Xu thế dòng tiền: Thị trường có bùng nổ sau kỳ nghỉ?
Các chuyên gia khá thống nhất trong kỳ vọng thị trường sẽ mạnh mẽ hơn trong những ngày sau kỳ nghỉ...
- 01-01-2017Nhận diện cơ hội từ thị trường chứng khoán năm 2017
- 31-12-2016Khép lại 2016, năm đại thắng cho chứng khoán, vàng và dầu
- 30-12-2016Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán 2016: Những thay đổi bất ngờ
Mặc dù thị trường tuần cuối năm biến động rất ít và thanh khoản chỉ ở mức thấp, nhưng đó cũng chính là những gì các chuyên gia chỉ ra từ trước. Thị trường được cho là vẫn đang tích lũy và các chuyên gia cho rằng hoàn toàn có thể mạnh mẽ hơn trong những ngày tới.
Tuy nhiên, sức mạnh của thị trường lại được các chuyên gia nhìn nhận khác nhau. Quan điểm lạc quan nhất cho rằng hoàn toàn có thể tăng điểm bứt phá ngay trong tháng 1/2017. Quan điểm thận trọng nhất cho rằng thị trường có thể chỉ gia tăng biên độ dao động trong thế đi ngang mà thôi.
Các quan điểm trung tính đánh giá cao hơn khả năng phân hóa cổ phiếu và nhóm cổ phiếu trong thời gian tới. Điều này xuất phát từ tình trạng phân hóa đang diễn ra rất rõ trên thị trường với nhiều cổ phiếu/nhóm cổ phiếu thu hút lực cầu tốt hơn trong khi nhiều cổ phiếu lại rất ít biến động.
Nguyễn Hoàng
Thị trường có thêm một tuần lễ giao dịch rất lặng lẽ và thanh khoản tiếp tục suy yếu. Tuy thế nếu nhìn vào ngắn hạn so với tuần trước thì cổ phiếu lại tăng giá khá nhiều. Theo anh chị đó có phải là tín hiệu tích cực cho thị trường hay không? Không ít nhà đầu tư đang kỳ vọng thị trường sẽ bùng nổ sau kỳ nghỉ, anh chị đánh giá thế nào về khả năng đó?
Ông Lê Đức Khánh:Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Thị trường đang có diễn biến giao dịch tích lũy đi ngang với biên độ hẹp quanh vùng 660 - 665 điểm với thanh khoản ở mức trung bình. Tuy nhiên điều đáng khi nhận là lực cầu tốt xuất hiện ở các nhóm cổ phiếu cơ bản đặc biệt là nhóm cổ phiếu thép, vật liệu, xây dựng trong khi đại đa số các mã cổ phiếu khác lại không có biến động nhiều về giá.
Tâm lý giao dịch thận trọng từ phía các nhà đầu tư nội cùng với diễn biến mua bán cổ phiếu ngoại khá trầm lắng ở giai đoạn cuối năm đã phần nào giải thích xu hướng của thị trường chung. Nhìn tổng thể, VN-Index đang tích lũy tích cực và hoàn toàn có thể tăng điểm bứt phá ngay trong tháng 1/2017.
Bà Hồ Huyền:Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Tuần qua VN-Index không có tiến triển đáng kể nhưng nhìn ở các cổ phiếu lại tích cực hơn rất nhiều. Tỷ lệ các cổ phiếu có lãi đang gia tăng, đó là tín hiệu tốt để dòng tiền tự tin đổ thêm vào thị trường.
Tại giai đoạn này sự nghi ngại vẫn còn, nên thanh khoản thấp là điều dễ hiểu. Cá nhân tôi cũng kỳ vọng vào sự bùng nổ sau kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, đó là cơ hội ngắn hạn, chứ không phải là một con sóng lớn thực sự.
Ông Lê Hoàng Tân:Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Mặc dù thanh khoản trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2016 tiếp tục duy trì ở mức thấp nhưng có nhiều tín hiệu tích cực từ sự phục hồi của nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường như sắt thép, xây dựng...
Trong khi đó một vài nhóm cổ phiếu vẫn chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc, thậm chí vẫn giảm mặc dù có những phiên thị trường giao dịch rất tích cực. Điều này diễn ra đúng như những gì chúng ta đã nhận định trong tuần trước là thị trường sẽ có sự phân hóa khá mạnh trong nửa đầu năm 2017.
Hiện nay, dòng tiền trên thị trường vẫn chưa có nhiều đột biến nên rất khó để thị trường bùng nổ trên diện rộng sau kỳ nghỉ mà sẽ tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu với nhau. Điều này cũng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục, chuẩn bị cho một năm 2017 thành công hơn.
