cổ phiếu được các nhà đầu tư bán ra, lượng cầu đặt vào trên toàn bộ thị trường cũng hết sức tích cực.
Nguyễn Hoàng
Tuần trước anh chị có đánh giá khá tích cực khi các yếu tố gây bất lợi như ETF hay FED tăng lãi suất đã chấm dứt. Tuy nhiên tuần qua lại xuất hiện những biến động mới đặc biệt là trên thị trường chứng khoán quốc tế cũng như giá dầu rất thất thường. Trong nước thì lãi suất liên ngân hàng cũng như huy động có dấu hiệu tăng. Anh chị đánh giá ảnh hưởng của những nhân tố mới này như thế nào?
Ông Trần Xuân Bách-Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Thực tế cho thấy biến động trên thị trường chứng khoán quốc tế và diễn biến của giá dầu gần như đã không còn tạo được ảnh hưởng đáng kể đến xu hướng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua.
Còn về diễn biến tăng đối với mặt bằng lãi suất huy động trong thời gian gần đây chủ yếu mang tính cục bộ tại nhóm ngân hàng nhỏ và phần nhiều do hiệu ứng của Thông tư 06 chứ không phản ánh những khó khăn về mặt thanh khoản của cả hệ thống, hiện vẫn đang trong trạng thái khá dồi dào.
Do đó, tôi cho rằng yếu tố này sẽ tạm thời không gây ảnh hưởng đến diễn biến thị trường trong ngắn hạn.
Ông Trần Hữu Phúc-Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Theo tôi hiện tại các nhân tố trên vẫn ảnh hưởng đến thị trường nhưng hiệu ứng không đủ mạnh để phá vỡ xu hướng tăng giá tích cực hiện tại.
Ngoài ra những yếu tố về tăng trưởng tín dụng tăng trưởng GDP và tỷ lệ nhập siêu của Việt Nam sẽ là những thông tin vĩ mô tác động mạnh lên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bà Hồ Huyền-Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Theo thống kê các năm trước thì các ngân hàng thường có đợt tăng lãi suất huy động vào đầu năm, nên với tôi thông tin này không đáng lo ngại.
Thị trường chứng khoán quốc tế trải qua nhịp tăng mạnh, điều chỉnh như vậy cũng vẫn ở mức chấp nhận được. Lo ngại duy nhất lúc này là giá dầu thất thường. Tôi nghiêng về khả năng giá dầu sẽ không phá đáy.
Nguyễn Hoàng
Việc VN-Index vượt thành công mức 720 điểm, theo anh chị, trên góc độ kỹ thuật, anh chị sẽ kỳ vọng thị trường đi đến đâu?
Ông Trần Xuân Bách-Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Theo quan điểm cá nhân tôi cho rằng, nếu VN-Index kiểm chứng lại thành công các vùng đỉnh ngắn hạn mà chỉ số vừa mới bứt phá qua thì có thể kỳ vọng vào kịch bản chỉ số tiến đến thử thách vùng kháng cự mạnh quanh 730 điểm trong ngắn hạn.
Bà Hồ Huyền-Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Tôi vẫn giữ nguyên kỳ vọng VN-Index có thể đạt 750 điểm. Thị trường có khả năng đi vào nhịp tăng cuối, trước khi xuất hiện đợt điều chỉnh mạnh, nên dù thị trường vẫn còn cách 30 điểm so với kỳ vọng, tôi bắt đầu giữ trạng thái cảnh giác nhiều hơn.
Ông Trần Hữu Phúc-Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Tôi cho rằng mục tiêu tiếp theo của VN-Index là vùng 730 điểm và hỗ trợ gần nhất tại 714 điểm. Trong dài hạn chúng tôi nhìn nhận thị trường có thể tiến đến ngưỡng 780 điểm.
Nguyễn Hoàng
Tuần trước anh chị đã không giải ngân, còn tuần này thì sao? Mức phân bổ danh mục hiện tại như thế nào?
Ông Trần Hữu Phúc-Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Chúng tôi ưu tiên khuyến nghị nhà đầu tư lướt sóng tận dụng nhịp tăng để hạ dần tỷ trọng cổ phiếu thay cho bất cứ hoạt động giải ngân vội vàng nào do tín hiệu hiện tại khá phân hóa. Hoạt động giải ngân khôn ngoan là mua trong các phiên giảm điểm và hạ tỷ trọng trong các phiên tăng mạnh.
Ông Trần Xuân Bách-Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tuần qua, tôi có thực hiện giải ngân thêm 20% cho phần danh mục ngắn hạn của mình với kỳ vọng vào khả năng thị trường sẽ có sự bứt phá khỏi xu hướng đi ngang hiện tại. Tỷ trọng danh mục tổng của tôi hiện được duy trì ở mức 75% cổ phiếu (trong đó, phần danh mục ngắn hạn chiếm 20%).
Bà Hồ Huyền-Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Tôi vẫn giữ 80% cổ phiếu của tuần trước.
VnEconomy