Ông Trần Xuân Bách:Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Trong bối cảnh thị trường đang nằm trong giai đoạn đi ngang trong biên độ hẹp, thì sự tăng giá của nhiều cổ phiếu, đặc biệt là các cổ phiếu bluechips có thể được xem là tích cực, bởi nó giúp tạo sự cân bằng cần thiết cho thị trường trước áp lực điều chỉnh của một vài cổ phiếu vốn hóa lớn.
Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, điều này chưa thể đảm bảo cho thị trường một sự bùng nổ sau kỳ nghỉ lễ.
Thị trường vẫn cần thêm thời gian tích lũy và đáp ứng được một số điều kiện về trạng thái giá, thanh khoản cũng như các yếu tố thông tin hỗ trợ để có thể tạo được sự bứt phá qua các vùng kháng cự mạnh trong thời gian tới.
Mặc dù vậy, với những thông điệp về chính sách kinh tế vĩ mô cùng mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2016 có thể sẽ giúp thị trường có diễn biến tích cực hơn trong nhưng tuần đầu của năm mới 2017.
Tôi thiên về kịch bản, VN-Index sẽ tiếp tục đi ngang nhưng với biên độ mạnh hơn trong vùng 650-680 điểm trong tháng 01/2017.
Nguyễn HoàngCho đến lúc này, thời điểm cuối cùng của năm 2016, bức tranh kinh tế vĩ mô đã lộ diện. Với cái nhìn dài hạn hơn cho năm 2017, anh chị đánh giá thế nào về triển vọng cơ bản của thị trường? Liệu có mối lo ngại nào trong năm 2017 khiến anh chị quan ngại hay không?
Ông Lê Hoàng Tân:Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Hiện nay chúng tôi đang xây dựng chiến lược đầu tư cho năm 2017, dự kiến sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán sẽ tổ chức hội thảo về chủ đề này cho các nhà đầu tư.
Các số liệu kinh tế vĩ mô và kinh tế ngành đang được thống kê và đánh giá lại nên tôi chưa thể có kế hoạch chi tiết. Tuy nhiên, nhìn tổng quan các yếu tố cơ bản, tôi cho rằng năm 2017 thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng tương đối ổn định và cơ hội kiếm lời cho nhà đầu tư vẫn còn nhiều.
Năm 2017 sẽ có sự đan xen giữa các yếu tố vĩ mô thuận lợi và khó khăn, tuy nhiên để nêu ra những mối lo ngại thì tôi cho rằng tỷ giá, lạm phát và thâm hụt ngân sách là 3 yếu tố mà tôi quan tâm nhất.
Ông Lê Đức Khánh:Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Tôi cho rằng năm 2017 vẫn là năm khó khăn với nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán. Mặc dù các chỉ tiêu vĩ mô vẫn được dự báo tốt nhưng sẽ khó có đà tăng ấn tượng giống như năm 2016 (13.8%) nhưng vẫn có thể tăng thêm 10 - 11% khi VN-Index có thể tiếp cận vùng 750 - 760 điểm.
Câu chuyện tỷ giá, lạm phát quay trở lại, lãi suất khả năng tăng sau thời gian giảm mạnh chưa kể đến động thái tăng lãi suất của FED, khối ngoại bán ròng ở một số cổ phiếu lớn….
Theo tôi thị trường vẫn tiếp tục xu hướng tăng điểm trong năm 2017 nhưng sẽ tập trung ở một số cổ phiếu thuộc các nhóm ngành cơ bản chứ không phải toàn bộ thị trường. Tôi đánh giá câu chuyện lạm phát, tỷ giá, thu chi ngân sách và kể cả diễn biến giao dịch của khối ngoại được đánh giá là khó lường trong năm tới.
Ông Trần Xuân Bách:Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Triển vọng cơ bản của thị trường trong năm 2017 vẫn được tôi đánh giá ở mức tích cực với các yếu tố thuận lợi sau:
- Lộ trình tham gia các hiệp định thương mại tự do AEC, Asean +6, Việt Nam - EU FTA tiếp tục tạo động lực tái cơ cấu nền kinh tế.
- Khả năng mở room ngoại cho các nhóm ngành, đặc biệt là ngành ngân hàng nhằm tạo điều kiện phát hành tăng vốn và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
- Lộ trình thoái vốn Nhà nước tại 8 doanh nghiệp đang niêm yết, nằm trong danh sách 10 doanh nghiệp dự kiến thoái vốn của SCIC (VNM, FPT, BMP, VNR…) với những thông tin cụ thể và chi tiết sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá cổ phiếu.
- Việc triển khai các sản phẩm chứng khoán phái sinh (covered warrant) và cơ chế giao dịch mới (T0, bán cổ phiếu chờ về…) sẽ thu hút thêm dòng tiền đầu tư và tăng thanh khoản cho thị trường.
Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán trong năm 2017 cũng sẽ phải đối mặt với không ít rủi ro như:
- FED tăng lãi suất đồng USD (dự kiến Fed fund rate sẽ tăng thêm 0,5% trong năm 2017) có thể gây ra áp lực bán ròng của khối ngoại và rủi ro tỷ giá.
- Tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu diễn ra chậm, tính hiệu quả thực tế của VAMC trong việc xử lý nợ xấu vẫn ở mức thấp.
- Xung đột địa chính trị trên thế giới và đặc biệt là diễn biến mới trong khu vực biển Đông.
- Sự phục hồi chậm của khu vực EU, Nhật Bản và chu kỳ “hạ cánh” của kinh tế Trung Quốc có thể là lực cản cho triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Bà Hồ Huyền:Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Tôi cho rằng thế giới 2017 “hậu” Trump sẽ có những đổi khác và khó lường hơn, những thay đổi trong hoạt động của khối ngoại có thể tác động tiêu cực đến thị trường.
Câu chuyện mà chúng ta đã xào xáo nhiều lần trong 3 năm qua là hoạt động liên quan đến khối ngoại (bao gồm nới room và ETF) với TPP giống như một món ăn đã nhạt. Vì vậy năm 2017 với tôi sẽ là một năm rất khó khăn.
Nguyễn Hoàng
Kết thúc một năm đầu tư, anh chị có thể chia sẻ kết quả của mình. Đâu là những thành công và đâu là sai lầm mà anh chị cảm thấy sâu sắc nhất trong năm qua?
Ông Lê Đức Khánh:Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Với tôi, có lẽ sai lầm đến ở việc đầu tư vào một số cổ phiếu khi tôi đánh giá khả năng vượt qua khó khăn của nó quá cao, cùng với việc bảo thủ nắm giữ một số cổ phiếu không hề tăng giá trong năm qua đã làm tôi thất vọng đôi chút nhất (cổ phiếu thủy điện, bảo hiểm).
Tuy nhiên thành công cũng đã mỉm cười đi tôi đặt niềm tin vào nhóm cổ phiếu thép, cao su tự nhiên và cổ phiếu dệt may ở giai đoạn đầu năm. Dù sao đi nữa, tôi cũng khá hài lòng với kết quả đầu tư trong năm qua.
Bà Hồ Huyền:Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
2016 với tôi là một năm đầu tư phức tạp và khó khăn nhất kể từ khi bước vào nghề. Mặc dù thị trường vượt đỉnh 2009, cơ hội kiếm lợi nhuận lại rất hẹp.
Cá nhân tôi vốn cẩn trọng, nên không có mức lợi nhuận hấp dẫn. Bài học lớn với tôi vẫn là “Thị trường luôn biến đổi, thường mỗi phương pháp đầu tư chỉ có lợi thế trong một giai đoạn nhất định”, chẳng hạn như phương pháp đầu tư theo xu hướng của tôi sẽ không có tác dụng trong nửa cuối năm qua.
Hôm nay có người nhắc lại với tôi câu “quan trọng nhất trong thị trường chứng khoán là bạn còn sống sót”, tôi muốn gửi câu này đến những nhà đầu tư chưa có kết quả đầu tư trong ngày cuối năm này và xin chúc tất cả các bạn 1 năm mới đầu tư đúng nhịp.
Ông Lê Hoàng Tân:Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Năm 2016 khá thuận lợi cho nhà đầu tư nói chung nên riêng cá nhân tôi cũng có một năm tương đối thành công. Tỷ suất kỳ vọng tôi đưa ra từ đầu năm là 25% nhưng kết quả lại tốt hơn rất nhiều, đây là thành công lớn nhất của tôi.
Còn về sai lầm thì có vẻ trong năm qua tôi đã khá thận trọng, nếu không tỷ suất sinh lợi trên danh mục có thể còn tốt hơn. Tuy nhiên, tôi hài lòng với tất cả những gì mình làm được và luôn tuân thủ các nguyên tắc quản trị rủi ro, vì điều đó đã giúp tôi thành công trong suốt nhiều năm qua.
Ông Trần Xuân Bách:Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Nhờ diễn biến thị trường thuận lợi nên danh mục đầu tư của tôi cũng đạt được mức tỷ suất lợi nhuận tương đối tốt trong năm 2016.
VnEconomy